Gian khó Ngối Cáy

10:32 - Thứ Năm, 07/09/2023 Lượt xem: 6079 In bài viết

ĐBP - Ngối Cáy là xã đặc biệt khó khăn của huyện Mường Ảng. Những năm qua, thông qua các chương trình hỗ trợ của Nhà nước, công tác giảm nghèo đã được cấp ủy chính quyền nơi đây triển khai bằng nhiều giải pháp nhưng chưa mang lại hiệu quả. Tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 45,61%, trình độ dân trí không đồng đều, một bộ phận không nhỏ người dân mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự đầu tư và hỗ trợ của Nhà nước, việc áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất của nhân dân còn chậm.

Một góc bản Chan 3, xã Ngối Cáy, huyện Mường Ảng.

Chúng tôi đến xã Ngối Cáy một ngày tháng 7, những cơn mưa rừng bất chợt làm cho bầu trời âm u; những khúc cua tay áo vắt ngang sườn núi như leo đến tận chân mây. Hai bên đường thỉnh thoảng mới thấy một mái nhà gỗ lấp ló sau những nương ngô, nương sắn. Cảnh vật đìu hiu làm quãng đường từ trung tâm huyện đến xã Ngối Cáy như xa thêm.

Trụ sở UBND xã Ngối Cáy nằm lọt thỏm giữa cánh đồng lúa, cách khá xa khu dân cư. Tiếp chúng tôi tại trụ sở, Chủ tịch UBND xã Lò Văn Minh chia sẻ: Ngối Cáy có 8 bản, chủ yếu là người dân tộc Thái, dân tộc Mông sống đan xen theo từng bản. Ðiều kiện thiên nhiên khá khắc nghiệt, mùa mưa nguy cơ sạt lở cao, mùa nắng hạn hán, thiếu nước sản xuất. Cuộc sống người dân phụ thuộc vào chăn nuôi và trồng trọt. Toàn xã hiện có 114ha lúa ruộng, 85ha lúa nương, 35ha ngô, 75ha sắn; do người dân chưa chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật nên năng suất, sản lượng cây trồng đạt thấp.

Từ nhiều năm nay, công tác giảm nghèo luôn là vấn đề khiến cấp ủy, chính quyền xã Ngối Cáy trăn trở. Từ các chương trình mục tiêu quốc gia, Ngối Cáy được đầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm các công trình thủy lợi, nước sinh hoạt... Ðồng thời, mở các lớp tập huấn, dạy nghề về chăn nuôi, trồng trọt. Hàng năm thông qua các chương trình hỗ trợ, các hộ nghèo đều nhận được cây, con giống để trồng, chăm sóc từng bước vươn lên thoát nghèo. Thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chính quyền xã đã tuyên truyền vận động người dân chuyển sang một số loại cây ngắn ngày như dong riềng, lạc; cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả. Hiện nay, toàn xã đã có 5ha cây dong riềng, 8ha lạc, trên 50ha cây cà phê, 6ha cây ăn quả (xoài, bưởi).

Chúng tôi đến thăm bản Chan 3, một trong 2 bản khó khăn bậc nhất của xã. Bản Chan 3 có 84 hộ dân thì có tới 76 hộ nghèo, bản có nhiều phụ nữ lấy chồng sớm; nhiều trường hợp 18 - 20 tuổi đã có 2 con, thậm chí có bé gái chưa học hết cấp 2 đã bỏ học ở nhà lấy chồng, sinh con. Ðàn ông trong bản vẫn có thói quen tụ tập uống rượu từ nhà này đến nhà khác mỗi khi có công việc hay chỉ cần có anh em, bạn bè đến thăm.

Trưởng bản Chan 3, Lý A Sĩ cho biết: Sinh nhiều con, tảo hôn, hủ tục là một trong những nguyên nhân khiến đói nghèo mãi đeo bám vùng đất nơi đây. Mặc dù đã được cán bộ xã, huyện tuyên truyền về hệ lụy của tảo hôn, sinh con ở độ tuổi vị thành niên trí tuệ chậm phát triển... nhưng tình trạng tảo hôn vẫn tiếp diễn.

Chị Bạc Thị Lả, bản Ngối, xã Ngối Cáy bên ngôi nhà mới được hỗ trợ xây dựng.

Bên cạnh tình trạng trông chờ ỷ lại thì hiện nay ở Ngối Cáy đã có một số hộ vươn lên thoát nghèo. Năm 2023, thông qua Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, Dự án 2 “Ða dạng hóa sinh kế phát triển mô hình giảm nghèo” xã đã triển khai dự án nuôi bò sinh sản cho 51 hộ tại bản Xuân Ban, bản Ngối, bản Nặm Cứm (gồm 24 hộ nghèo, 15 hộ cận nghèo và 12 hộ thoát nghèo). Dự án 5 “Hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo”, xã đã triển khai thực hiện được 9 hộ với tổng số tiền giải ngân là 287 triệu đồng, trong đó 7 hộ làm mới và 2 hộ sửa chữa. Ðây chính là một trong những điều kiện, động lực giúp người dân vươn lên thoát nghèo.

Chúng tôi đến thăm gia đình chị Bạc Thị Lả, bản Ngối, một trong những hộ gia đình đăng ký thoát nghèo năm 2023. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà sàn khang trang còn thơm mùi gỗ, chị Lả chia sẻ: Vợ chồng tôi lấy nhau được gần chục năm, vì điều kiện 2 bên gia đình đều khó khăn nên bố mẹ chỉ cắt cho được ít đất đủ để làm cái nhà tạm để ở. Ruộng nương không có, 2 vợ chồng phải đi làm thuê, tôi làm thuê cho các tổ thợ xây trong bản, kết hợp chăn nuôi thêm lợn, gà, còn chồng tôi đi phụ xây theo các công trình tại huyện Mường Nhé. Ngoài nuôi con cái ăn học trung bình mỗi tháng gia đình cũng tích lũy được 3 - 5 triệu đồng. Ðầu năm nay thông qua chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo gia đình được hỗ trợ 50 triệu đồng cùng với số tiền tích lũy được, đã làm được ngôi nhà mới khang trang. Ðây là động lực để gia đình tôi vươn lên thoát nghèo.

Chiều muộn, chúng tôi rời Ngối Cáy với nỗi lòng canh cánh về những khó khăn trong cuộc sống của người dân nơi đây khi câu chuyện thoát nghèo của xã còn lắm gian nan, vất vả. Ngối Cáy cần sự quan tâm, hỗ trợ hơn nữa từ các cấp chính quyền và cộng đồng để xây dựng hạ tầng, phát triển kinh tế. Ðiều cần thiết và quan trọng hơn cả là người dân thay đổi nhận thức, tập trung lao động, sản xuất để xóa bỏ các hủ tục, tình trạng tảo hôn vươn lên thoát nghèo.

Anh Nguyễn
Bình luận

Tin khác

Back To Top