Người phụ nữ “cho đi mà không cần nhận lại”

16:13 - Thứ Ba, 12/09/2023 Lượt xem: 7092 In bài viết

ĐBP - Dáng người nhỏ nhắn, nét mặt dịu dàng, luôn nhiệt tình khi giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, bất hạnh, là những gì chúng tôi cảm nhận khi tiếp xúc với chị Nông Thị Thu Thủy (dân tộc Nùng), ở tổ 14, phường Him Lam (TP. Điện Biên Phủ). 

Tranh thủ thời gian rảnh, chị Thủy (áo tím) mang bánh và nhu yếu phẩm tới cho mọi người trong xóm chạy thận.

Không chỉ bận rộn với công việc kinh doanh của gia đình, chị Thủy còn tham gia công tác thiện nguyện, giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt là những bệnh nhân nghèo đang chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh, tạm trú tại xóm chạy thận, bản Noong Bua, phường Noong Bua (TP. Điện Biên Phủ).

Chia sẻ với chúng tôi về cơ duyên đến với công việc thiện nguyện tại xóm chạy thận, chị Thủy tâm sự: “Năm 2020, từ một bài chia sẻ của chị họ trên mạng xã hội, tôi biết đến Vàng Thị Mỷ, một em gái đang điều trị thận và sống tại xóm chạy thận này. Thấy hoàn cảnh của Mỷ đáng thương, bố mẹ đã mất, không có ai chăm sóc, nên tôi càng muốn che chở, giúp đỡ Mỷ nhiều hơn. Hàng tuần, tôi mua nhu yếu phẩm cho Mỷ và các anh chị ở xóm. Chỉ tiếc rằng, năm ngoái Mỷ mất rồi. Trước đó mấy tháng Mỷ có tâm sự rằng, em coi tôi như người chị, người mẹ của mình... Tâm sự của Mỷ làm tôi càng thấy xót xa và muốn giúp đỡ nhiều hơn những hoàn cảnh khó khăn. Tôi mong mỗi hoàn cảnh mà mình sẻ chia sẽ bớt khó khăn, lan tỏa hành động sẻ chia đến nhiều người, để cùng chung tay, giúp đỡ hoàn cảnh bất hạnh, đặc biệt là các bệnh nhân ở xóm chạy thận…”.

Anh Ly Nọ Giống, được bầu làm trưởng xóm chạy thận vì là một trong ít người có thể nói rõ tiếng phổ thông. Anh cũng là người thường thông tin với chị Thủy về tình hình của xóm, hoàn cảnh của từng thành viên và kiêm cả phiên dịch khi chị về xóm. Anh Giống cho biết: Hầu hết người chạy thận đều ở trọ vì nhà xa. Chạy thận lâu năm, kinh tế kiệt quệ, nhà ai cũng là hộ nghèo. Xóm hiện tại có 15 người đang chạy thận cùng với người thân xuống chăm sóc là gần 40 người, ở khắp nơi trong tỉnh, chủ yếu là dân tộc Thái, Mông. Nhiều năm qua, nhờ sự quan tâm, chăm lo của chị Thủy mà đời sống của những thành viên xóm chạy thận bớt khó khăn hơn.

Chị Thủy trò chuyện với mọi người trong xóm chạy thận.

Chị Mùa Thị Lìa, xã Núa Ngam (huyện Điện Biên) đã chạy thận 11 năm. Gia đình thuộc diện hộ nghèo của xã, không có khả năng chữa trị nên bệnh thêm nặng, khối u ở ngực Lìa ngày càng to; khuôn mặt cũng bị biến dạng, đôi chân teo dần và không còn khả năng đi lại. Từ một cô gái xinh đẹp với 49kg thì nay Lìa chỉ còn 26kg. Chính vì vậy, Lìa là người mà chị Thủy đặc biệt quan tâm; mỗi khi đến thăm, chị lại giúp chị Lìa dọn dẹp phòng và ân cần hỏi thăm sức khỏe. Lìa tâm sự: Chị Thủy không chỉ tốt với em mà còn tốt với tất cả mọi người trong xóm nữa. Nhờ có chị mà em vơi bớt khó khăn trong quá trình điều trị bệnh. Em biết ơn chị Thủy rất nhiều!

Với những người trong “xóm” chạy thận, hình ảnh nhỏ bé, nụ cười hiền hòa và tấm lòng vàng của chị Thủy đã quá đỗi quen thuộc. Anh Giống ở xã Hừa Ngài (huyện Mường Chà) đã chạy thận được 3 năm chia sẻ: “Thủy luôn nhiệt tình giúp đỡ mọi người gạo, thức ăn, mắm, muối, có những thứ nhỏ nhặt nhất cũng giúp đỡ. Ở đây, ai cũng coi Thủy như người thân trong gia đình của mình vậy. Không chỉ chăm lo đời sống, Thủy còn ân cần thăm hỏi sức khỏe từng người; thậm chí có khi còn hỏi những người ốm mệt hơn muốn ăn gì để cố gắng chăm lo”.

Bệnh nhân đang điều trị thận, chế độ ăn phải kiêng nhiều thứ, như thịt bò, thịt trâu, nước ngọt, sữa... chị Thủy thuộc lòng điều đó. Với những thành viên xóm trọ, chị Thủy không chỉ là mạnh thường quân, ân nhân mà còn như người mẹ hiền. Tính toán, lo toan mọi việc, mỗi lần về xóm chị đều mang 400 - 600kg gạo; chia cho mọi người sao cho đủ dùng trong hơn 1 tháng; còn thức ăn thì tuần giúp 1 bữa cải thiện dinh dưỡng. Cố định là thế, nhưng hễ trong tuần có nhà hảo tâm nào ủng hộ bánh kẹo, nhu yếu phẩm thì chị sẽ mang luôn cho mọi người dùng.

Không chỉ giúp đỡ những bệnh nhân trong xóm trọ chạy thận, chị Thủy còn quan tâm, giúp đỡ nhiều trường hợp có hoàn cảnh khó khăn khác, như: Những gia đình không có đủ tiền viện phí, tiền xe đi xuống bệnh viện tỉnh hoặc Hà Nội khám, chữa bệnh; trường hợp phải điều trị dài ngày mà hoàn cảnh quá khó khăn; giúp đỡ xây nhà cho những người neo đơn, hộ nghèo. 

Tháng 3/2022, bé Ly Thị Thu, 6 tháng tuổi quê ở huyện Mường Chà, bị suy đa tạng, bệnh tim, bệnh viện tuyến địa phương trả về và gia đình chuẩn bị đưa bé về nhà. Chị Thủy đã kết nối được gần 30 triệu đồng để đưa em xuống Hà Nội chữa trị. Sau 1 tháng điều trị, em đã sống sót trở về. Hay như trường hợp anh Lỳ Go Chờ, dân tộc Hà Nhì, sinh sống tại huyện Mường Nhé. Anh Chờ bị câm, trong khi đi làm thuê không may bị cây đâm vào mắt khiến mắt bị thủng thủy tinh thể, nếu không được điều trị kịp thời; chị Thủy đã hỗ trợ 7 triệu đồng tiền xe và khám chữa bệnh dưới Hà Nội, giúp anh tìm lại ánh sáng.

Số tiền mua đồ, giúp đỡ các hoàn cảnh chủ yếu từ cá nhân chị Thuỷ còn lại do chị kêu gọi sự ủng hộ, giúp đỡ từ người thân, bạn bè và trên mạng xã hội. Mỗi trường hợp, chị chỉ kêu gọi đủ số tiền cần dùng chứ không kêu gọi quá nhiều. Theo chị, người dân ở tỉnh ta kinh tế còn nhiều khó khăn; những hoàn cảnh cần được cộng đồng sẻ chia, hỗ trợ còn nhiều; việc kêu gọi cần đảm bảo phù hợp, để có thể chia sẻ được cho nhiều hoàn cảnh khó khăn nhất…

Tiền các cá nhân, mạnh thường quân ủng hộ, chị Thủy đều công khai, minh bạch trên trang cá nhân của mình; ai ủng hộ bao nhiêu, chi tiêu số tiền ra sao và trao cho người cần giúp đỡ. Chính vì vậy, hơn ba năm qua, rất nhiều người tin tưởng, gửi tiền qua chị tới những mảnh đời bất hạnh. 

Hơn 3 năm làm thiện nguyện, chị đã giúp đỡ được hàng trăm bệnh nhân đang điều trị bệnh thận và các hoàn cảnh khó khăn khác. Việc làm của chị đã  động viên tinh thần bệnh nhân nghèo khó khăn, nhân lên và lan tỏa tình yêu thương trong cộng đồng. 

Bài, ảnh: Thùy Trang
Bình luận

Tin khác

Back To Top