Nguy cơ cháy nổ còn rất lớn

14:36 - Thứ Tư, 13/09/2023 Lượt xem: 4635 In bài viết

Theo báo cáo của Chính phủ, tình hình cháy, nổ trên vẫn diễn biến phức tạp, nguy cơ mất an toàn về cháy nổ còn rất lớn.

Sáng 13-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 26, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng, công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án năm 2023; các báo cáo công tác của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao năm 2023.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chủ trì phiên họp.

Quang cảnh phiên họp.

Cháy nổ tăng 38,16%

Báo cáo của Chính phủ cho biết, toàn quốc xảy ra 40.098 vụ phạm tội về trật tự xã hội (tăng 19,01%), đã điều tra, khám phá 32.668 vụ, đạt tỷ lệ 81,47%, trong đó án rất nghiêm trọng đạt 92,5%, án đặc biệt nghiêm trọng, đạt 95,65%, vượt chỉ tiêu Quốc hội giao. Tuy nhiên, nhiều loại tội phạm tăng cao và có xu hướng phức tạp trở lại.

Trong lĩnh vực phòng cháy, chữa cháy, tình hình cháy, nổ trên toàn quốc vẫn diễn biến phức tạp, đã xảy ra 2.031 vụ cháy (tăng 38,16%), 8 vụ nổ (giảm 60%), nguy cơ mất an toàn về cháy, nổ còn rất lớn.

Về phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng, các cơ quan điều tra trong Công an nhân dân đã thụ lý điều tra 967 vụ án/2.552 bị can phạm tội về tham nhũng; trong đó khởi tố mới 620 vụ án/1.749 bị can; đã kết luận điều tra đề nghị truy tố 377 vụ án/997 bị can. Viện Kiểm sát các cấp thụ lý và kiểm sát điều tra 1.225 vụ/3.357 bị can (trong đó án mới 755 vụ/2.315 bị can). Tòa án nhân dân các cấp giải quyết theo thủ tục sơ thẩm 614 vụ /1.467 bị cáo; đã giải quyết 476 vụ /1.115 bị cáo, trong đó xét xử 384 vụ/849 bị cáo về các tội tham nhũng.

Về công tác thi hành án liên quan đến việc thu hồi tài sản tham nhũng, số có điều kiện thi hành 3.258 việc với số tiền hơn 56.688 tỷ đồng; đã thi hành xong 1.703 việc với số tiền hơn 19.818 tỷ đồng.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường báo cáo thẩm tra.

Báo cáo thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Mạnh Cường cơ bản tán thành với nhiều nhận định, đánh giá của Chính phủ về công tác phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, Ủy ban Tư pháp cho rằng, mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng tổng thể chung, tội phạm gia tăng cả về số vụ, số người chết và thiệt hại tài sản do tội phạm gây ra. Trong đó, một số loại tội phạm tăng mạnh, như: giết người; cướp tài sản; cướp giật; lừa đảo chiếm đoạt tài sản; cho vay lãi nặng; gây rối trật tự công cộng...

Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn một số bất cập, dẫn đến các đối tượng lợi dụng để phạm tội, như: Đăng kiểm phương tiện giao thông, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy phép khai thác khoáng sản, cấp phiếu lý lịch tư pháp... Tội phạm tham nhũng, chức vụ bị phát hiện tăng 71,46% về số vụ, tăng 116,17% số đối tượng. Đặc biệt, số vụ nhận hối lộ được phát hiện tăng 312,5%. Điều này cho thấy, công cuộc chống tham nhũng ngày càng hiệu quả, tuy nhiên kết quả trên cũng thể hiện công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa tham nhũng còn hạn chế.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh thảo luận tại phiên họp.

Kết quả chưa tương xứng với giải pháp

Thảo luận tại phiên họp, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, các vụ cháy đã làm 83 người chết (tăng 48%). “Qua theo dõi, có thời điểm xảy ra liên tiếp các vụ cháy dẫn đến 3 - 4 người cùng một gia đình chết”, bà Thanh nhấn mạnh.

Dẫn báo cáo của Chính phủ, Trưởng ban Công tác đại biểu nêu con số, cả nước còn hơn 38.000 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và khó có khả năng khắc phục theo tiêu chuẩn kỹ thuật về phòng cháy, chữa cháy.

“Các ngành đã ban hành rất nhiều văn bản, biện pháp mạnh chỉ đạo, nhưng số cơ sở đưa vào sử dụng còn vi phạm các quy định về phòng cháy, chữa cháy còn tương đối nhiều”, Trưởng ban Công tác đại biểu nhận xét và cho rằng, cần phải tiếp tục tìm hiểu xem nguyên nhân tại sao số lượng cơ sở vi phạm còn nhiều như vậy.

Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an phát biểu.

Về vấn đề này, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết, trong thời gian qua đã quyết liệt kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy theo chức năng, nhiệm vụ. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng 38.000 cơ sở đã đưa vào sử dụng còn tồn tại vi phạm về phòng cháy, chữa cháy và khó có khả năng khắc phục, có nguyên nhân do thời gian gần đây Bộ Xây dựng ban hành tiêu chuẩn mới cao hơn tiêu chuẩn cũ về phòng cháy, chữa cháy. Do đó, các cơ sở được xây dựng, đưa vào hoạt động theo tiêu chuẩn cũ rất khó khắc phục theo tiêu chuẩn mới.

“Nếu đình chỉ hết thì sẽ gây khó khăn cho cơ quan, doanh nghiệp, Bộ Công an sẽ tiếp tục phối hợp cùng Bộ Xây dựng để tháo gỡ khó khăn về vấn đề này”, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến nói.

Liên quan vụ cháy tại quận Thanh Xuân xảy ra đêm 12-9, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến, Thứ trưởng Bộ Công an cho biết: Vụ cháy đã gây ra hậu quả rất nặng nề, số người tử vong và bị thương rất lớn. Sau khi nhận tin báo, lãnh đạo Bộ Công an đã trực tiếp xuống hiện trường chỉ đạo Công an thành phố Hà Nội khẩn trương dập tắt đám cháy và cứu người bị nạn; đồng thời, bàn bạc với Công an thành phố Hà Nội và các sở, ngành nhằm giải quyết vụ việc.

“Bộ Công an cũng đã có báo cáo nhanh gửi Quốc hội, Chính phủ về tình hình vụ cháy”, Thiếu tướng Lê Văn Tuyến nói.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top