Ðiểm tựa cho phụ nữ và trẻ em vùng cao

15:24 - Thứ Tư, 13/09/2023 Lượt xem: 6019 In bài viết

ĐBP - Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi) đã được triển khai đồng loạt tại các địa phương trên toàn tỉnh; trong đó có xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên). Dự án nhằm thúc đẩy bình đẳng giới, để phụ nữ, trẻ em có điều kiện phát triển, phát huy những thế mạnh của mình, tạo động lực vươn lên cho phụ nữ và trẻ em vùng cao.

Cán bộ Hội LHPN xã Pa Thơm thăm, chia sẻ kinh nghiệm chăm trẻ nhỏ cùng phụ nữ đang nuôi con nhỏ tại bản Pa Xa Lào.

Pa Thơm là xã biên giới, giáp ranh nước bạn Lào; là nơi sinh sống của dân tộc Lào, Khơ Mú và Cống. Ðiều kiện kinh tế khó khăn, tình hình an ninh trật tự có nhiều diễn biến phức tạp, những năm qua nhờ triển khai nhiều dự án, chương trình mục tiêu quốc gia nên đời sống của đồng bào dân tộc tại Pa Thơm dần ổn định, phát triển. Mặc dù vậy, vấn đề bình đẳng giới, để phụ nữ vươn lên làm chủ, phát triển các mô hình kinh tế, có tiếng nói trong cộng đồng ở Pa Thơm vẫn còn hạn chế, tình trạng tảo hôn, tư tưởng trọng nam khinh nữ… vẫn còn tồn tại. Nhằm xóa bỏ định kiến, dần kéo gần khoảng cách giữa các giới, cũng như tạo điều kiện để phụ nữ và trẻ em, đặc biệt là trẻ em gái có đầy đủ kiến thức về giới, từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm, vươn lên làm chủ cuộc sống, phát huy thế mạnh của phụ nữ trong phát triển kinh tế - xã hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Pa Thơm đã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền, xây dựng 2 tổ truyền thông cộng đồng và 2 địa chỉ tin cậy trên địa bàn xã nhằm hỗ trợ, giúp đỡ, bổ trợ kiến thức về giới tính và các vấn nạn tảo hôn, yêu sớm… cho trẻ em gái.

Ðồng thời, từ các nhóm truyền thông, Hội LHPN xã nắm bắt tình hình, bổ trợ kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ, chăm con nhỏ, phòng tránh bạo lực gia đình, tận dụng những thế mạnh sẵn có để xây dựng các mô hình kinh tế. Thông qua các hoạt động, thúc đẩy sự mạnh dạn, tự tin và tiếng nói của phụ nữ tham gia trong các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của chính mình.

Chị Vì Thị Xôm, Chủ tịch Hội LHPN xã Pa Thơm cho biết: Những năm gần đây đời sống kinh tế, tư tưởng của đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn có chuyển biến tích cực. Mặc dù vậy, để thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ các vấn nạn như yêu sớm, tảo hôn là rất khó, cần cả một quá trình để thay đổi cách nghĩ, cách làm, Hội LHPN xã đã thành lập các tổ truyền thông và địa chỉ tin cậy trên địa bàn không chỉ có sự tham gia của phụ nữ mà còn có cả già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng. Ðồng thời xã thành lập những nhóm, truyền thông nhóm trên các nền tảng xã hội; cung cấp thông tin, kiến thức cũng như nắm bắt tình hình của phụ nữ và trẻ em gái trên địa bàn để có thể kịp thời hỗ trợ, chia sẻ, can thiệp trong những trường hợp nhất định.

Sự linh hoạt trong công tác truyền thông xã Pa Thơm thời gian qua đã có những hiệu quả nhất định, đây là bước đầu trong quá trình thay đổi nếp nghĩ, cách làm của phụ nữ và trẻ em trong cuộc sống hàng ngày. Chị Lò Thị Thiện, bản Pa Xa Lào, xã Pa Thơm chia sẻ: Gia đình có hai con; con gái lớn đang trong độ tuổi dậy thì. Ðộ tuổi này thường khá nhút nhát, việc chia sẻ, tâm sự các vấn đề liên quan đến giới tính thường rất hạn chế. Thông qua truyền thông nhóm trên các nền tảng mạng xã hội được LHPN triển khai đã giúp các cháu có thêm nhiều kiến thức, đồng thời cũng là địa chỉ tin cậy để giải đáp các vấn đề thắc mắc của bản thân, qua đó có cái nhìn đúng đắn về giới và bình đẳng giới. Cháu thứ hai mới được mấy tháng tuổi; thời gian đầu, do thiếu kinh nghiệm chăm sóc, cháu hay bị sặc sữa. Ðược Hội LHPN và chị em trong cộng đồng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm; đến thời điểm hiện tại cháu thứ hai sức khỏe tốt. Qua học hỏi kinh nghiệm, việc chăm sóc con nhỏ của tôi đã khoa học hơn.

Những hoạt động đầu tiên trong việc triển khai Dự án 8 ở xã Pa Thơm đã có những hiệu quả nhất định. Từ những hành động thiết thực, bám sát sẽ tạo động lực cho phụ nữ và trẻ em vùng cao biên giới phát triển an toàn, lành mạnh. Qua đó từng bước thay đổi định kiến, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, tạo điểm tựa an toàn, vững chắc cho sự phát triển của phụ nữ và trẻ em nơi biên giới.

Bài, ảnh: Trần Nhâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top