Góc nhìn – tiêu điểm

Phòng chống từ gốc

09:16 - Thứ Bảy, 16/09/2023 Lượt xem: 4900 In bài viết

ĐBP - Trong thời gian ngắn, trên địa bàn tỉnh đã liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc với mức độ và tính chất khá... đa dạng. Từ ngộ độc do nguồn nước nhiễm thuốc trừ cỏ, ngộ độc thực phẩm do ăn bún tươi đến ngộ độc do ăn quả dại. Ngộ độc xảy ra từ thành phố đến huyện vùng cao.

Ðiều may mắn là các vụ ngộ độc xảy ra vừa qua chưa gây thiệt hại về người; các bệnh nhân cũng sớm được về nhà sau khi được chăm sóc điều trị tại các cơ sở y tế.

Tới đây, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan sẽ được làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm. Khoản 5, Ðiều 53 Luật An toàn thực phẩm quy định rõ: “Tổ chức, cá nhân cung cấp thực phẩm mà gây ngộ độc phải chịu toàn bộ chi phí điều trị cho người bị ngộ độc và bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật dân sự”.

Dân gian thường nói “bệnh từ miệng vào”. Con người sẽ trở thành nạn nhân của việc ăn uống từ nguồn nước, thực phẩm bị ô nhiễm, kém chất lượng.

Có một thực tế là khi xảy ra một vụ ngộ độc thực phẩm, hay một vụ việc vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm bị phát hiện là dư luận lại rầm rộ lên án, mắng chửi những đối tượng buôn bán, kinh doanh bất lương. Từ những cuộc “tám chuyện” vỉa hè, “chém gió” ở quán cà phê hay những dòng “tút”, “com-men” trên mạng xã hội, đám đông nhất trí những đối tượng bất lương kia là nguyên nhân, tác nhân nguy hiểm, phải xử lý nghiêm.

Ðương nhiên có vi phạm sẽ bị xử lý!

Nhưng đám đông dư luận chỉ quan tâm đến phần ngọn - việc vi phạm mà không hoặc rất ít để ý đến bản chất sâu xa, hay phần gốc nó như thế nào. Ðó là công tác quản lý.

Không thể phủ nhận những nỗ lực, cố gắng của cơ quan chức năng trong đấu tranh, ngăn chặn hoạt động mua bán, kinh doanh, những vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm trong thời gian qua. Nhiều vụ thực phẩm “bẩn”, không rõ nguồn gốc trên địa bàn tỉnh đã bị lực lượng chức năng phát hiện. Những cá nhân vi phạm đã bị xử lý nghiêm.

Mỗi khi xảy ra ngộ độc thực phẩm, các cơ quan liên quan đều thực hiện các bước: Kiểm tra, lấy mẫu, xử lý vi phạm.

Song, ai sẽ đánh giá mức độ thiệt hại sức khỏe của nạn nhân? Và chịu trách nhiệm như thế nào? Hậu quả của sử dụng thực phẩm không an toàn không phải chỉ trước mắt, là ngộ độc cấp tính, bệnh do vi khuẩn, ký sinh trùng mà về lâu dài sẽ trở thành các bệnh lý mãn tính do tích tụ các chất độc hại trong cơ thể con người.

Ðối với ô nhiễm nguồn nước cũng vậy. Nông dân đã hình thành thói quen sản xuất nông nghiệp dựa vào hóa chất bảo vệ thực vật. Trồng, chăm sóc, bảo vệ cây trồng đều lạm dụng bón phân, thuốc BVTV. Thuốc trừ cỏ sau khi sử dụng ngấm vào đất, hòa vào nước, không chỉ làm ô nhiễm nguồn nước bề mặt mà cả nước ngầm. Những việc làm đó đã gây ô nhiễm môi trường, đi ngược lại với sản xuất nông nghiệp hữu cơ nhằm tạo ra sản phẩm sạch.

Ðời sống người dân ngày một nâng lên, cũng có nghĩa yêu cầu về an toàn, trong đó có an toàn về thực phẩm, an toàn sức khỏe cũng đòi hỏi được đảm bảo tốt hơn.

Hàng năm chúng ta vẫn chứng kiến “tháng hành động”, “cao điểm tấn công” và nhiều hoạt động phòng chống, ngăn ngừa khác. Khi xảy ra vụ việc ngộ độc thì đều có “quy trình” kiểm tra, xử lý rất chặt chẽ.

Nhưng làm sao các hoạt động đó thực sự hiệu quả và đi vào đời sống? Hay vẫn theo phong trào, rầm rộ một thời gian rồi lại thôi, hết cao điểm đâu lại vào đấy!

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top