Xử lý nghiêm các cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy

17:29 - Thứ Năm, 21/09/2023 Lượt xem: 4320 In bài viết

ĐBP - “Kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật...”. Đây là một trong những nội dung chỉ đạo của UBND tỉnh tại Văn bản số 4157/UBND-NC, ban hành ngày 21/9/2023, về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh.

Tính đến tháng 09/2023, cả nước xảy ra 2.031 vụ cháy, làm 140 người chết, 150 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 640 tỷ đồng; xảy ra 08 vụ nổ, làm 05 người chết, 21 người bị thương, thiệt hại ước tính khoảng 50 tỷ đồng. Trong đó có những vụ cháy, nổ gây ra hậu quả nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng và không có khả năng khắc phục. Từ tình hình trên, để thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện có hiệu quả Công điện số 796/CĐ-TTg ngày 13/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về vụ cháy xảy ra tại ngõ 29/70 phố Khương Hạ, quận Thanh Xuân, Hà Nội; Công điện số 825/CĐ-TTg ngày 15/9/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về việc tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy; UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; các cơ quan ngành dọc đóng trên địa bàn tỉnh; các trường chuyên nghiệp tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy định của pháp luật và các văn bản chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh về công tác phòng cháy, chữa cháy, trọng tâm là: Chỉ thị số 47-CT/TW ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy; Kết luận số 02-KL/TW ngày 18/5/2021 của Ban Bí thư khóa XIII về tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 47-CT/TW; Nghị quyết số 99/2019/QH14 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Quyết định số 630/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy, chữa cháy; Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ và Kế hoạch số 781/KH-UBND ngày 10/3/2023 của UBND tỉnh về thực hiện Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 03/01/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác phòng cháy, chữa cháy trong tình hình mới... và các văn bản chỉ đạo khác có liên quan đến công tác phòng cháy, chữa cháy.

Chỉ đạo đổi mới về nội dung, hình thức tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân đối với công tác phòng cháy, chữa cháy. Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong việc chỉ đạo, tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy tại địa bàn, cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý. Quan tâm đầu tư các trang thiết bị, phương tiện phòng cháy, chữa cháy; hằng năm tổ chức thực tập, diễn tập các phương án chữa cháy sát với tình hình và điều kiện thực tế; củng cố, kiện toàn lực lượng phòng cháy, chữa cháy cơ sở, lực lượng dân phòng, kịp thời xử lý các tình huống cháy, nổ khi mới phát sinh, giảm thiểu đến mức thấp nhất số vụ việc và thiệt hại do cháy, nổ gây ra. Nghiêm túc kiểm điểm trách nhiệm của các tập thể, cá nhân liên quan khi để xảy ra các vụ cháy, nổ gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại cơ quan, đơn vị, địa bàn được giao phụ trách.

UBND tỉnh giao Công an tỉnh chủ động nắm chắc tình hình, địa bàn và thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn tỉnh; phối hợp các cơ quan, đơn vị, địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy tại các cơ sở trọng điểm theo chuyên ngành, chuyên đề. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức tổng kiểm tra, rà soát công tác phòng cháy, chữa cháy tại các nhà cao tầng, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chung cư mini, nhà trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao... để đánh giá chính xác thực trạng và kịp thời phát hiện chấn chỉnh, làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động và xử lý nghiêm theo thẩm quyền đối với các cơ sở không bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tiếp tục đổi mới hình thức, nội dung, phương pháp và nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và kiến thức phòng cháy, chữa cháy; trong đó tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm, nghĩa vụ của người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân trong công tác phòng cháy, chữa cháy. Chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy, có phương án xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn an toàn. Chỉ đạo tổ chức kiểm tra, rà soát các nhà cao tầng, trung tâm thương mại, các cơ sở kinh doanh dịch vụ, chung cư mini, nhà trọ có mật độ người ở cao, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh có nguy cơ cháy nổ cao (nếu có) và chủ động trang bị các phương tiện, thiết bị chữa cháy, có phương án xử lý tình huống cháy nổ, thoát nạn an toàn. Xử lý nghiêm trách nhiệm đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ để xảy ra tình trạng vi phạm, mất an toàn về phòng cháy, chữa cháy tại địa phương.

Đối với các cơ quan thông tin đại chúng, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng cháy, chữa cháy với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, có sức lan tỏa lớn đến mọi tầng lớp nhân dân. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, dành thời lượng và ưu tiên phát sóng vào các giờ vàng để tuyên truyền, khuyến cáo cho người dân về kiến thức, kỹ năng phòng ngừa cháy, nổ và thoát nạn, nhất là tại các cơ sở tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao và cơ sở tập trung đông người...

P.V (bs)
Bình luận
Back To Top