Nỗi lo an toàn thực phẩm

09:38 - Thứ Năm, 28/09/2023 Lượt xem: 5350 In bài viết

ĐBP - Vấn đề an toàn thực phẩm đang rất “nóng”, khi gần đây (cuối tháng 8 và đầu tháng 9) trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra 5 vụ ngộ độc thực phẩm, với 46 ca mắc, kết quả kiểm nghiệm xác định do nhiễm vi sinh vật trong bún tươi. Nguồn bún được lấy từ một cơ sở sản xuất quy mô khá lớn ở phường Tân Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ. Với số lượng người phải đến các cơ sở y tế điều trị, cấp cứu lớn, đã làm một bộ phận người dân hoang mang, lo lắng.

Đoàn liên ngành của tỉnh kiểm tra ATVSTP tại cơ sở kinh doanh trên địa bàn phường Him Lam. Ảnh: Mai Giáp

Trước đó không lâu (trung tuần tháng 8), tại bản Co Pục, xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên xảy ra hiện tượng một số người dân bị ngộ độc thuốc diệt cỏ, cũng phải nhập viện cấp cứu. Cơ quan chức năng khẩn trương vào cuộc, lấy mẫu kiểm tra, xét nghiệm và đã kết luận là do ngộ độc thuốc diệt cỏ phun đầu nguồn nước ăn của bản.

Ðây là 6 vụ ngộ độc thực phẩm, thuốc diệt cỏ gây hậu quả lớn, người dân phải nhập viện điều trị hàng loạt. Còn thực tế, vấn đề ngộ độc thực phẩm ở thể nhẹ (chỉ đau bụng, đi ngoài thời gian ngắn, người dân tự mua thuốc uống, điều trị khỏi), bà con không thông báo, cơ quan chức năng không thống kê chắc chắn là rất nhiều.

Gần đây, nhiều ý kiến phản ánh rằng, không ít người trồng rau xanh ở huyện Ðiện Biên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phun kích thích cho rau phát triển nhanh, xanh non, bắt mắt rồi bán ra thị trường. Tình trạng “rau hai luống”, “gà hai chuồng” có rất nhiều nơi vùng quê thuần nông này. Rau nhà mình ăn, gà nhà mình thịt thì không phun thuốc kích thích, không cho thức ăn tăng trọng, còn nuôi, trồng để bán thì bằng mọi cách thức, thủ đoạn, miễn sao thu về nhiều lợi nhuận càng tốt.

Có tin cho biết, rau cải muối dưa chua, nếu chưa già thì người dân phun thuốc, một vài ngày sau cả luống rau ngả màu vàng, thành cải muối dưa, nom rất bắt mắt. Với kiểu trồng rau như vậy, phun thuốc như vậy, ai dám chắc, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong rau không quá liều lượng, người dân ăn vào không bị ngộ độc?

Ðang là dịp Tết Trung thu, lượng hoa quả, bánh kẹo, nước giải khát các loại được người dân tiêu thụ nhiều. Ðây cũng là dịp để hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm thâm nhập thị trường, gây nguy hại cho người tiêu dùng.

Nhiều năm qua, vấn đề an toàn thực phẩm không chỉ “nóng” ở trong dân mà cả trên nghị trường. Cơ quan chức năng vào cuộc bắt giữ, xử lý được vụ này thì phát sinh vụ khác; bịt được “lỗ hổng” này thì phát sinh “lỗ hổng” khác. Nguyên nhân cũng do một bộ phận người dân, thương nhân vì lợi nhuận mà bất chấp luật pháp, đạo đức kinh doanh. Họ tìm mọi kẽ hở của pháp luật để sản xuất, kinh doanh, buôn bán hàng kém chất lượng, không đảm bảo an toàn thực phẩm.

Ðoàn liên ngành TP. Ðiện Biên Phủ kiểm tra ATVSTP tại cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn phường Tân Thanh. Ảnh: Mai Giáp

Kiểm soát an toàn thực phẩm, nhất là trong việc trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm của người dân rất khó. Lãnh đạo một cơ quan chức năng huyện Ðiện Biên thừa nhận rằng, thời gian qua, họ chỉ chủ yếu quản lý danh mục thuốc bảo vệ thực vật ở khâu có được phép nhập khẩu, lưu hành hay không, số lượng thuốc, điều kiện kinh doanh, thời hạn sử dụng in trên bao bì… còn việc phát hiện, xử lý người dân phun thuốc sai cách thức, quy trình, liều lượng bao nhiêu… thì rất khó.

Huyện Ðiện Biên là “vựa rau” xanh cung cấp cho cả tỉnh. Nơi đây có nhiều trang trại, gia trại chăn nuôi gia cầm, thuỷ cầm, cá các loại. Nếu người dân không nâng cao ý thức trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng chất cấm, chất kích thích trong chăn nuôi thì cơ quan chức năng không tài nào kiểm soát được. Như vị cán bộ lãnh đạo này nói thì, thời gian qua, họ chỉ chủ yếu tuyên truyền, vận động, khuyến cáo người dân trồng rau xanh cần tuân thủ thời gian cách li sau khi phun thuốc (sau bao nhiêu ngày phun thuốc bảo vệ thực vật trên rau màu thì mới thu hoạch bán). Còn người dân có làm đúng như mình tuyên truyền, khuyến cáo hay không thì không biết, và cũng chưa xử lý được trường hợp nào vi phạm!

An toàn thực phẩm luôn là vấn đề thời sự, vì liên quan trực tiếp đến sức khoẻ người dân, tương lai giống nòi, môi trường sinh thái... Do vậy, ngoài các chế tài đủ mạnh để xử lý vi phạm, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự những đối tượng, cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu để xảy ra hậu quả nghiêm trọng.

Một mặt, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm định kỳ theo kế hoạch, theo chuyên đề, đột xuất nhằm hạn chế các vụ ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm; công khai các vi phạm về an toàn thực phẩm trên phương tiện thông tin đại chúng để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.

Còn với người dân - đối tượng tiêu thụ thực phẩm hàng ngày cần tỉnh táo, thận trọng hơn khi lựa chọn thực phẩm. Phải hình thành thói quen ăn chín, uống sôi; lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, chất lượng đảm bảo theo khuyến cáo của nhà sản xuất. Không mua thực phẩm trôi nổi trên thị trường, nhất là hàng quá hạn sử dụng, hàng ôi thiu... Với người trồng rau xanh, chăn nuôi gia súc, gia cầm cần có đạo đức, ý thức với cộng đồng, bà con lối xóm mình. Không vì lợi nhuận mà bất chấp mọi thủ đoạn để tuồn ra thị trường các loại thực phẩm không an toàn.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top