Gian khó Nậm Nhừ

10:09 - Thứ Năm, 28/09/2023 Lượt xem: 4635 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, mặc dù đã được Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhiều chương trình dự án để thúc đẩy phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, cuộc sống của bà con người Mông nơi rẻo cao Nậm Nhừ (huyện Nậm Pồ) vẫn quanh quẩn trong cảnh thiếu thốn, lạc hậu; cái đói, cái nghèo cứ bủa vây, len lỏi vào bản làng. 

Người dân xã Nậm Nhừ nhận phân bón hỗ trợ để trồng cây quế.

Dự định đã lâu, nhưng mãi cuối tháng 8, chúng tôi mới có dịp ngược ngàn, điểm đến lần này là Nậm Nhừ xã biên giới với 100% dân cư là đồng bào dân tộc Mông. Nằm cách trung tâm huyện lỵ Nậm Pồ chỉ chừng 30km, con đường về Nậm Nhừ cũng gian nan như chính cuộc sống của người dân nơi đây. Mặc dù đường đã mở rộng, ô tô có thể vào được nhưng mặt đường vẫn lỗ chỗ “ổ gà, ổ voi”; khi trời mưa, đường lầy lội, trơn tuột, khiến chiếc xe máy của chúng tôi ì ạch gần 2 tiếng đồng hồ mới vào đến trung tâm xã. Ðón chúng tôi từ ngã ba rẽ vào trung tâm xã, sau cái bắt tay vội vã, Chủ tịch UBND xã Vàng A Thính dẫn chúng tôi “mục sở thị” một vòng quanh các bản. Chỉ tay về phía những nếp nhà nằm cheo leo trên sườn núi, Chủ tịch Vàng A Thính chia sẻ: Nậm Nhừ là xã biên giới đặc biệt khó khăn với diện tích tự nhiên 5.971,59ha, có đường biên giới tiếp giáp với nước bạn Lào dài 16,870km. Những năm qua, dù đã được Ðảng, Nhà nước quan tâm đầu tư, hỗ trợ nhiều chương trình dự án, nhưng do trình độ, nhận thức của người dân còn hạn chế nên dù đã rất nỗ lực nhưng đời sống còn nhiều khó khăn, chủ yếu là “tự cung tự cấp”. Sản xuất manh mún, lạc hậu, trồng cây ngô, cây lúa theo kinh nghiệm và truyền thống canh tác bao đời truyền lại nên kém hiệu quả, khiến cuộc sống của người dân luôn trong cảnh thiếu trước hụt sau, tỷ lệ hộ nghèo cao (74,33%). Cùng với đó, hệ thống hạ tầng cơ sở, thiết chế văn hóa, các công trình phúc lợi chưa đáp ứng sản xuất… Hiện nay xã Nậm Nhừ vẫn còn 2/6 bản và 2 nhóm hộ chưa được sử dụng điện lưới quốc gia; 5/6 đường vào bản là đường đất khó đi, thu nhập bình quân mới đạt 11 triệu đồng/người/năm. Ðặc biệt, sau hơn 1 thập kỷ triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, dù đã rất nỗ lực nhưng tới nay xã mới cán đích 6/19 tiêu chí.

Sau 1 ngày ở trung tâm xã, chúng tôi tiêp tục vượt hơn 10km đường đất về bản Nậm Chua 1, nơi có hơn 80% là hộ nghèo. Cùng Bí thư chi bộ bản Giàng A Quang thị sát một vòng quanh Nậm Chua 1, đã phần nào hiểu được cuộc sống của người dân. Những căn nhà tuềnh toàng, những cụ già ngồi bên cửa sổ mắt trĩu nặng hướng về khoảng không vô định, những đứa trẻ gầy guộc, lem luốc. Bí thư Chi bộ Giàng A Quang giãi bày: “Con đường di chuyển tìm nơi ở và sản xuất mới của người Mông diễn ra liên tục và ròng rã qua hàng chục năm, khiến người Mông nơi đây chẳng thể nhớ nổi những nơi mình đi qua, những nơi mình đã sống. Cũng do tập quán du canh, du cư, thiếu đất, nước canh tác, sản xuất lại manh mún, nhỏ lẻ với ít lúa, ngô, sắn nên nhiều nhà không còn cái ăn vào lúc giáp hạt. Cộng thêm tập quán sinh nhiều con nên nhiều hộ trong bản luẩn quẩn trong vòng đói nghèo. Tuy nhiên, theo Bí thư Quang, dù cuộc sống vẫn còn nhiều khốn khó, nhưng hiện bà con ai nấy đều đã quyết tâm, kiên cường bám đất, bám rừng, ổn định lâu dài, dựng xây cuộc sống mới, không còn cảnh di cư nay đây mai đó nữa”.

Ðường vào trung tâm xã Nậm Nhừ vẫn còn nhiều gian khó.

Là địa bàn “thâm sơn cùng cốc”, khó khăn nhất trong công tác giảm nghèo ở xã biên giới Nậm Nhừ là việc chưa thay đổi được tư tưởng, cách nghĩ, cách làm của một bộ phận không nhỏ bà con nông dân. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại, “ăn xổi”, không tích lũy, thiếu quyết tâm thoát nghèo ở một bộ phận người dân, lãng phí nguồn lao động đang là rào cản để Nậm Nhừ thực hiện thành công tiêu chí giảm nghèo. Chủ tịch UBND xã Vàng A Thính cho biết thêm: Diện tích đất canh tác chủ yếu là đất đồi hoang hóa, khô cằn, thường xuyên bị thiếu nước nên trồng cây gì, nuôi con gì đều rất khó khăn. Hiện nay, xã đã và đang tích cực vận động Nhân dân nỗ lực lao động, sản xuất, tận dụng diện tích đất tiếp tục trồng ngô, lúa, sắn, các loại cây công nghiệp... đặc biệt là phát triển chăn nuôi gia súc theo mô hình nuôi nhốt, chăn thả có người trông coi.

Xóa đói giảm nghèo là công cuộc lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực từ nhiều phía nhưng mấu chốt chính là người nghèo phải có quyết tâm thoát nghèo. Vì thế, với phương châm “Học hỏi cách làm hay, vận dụng sáng tạo, hợp lý, phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tiễn địa phương”, cấp ủy, chính quyền xã Nậm Nhừ đã phát huy vai trò đội ngũ cán bộ, đảng viên tìm hiểu tâm tư nguyện vọng, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường, tự trọng của người dân, nhất là hộ nghèo, cận nghèo. Ðồng thời, nỗ lực vận động Nhân dân thay đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác nhằm giải phóng sức lao động và nâng cao giá trị sản xuất, hiệu quả kinh tế. Từ diện tích đất đồi bạc màu, canh tác kém hiệu quả đến nay 6/6 bản của xã đã chuyển đổi thành công sang cây trồng mới (120ha trồng cây quế; 20ha sa nhân…). Ðến nay, nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ khuyến nông xã, ứng dụng khoa học kỹ thuật, phân bón vào chăm sóc nên diện tích sa nhân phát triển tốt, một phần diện tích đã cho thu hoạch, xuất bán với giá thành cao, góp phần mang lại nguồn thu nhập ổn định.

Chia tay Nậm Nhừ, lưu lại trong chúng tôi là lời của Chủ tịch UBND xã Vàng A Thính: “Dù khó khăn vẫn còn trước mắt, nhưng tư duy của người dân đã bắt đầu thay đổi theo hướng tích cực. Bà con không còn bỏ đất, bỏ rừng đi như trước nữa mà yên tâm gắn bó với bản mường; đoàn kết, hỗ trợ cùng nhau xây dựng cuộc sống nơi rẻo cao biên giới Nậm Nhừ”.

Sầm Phúc
Bình luận

Tin khác

Back To Top