ĐBP - “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca trong ánh trăng rằm...” Câu hát đã trở nên quen thuộc và gắn liền với ký ức thời thơ ấu của biết bao người về Tết Trung thu. Để rồi mỗi khi giai điệu ấy vang lên, những hình ảnh về đêm hội trăng rằm với chú Cuội, chị Hằng, rước đèn ông sao và xem múa Lân lại náo nức ùa về.
Phố phường rộn rã
Mặc dù, ngày 29/9 (tức 15/8 âm lịch) mới chính ngày rằm Trung thu, song ở nhiều khu phố, tuyến đường trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ đã rộn ràng trống Lân đón hội trăng rằm. Cao điểm là từ tối 27/9, rất nhiều phụ huynh chở theo con nhỏ với trang phục, phụ kiện rực rỡ sắc màu đến tham dự các đêm hội phá cỗ do một số cơ quan, đơn vị tổ chức. Các tuyến đường trung tâm thành phố cũng rộn rã tiếng trống thúc giục của những đoàn múa Lân.
Trong dòng người đưa con đi chơi hội trông trăng, chúng tôi gặp anh Nguyễn Việt Anh và cô con gái Nguyễn Hoàng Bảo An (bản Huổi Phạ, xã Thanh Minh, TP. Điện Biên Phủ) đang mua đồ tại một cửa hàng trên đường Võ Nguyên Giáp. Cô bé phân vân khi phải lựa chọn giữa bộ cánh tiên và những chiếc đèn lồng, đèn ông sao rực rỡ sắc màu. Dẫu vậy, đôi chân bé vẫn nhấp nhổm khi nghe tiếng trống Lân thúc giục từ xa vọng lại. Không để mất thêm thời gian, anh Việt Anh gợi ý con lấy chiếc đèn ông sao được làm bằng tre và giấy nilon.
Anh Việt Anh tâm sự: “Hai hôm nay rồi, tối nào tôi cũng cho con đi dạo phố để cảm nhận không khí trung thu. Cháu rất thích xem múa lân, rồi tận tay chạm vào hoặc giao lưu cùng con Lân, Tôn Ngộ Không trong đoàn múa. May mắn là ngày nào đi cũng gặp. Họ biểu diễn tại tổ dân phố hoặc một vài cơ quan trong thành phố.”
Trẻ con ngày nay không được tận mắt chứng kiến hoặc tự tay cắt giấy dán đầu Lân, vót tre làm đèn lồng hoặc tham gia nhiều trò chơi dân gian như thời thơ ấu của nhiều ông bố, bà mẹ, bởi mọi thứ bây giờ đều có sẵn. Song nhiều phụ huynh như anh Việt Anh vẫn luôn cố gắng để con mình có không gian hoặc tham gia trải nghiệm, tận hưởng không khí ngày Tết Trung thu truyền thống theo cách riêng.
Không có điều kiện đi rong ruổi khắp các ngõ phố, song những ngày qua chị Trần Thị Tuyến, tổ 1, phường Him Lam lại đều đặn đèo con đến hội trường tổ dân phố để cùng tham gia hoạt động chuẩn bị Trung thu. Theo chị Tuyến chia sẻ thì con gái chị được các bác trong tổ dân phố huy động vào đội văn nghệ để biểu diễn phục vụ đêm trung thu của phố tổ chức vào tối 29/9. Vì cháu đã lớn (học lớp 8) nên cũng tham gia cùng trong công tác rang trí, chuẩn bị. Chị Tuyến rất ủng hộ việc làm này, không chỉ bởi thấy con phấn khởi, mà chị xem đây là cơ hội để cháu được trải nghiệm và hiểu hơn ý nghĩa, giá trị thực sự của Tết Trung thu.
Giữ “nhịp” truyền thống
Múa Lân, rước đèn, phá cỗ… là những nét văn hóa đặc sắc, tạo nên bầu không khí sôi động, hứng khởi, mang đậm giá trị truyền thống trong dịp Tết Trung thu. Trong đó, múa Lân là môn nghệ thuật dân gian không thể thiếu. Với ý nghĩa đó, trong chuỗi hoạt động tổ chức tết Trung thu của nhiều cơ quan, đơn vị và khu dân cư đều có nội dung này. Bắt kịp xu thế, đội Lân của ông Tăng Trường Giang và người dân tổ 2, phường Mường Thanh (TP. Điện Biên Phủ) được thành lập từ năm 2010. Mỗi năm, đội phục vụ hàng chục đơn vị, tổ dân phố. Thời gian cao điểm thường diễn ra từ trước lễ Trung thu khoảng 2 ngày. Trung bình mỗi ngày diễn tại 5 – 7 địa điểm.
Cùng tham gia 1 buổi luyện tập của đội, chúng tôi cảm nhận được sự vất vả và những đòi hỏi khắt khe của nghề múa Lân. Ông Giang chia sẻ: “Múa Lân đòi hỏi khá nhiều kĩ năng trong từng động tác. Mỗi bước đi trong múa Lân được thực hiện dựa trên hình dung về bước chân của con lân. Vậy nên những người múa phải vừa khỏe khoắn, dẻo dai lại vừa khéo léo, uyển chuyển. Mỗi năm đi diễn về chúng tôi lại rút kinh nghiệm, học hỏi nhiều nơi để sửa đổi, hoàn thiện cách múa, biểu diễn cho hay hơn, hấp dẫn hơn.”
Đội Lân của ông Giang hiện có 18 người. Trong đó, múa chính gồm 8 người, phụ trách các vai: Kỳ lân, ông Địa, Tôn Ngộ Không, Trư Bát Giới… Các thành viên khác tham gia đánh trống, công tác phục vụ, chuẩn bị, vận chuyển. Ông Xuân Tùng năm nay 65 tuổi là một trong những thành viên diễn chính (vai Trư Bát Giới). “Vì có tuổi rồi nên múa rất nhanh mệt, nhất là những hôm cao điểm, đi diễn cả sáng và tối. Nhưng mỗi năm chỉ có một mùa nên chúng tôi cố gắng mang lại một sân chơi truyền thống ý nghĩa cho con trẻ. Mỗi lần nhìn các cháu phấn khích, thích thú sờ bụng, sờ tai hay tặng cái kẹo, cái bánh là tôi lại thấy vui, có thêm động lực.” - ông Tùng bộc bạch.
Những năm gần đây, do nhu cầu ngày một gia tăng nên nhiều nhóm múa Lân và các công ty sự kiện cũng được thành lập để kinh doanh loại hình nghệ thuật dân gian này. Giá cả cho mỗi màn biểu diễn trung bình giao động từ 1 – 3 triệu đồng, tùy thuộc vào thời lượng và độ khó của tiết mục. Ngoài ra, để góp thêm mùa trung thu trọn vẹn, ở nhiều địa bàn dân cư, tổ chức đoàn thể cũng thành lập các tổ múa Lân với quy mô nhỏ để phục vụ trẻ em trên tinh thần “cây nhà lá vườn” nhằm tạo không khí náo nhiệt, tươi vui. Nhưng, dù là nghề kiếm tiền hay phục vụ miễn phí thì đằng sau mỗi bộ đồ múa Lân màu sắc rực rỡ cũng đều thấm đẫm mồ hôi của người lao động mệt nhoài. Để rồi, giữa dòng chảy của nhịp sống hiện đại, tiếng trống Lân lại kéo mỗi người về với nét đẹp truyền thống của dân tộc.