ĐBP - Với vai trò kết nối thị trường lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) đã tích cực tổ chức các phiên giao dịch việc làm với nhiều hình thức đa dạng. Qua đó, góp phần quan trọng trong sự hình thành và phát triển thị trường lao động, giúp doanh nghiệp giải bài toán về thiếu hụt nguồn nhân lực và đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động.
Vừa qua, phiên giao dịch việc làm kết nối tuyển dụng trực tuyến đã được tổ chức nhằm hỗ trợ cho lao động và doanh nghiệp trên địa bàn 14 tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc gồm: Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Hưng Yên, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Ninh Bình, Ðiện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Cao Bằng, Phú Thọ, Bắc Giang. Phiên giao dịch thu hút sự tham gia của 188 doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, với 42.528 chỉ tiêu tuyển dụng. Tại tỉnh Ðiện Biên, điểm cầu được tổ chức tại Trung tâm Dịch vụ việc làm có sự tham gia của 9 doanh nghiệp và hơn 400 người lao động, học sinh, sinh viên, thanh niên trên địa bàn tỉnh. Phiên giao dịch việc làm trực tuyến đã triển khai các hoạt động kết nối giữa người lao động và người sử dụng lao động; đăng ký tuyển dụng lao động qua phần mềm, website; cung ứng lao động qua kết nối trực tuyến. Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả phiên giao dịch việc làm trên, Trung tâm Dịch vụ việc làm còn tổ chức quy mô 10 gian hàng tư vấn, tuyển dụng việc làm trực tiếp cho các doanh nghiệp, tổ chức, cơ sở đào tạo có nhu cầu tuyển dụng lao động, tuyển sinh học nghề.
Ngoài các phiên giao dịch việc làm tập trung và trực tuyến, nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất để người lao động trên địa bàn tỉnh tìm kiếm được công việc phù hợp, ổn định cuộc sống, Trung tâm Dịch vụ việc làm còn thường xuyên triển khai, tổ chức các phiên giao dịch việc làm lưu động tới từng cấp huyện, xã. Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Trung tâm Giới thiệu việc làm đã tổ chức 46 phiên giao dịch việc làm lưu động tuyên truyền, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động cho trên 2.700 lao động tại các huyện: Mường Ảng, Ðiện Biên Ðông, Tuần Giáo, Mường Chà và Mường Nhé.
Tại phiên giao dịch việc làm lưu động, người lao động đã tìm hiểu thông tin đầy đủ về điều kiện tuyển dụng, tiền lương chế độ bảo hiểm, cùng các chính sách hỗ trợ học nghề, vay vốn đi xuất khẩu lao động. Ðồng thời, được đối thoại, tương tác với cán bộ Trung tâm, đơn vị tuyển dụng, để cùng trao đổi, chia sẻ những khó khăn và mong muốn của người lao động trong định hướng nghề nghiệp, tìm kiếm việc làm phù hợp với trình độ chuyên môn.
Năm 2023, Ðiện Biên đặt mục tiêu giải quyết việc làm mới cho 9.100 lao động, tuyển mới và đào tạo nghề cho 8.300 người. Ðể đảm bảo các mục tiêu đề ra, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với các sở ban ngành, địa phương, đồng thời chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm thực hiện hiệu quả công tác nghiên cứu, dự báo và đánh giá về tình hình thị trường lao động hiện tại, cũng như xu hướng phát triển, xu hướng dịch chuyển ngành nghề trong thời gian tới. Với mạng lưới rộng khắp, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã triển khai các hoạt động giới thiệu việc làm, cung ứng lao động qua nhiều hình thức như: Trực tiếp tại trụ sở trung tâm; tại phiên giao dịch việc làm lưu động, phiên giao dịch việc làm trực tuyến, hội chợ việc làm; gián tiếp qua cổng thông tin điện tử việc làm, các website, điện thoại, tin nhắn… Từ các phiên giao dịch việc làm, hàng ngàn người lao động đã được tuyển dụng, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm trong nước và đi xuất khẩu lao động.
Bà Nguyễn Thị Thủy, Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết: Ðể làm tốt hơn vai trò “cầu nối” giữa cung và cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm đã có nhiều đổi mới, đặc biệt là đã ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin vào việc thực hiện nhiệm vụ nhằm kết nối việc làm cho người lao động trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh những phiên giao dịch việc làm được tổ chức định kỳ; phiên giao dịch trực tuyến; phiên giao dịch theo chuyên đề, trọng điểm… Trung tâm cũng sẽ chú trọng tổ chức các phiên lưu động đến với những địa phương ở vùng xa. Tin tưởng rằng, với sự tổ chức đa dạng các phiên giao dịch việc làm sẽ thu hút đông đảo người lao động, doanh nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh tham gia. Từ đó, tạo điều kiện thuận tiện cho người lao động, người sử dụng lao động có nhiều cơ hội gặp và trao đổi thông tin, tuyển dụng và tìm kiếm việc làm. Quá trình đa dạng hóa các hình thức tạo việc làm kết hợp đào tạo nghề, mở nhiều phiên giao dịch phù hợp với từng địa phương và đối tượng đã thật sự góp phần nâng cao chất lượng nguồn lao động hiện nay.