Kiểm soát giết mổ động vật (hay còn gọi là giết mổ gia súc, gia cầm) có ý nghĩa quan trọng trong bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP), giảm ô nhiễm môi trường, đặc biệt là ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Thế nhưng cả nước hiện vẫn còn rất nhiều cơ sở giết mổ (CSGM) gia súc, gia cầm nhỏ lẻ, thậm chí có những địa phương chưa có CSGM tập trung khiến việc kiểm soát vệ sinh bảo đảm ATTP, ngăn ngừa dịch bệnh vẫn đang là thách thức đối với các cơ quan chức năng.
Nhiều địa phương chưa có CSGM động vật tập trung
Bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) cho hay: Đến nay, cả nước có tổng cộng 463 CSGM động vật tập trung, 24.654 CSGM động vật nhỏ lẻ. Trong 463 CSGM động vật tập trung hiện có 447 cơ sở đang hoạt động (chiếm 96,5%), trong đó có 433/447 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y và ATTP (chiếm 97%), còn lại 14 CSGM không đủ điều kiện hoạt động theo quy định. Trong 433 CSGM động vật tập trung đang hoạt động (công suất giết mổ từ 50 con lợn, 200 con gia cầm trở lên/ngày) có 45 CSGM có dây chuyền giết mổ công nghiệp, thuộc các địa phương: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Long An, Thanh Hóa, Tây Ninh, Nam Định, Hà Nam, Hải Dương, Bình Phước, Đồng Nai..., còn lại 388 CSGM theo hình thức tập trung (chiếm 90%) chủ yếu ở các địa bàn: Hà Nội, Thanh Hóa, Nghệ An, Đắk Lắk, Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Phước, Đồng Nai, Cần Thơ, Kiên Giang... Hiện còn không ít địa phương như: Điện Biên, Lai Châu, Sơn La, Ninh Bình, Yên Bái, Bắc Kạn, Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Gia Lai, Quảng Ngãi, Khánh Hòa, Bình Thuận, Vĩnh Long... không có CSGM tập trung. Cả 433 CSGM động vật tập trung hiện đã được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh thú y, ATTP và đều được nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định (trong đó 7 CSGM động vật xuất khẩu, hỗn hợp xuất khẩu tiêu dùng nội địa, 426 CSGM động vật phục vụ tiêu dùng trong nước).
Hiện nay cả nước có 24.654 CSGM động vật nhỏ lẻ, giảm khoảng 5.000 cơ sở so với năm 2015. Tuy nhiên, chỉ 7.362 cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, còn lại 17.292 cơ sở (chiếm 70,1%) không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không được chính quyền địa phương cho phép hoạt động. Chỉ 4.574 cơ sở có nhân viên thú y thực hiện kiểm soát giết mổ theo quy định (đạt 62,1% số cơ sở có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh). Bà Đinh Thị Phương Khanh, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Long An cảnh báo: Khảo sát trên địa bàn tỉnh ghi nhận có hơn 70 điểm giết mổ động vật nhỏ lẻ không phép, tiềm ẩn mối nguy lớn phát sinh và lây lan dịch bệnh, gây mất ATTP và ô nhiễm môi trường.
Bảo đảm vệ sinh ATTP, ngăn ngừa dịch bệnh
Hiện nay, các CSGM tập trung trong nước chủ yếu là của các tập đoàn, công ty quy mô lớn hoặc liên doanh với nước ngoài đầu tư giết mổ trên dây chuyền công nghiệp; có quy trình giết mổ, sơ chế, chế biến hiện đại; có hệ thống kho lạnh để bảo quản sản phẩm động vật sau khi giết mổ trong cùng một khu vực sản xuất bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP và bảo vệ môi trường. Đó là các doanh nghiệp: Masan, CP, Koyu & Unitek, Japfa, Marvin, De Heus, Dabaco, GreenFeed, Pacow, Vissan,... sản xuất thịt theo tiêu chuẩn thịt mát. Trong đó, một số doanh nghiệp đầu tư nhà máy giết mổ, sơ chế, chế biến hiện đại phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Ông Lê Đình Hà Thanh, Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP Hồ Chí Minh chia sẻ, hiện thành phố đã đưa vào hoạt động 5 nhà máy giết mổ gia súc công nghiệp, đây được coi là bước đột phá của địa phương trong công tác quản lý và kiểm soát giết mổ động vật nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, chế biến thực phẩm cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn và định hướng xuất khẩu. Còn lại, phần lớn các CSGM tập trung hoạt động theo hình thức tập trung giết mổ (trong cùng một địa điểm, chủ cơ sở phân lô từng dây chuyền có công suất giết mổ nhỏ hoặc chia ô cho hộ giết mổ nhỏ thuê).
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến cho rằng: Thịt động vật trên cạn chiếm tỷ trọng tiêu dùng lớn trong đời sống xã hội hiện nay. Việc kiểm soát giết mổ động vật có vai trò rất quan trọng trong bảo đảm vệ sinh ATTP, phòng ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh trên động vật từ giết mổ, lây lan dịch bệnh từ động vật sang người (cúm A/H5N1). Vì vậy, thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục thực hiện nghiêm Chỉ thị số 02/CT-TTg ngày 14-1-2023 của Thủ tướng Chính phủ nhằm bảo đảm vệ sinh ATTP từ động vật, bảo vệ sức khỏe của người dân, bảo đảm chất lượng sản phẩm xuất khẩu từ động vật.
Mặt khác, để tiến tới không còn các CSGM nhỏ lẻ, thủ công, các địa phương cần vào cuộc tích cực hơn nữa, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm, nhất là việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này. Bộ NN-PTNT sẽ xây dựng, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với loại hình CSGM nhỏ lẻ, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Thiết nghĩ, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm tập trung là đòi hỏi từ thực tiễn nhằm bảo đảm vệ sinh ATTP, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để khuyến khích, hỗ trợ các CSGM gia súc, gia cầm tập trung, rất cần các cơ chế, chính sách về thuế, nguồn vốn tín dụng, lãi suất, đất đai để xây dựng CSGM... Như vậy, Việt Nam mới sớm có một hệ thống CSGM tập trung, bảo đảm vệ sinh ATTP, ngăn ngừa dịch bệnh lây lan, phát sinh, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng.