Ðể người dân chung tay bảo vệ môi trường

15:18 - Thứ Tư, 11/10/2023 Lượt xem: 5077 In bài viết

ĐBP - Bảo vệ môi trường (BVMT) là trách nhiệm của toàn xã hội. Thời gian qua, bằng nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, nhân dân trên địa bàn tỉnh, nhất là khu vực nông thôn đã nâng cao ý thức, cộng đồng trách nhiệm gìn giữ môi trường xanh - sạch - đẹp.

Ðại diện ban lãnh đạo thôn Hợp Thành, xã Noong Hẹt (huyện Ðiện Biên) tuyên truyền, nâng cao trách nhiệm của người dân địa bàn dân cư trong việc gìn giữ đường làng, ngõ xóm sạch đẹp.

Những tuyến đường bê tông sạch đẹp, những lòng suối, bờ mương không có rác thải... đó là hình ảnh hiện nay ở mỗi thôn, bản của xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên. Có được kết quả này, hàng tháng, hàng quý, thông qua các cuộc họp hoặc mỗi lần tiếp túc với nhân dân, đại diện cấp ủy, chính quyền đều lồng ghép tuyên truyền, vận động, nói cho người dân hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường sống. Nhờ đó mà ý thức bảo vệ môi trường của người dân được nâng lên đáng kể. Xã cũng đã đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2017.

Ông Trần Công Kha, Bí thư Ðảng ủy xã Noong Hẹt chia sẻ: Trong lộ trình xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao, việc bảo vệ môi trường là cần thiết. Chưa kể, người được hưởng lợi đầu tiên từ cảnh quan môi trường chính người dân. Bởi vậy, hàng tuần hoặc định kỳ hàng tháng, người dân không chỉ dọn dẹp rác thải, khơi thông cống rãnh mà còn tích cực trồng và chăm sóc cây xanh. Nhờ được duy trì thường xuyên nên hoạt động vệ sinh môi trường trở nên rất nhẹ nhàng và vui vẻ với sự gắn kết của tất cả thành viên trong các thôn, bản.

Với đầy đủ các yếu tố đặc thù của vùng cao, trước đây người dân ở một số xã của huyện Mường Chà cũng chưa chú trọng trong  xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, chưa quan tâm đến việc bảo vệ môi trường. Ðặc biệt, trong số nhiều tiêu chí về xây dựng nông thôn mới, tiêu chí môi trường tại các bản vùng sâu, vùng xa tại các xã như: Hừa Ngài, Sá Tổng, Huổi Lèng, Pa Ham... là rất khó thực hiện.

Xắn tay vào việc, cấp ủy, chính quyền các xã đã lựa chọn nhiều hình thức tuyên truyền, trong đó, chỉ đạo các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền trực tiếp tại hộ gia đình; gắn trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc vận động người thân, hàng xóm thực hiện giữ gìn vệ sinh môi trường. Với phương châm đảng viên đi trước; nhận thức, hành động của người dân từ đó cũng dần thay đổi. Ðến nay, cơ bản vệ sinh môi trường nông thôn của xã vùng cao ở huyện Mường Chà đã được đảm bảo. Toàn huyện có 5/11 xã cơ bản đạt chuẩn chuẩn nông thôn mới, không có xã nào nợ tiêu chí về môi trường.

Ở nông thôn, do nhận thức và tập quán sinh hoạt, sản xuất của người dân còn hạn chế, vì thế để người dân thay đổi thói quen, bảo vệ cảnh quan môi trường, thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh là việc làm hết sức quan trọng. Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền các cấp, cơ quan chức năng từ tỉnh đến cơ sở không chỉ đẩy mạnh tuyên truyền mà còn tích cực phát huy vai trò nòng cốt của các tổ chức đoàn thể động viên, hướng dẫn hội viên, đoàn viên cộng đồng trách nhiệm bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu.

Ðiển hình là Ðoàn Thanh niên. Với vai trò xung kích, tình nguyện các cấp bộ đoàn đã thực hiện nhiều giải pháp, tạo chuyển biến thực chất, rõ nét trong công tác bảo vệ môi trường tại địa phương. Các hoạt động, các đợt cao điểm như: Ngày thứ bảy tình nguyện, ngày chủ nhật xanh, tháng Thanh niên... được tổ chức thường xuyên với sự tham gia của hàng nghìn đoàn viên thanh niên. Hay như tổ chức Hội Nông dân, hàng tháng, hàng quý tuyên truyền tới các cấp hội, hội viên đẩy mạnh các hoạt động xây dựng đời sống văn hóa ở nông thôn, đô thị; tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường. Tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân sản xuất, chế biến, bảo quản nông sản, hàng hóa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm; xây dựng nhóm nông dân tham gia bảo vệ môi trường, các tổ bảo vệ, quản lý công trình nước sạch được Nhà nước đầu tư tại khu dân cư. Hội liên hiệp phụ nữ có phong trào giảm thiểu rác thải nhựa, hạn chế sử dụng túi nilon, tuyên truyền, vận động người dân làm sạch ruộng đồng, thu gom, phân loại vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật đúng nơi quy định...

Bà Ðỗ Thị Thu Thủy, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chia sẻ: Dưới sự hướng dẫn của Ban Chấp hành Tỉnh hội, các cấp hội phụ nữ đã linh hoạt cụ thể hóa nhiều hoạt động bảo vệ môi trường, như: Mô hình thu gom rác thải tái chế ở huyện Mường Nhé; hoạt động thu gom thuốc bảo vệ thực vật ở huyện Ðiện Biên; mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản ở các khu dân cư… Qua các mô hình, đã tác động mạnh mẽ đến ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc chung tay bảo vệ môi trường.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top