Người nghèo có chốn an cư

12:04 - Thứ Bảy, 14/10/2023 Lượt xem: 5032 In bài viết

ĐBP - Là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của tỉnh nhưng các xã vùng ngoài của TP. Ðiện Biên Phủ vẫn còn không ít hộ nghèo, cận nghèo đang phải sống trong những ngôi nhà dột nát, xuống cấp. Bởi vậy, những năm trở lại đây, bằng nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, địa phương này đã dần xóa đi những mái nhà xiêu vẹo thay vào đó những ngôi nhà kiên cố, bán kiên cố...

Cán bộ Mặt trận Tổ quốc xã Nà Nhạn thăm ngôi nhà đang xây dựng theo Ðề án 09 của hộ gia đình anh Cà Văn Khụt, bản Nà Ngám 1, xã Nà Nhạn.

Cùng với các địa phương trong toàn tỉnh, những ngày này, TP. Ðiện Biên Phủ đang khẩn trương triển khai Ðề án Vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo tỉnh hướng tới Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Ðiện Biên Phủ (gọi tắt là Ðề án 09). Theo Ðề án, TP. Ðiện Biên Phủ có trên 50 hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn 4 xã Mường Phăng, Pá Khoang, Nà Nhạn, Nà Tấu đủ điều kiện được hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết. Nhưng trước đó, tại TP. Ðiện Biên Phủ công tác hỗ trợ làm nhà Ðại đoàn kết cũng đã được địa phương này triển khai với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả. Ông Vũ Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: “Từ khi chưa triển khai Ðề án 09, thành phố cũng đã kêu gọi sự chung tay hưởng ứng vì người nghèo của cả hệ thống chính trị, các nhà hảo tâm, đơn vị ngoài tỉnh. Trong những năm gần đây, thành phố kêu gọi làm được gần 170 ngôi nhà đại đoàn kết. Tính từ đầu năm đến nay, thành phố đang triển khai xây dựng 71 ngôi nhà. Trong đó 50 nhà theo Ðề án 09. Phấn đấu từ nay đến 30/10 sẽ nghiệm thu công trình. Trong công tác này, thành phố siết chặt ngay từ khâu rà soát, kiểm tra, thẩm định đúng đối tượng cần được hỗ trợ bằng cách lập các đoàn xuống thực tế để rà soát, nếu không đúng đối tượng kiên quyết gạch bỏ khỏi danh sách”.

“Chúng tôi tin tưởng vào các xã nhưng vẫn phải tiến hành kiểm tra. Biết đâu các cán bộ ở cơ sở còn nể nang, đưa không đúng đối tượng vào danh sách hộ nghèo. Quyên góp bằng tiền túi của mọi người chứ đâu phải trên trời rơi xuống; thế nên phải làm nghiêm túc, hỗ trợ đúng đối tượng. Trong quá trình làm nhà cũng vậy, chúng tôi tiến hành kiểm tra, giám sát thường xuyên. Vừa rồi thành phố thành lập 8 tổ xuống các gia đình được hỗ trợ làm nhà. Thành viên các tổ yêu cầu phải xuống tận nơi, chụp ảnh lại ngôi nhà đang xây dựng để báo cáo. Nhìn vào ảnh là có thể biết được tiến độ công trình đến đâu...” - ông Dũng nói.

Thực tế cho thấy, để có thể làm nhà cho hộ nghèo không hề đơn giản bởi có rất nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Với hơn 50 hộ làm nhà đại đoàn kết theo Ðề án 09 này cũng vậy. Số tiền hỗ trợ 50 triệu đồng thì rất khó có thể hoàn thiện được ngôi nhà theo kỹ thuật, mỹ quan trong điều kiện giá cả vật liệu, nhân công như hiện nay. Vì thế, TP. Ðiện Biên Phủ động viên các gia đình vay mượn thêm anh em họ hàng, chắt chiu dành dụm từ 5 - 10 triệu đồng, có nhà 15 - 20 triệu đồng để thêm vào cùng với số tiền được hỗ trợ. Thêm nữa là sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền địa phương các xã, huy động cán bộ, công chức, lực lượng dân quân... giúp các hộ về ngày công lao động để dọn mặt bằng, vận chuyển vật liệu... “Như ở xã Nà Nhạn có trường hợp cụ ông nhà neo người, lại bị nghễnh ngãng, mắt một bên bị hỏng, tinh thần lại không ổn định. Trước hoàn cảnh đó, xã Nà Nhạn đã huy động lực lượng giúp cụ ông dựng được ngôi nhà bán kiên cố. Một trường hợp khác tại Nà Nhạn hoàn cảnh cũng rất khó khăn, được hỗ trợ tiền làm nhà nhưng không có mặt bằng để xây dựng. Cộng đồng dân cư nơi đó lại dang tay giúp đỡ, tạo điều kiện cho gia đình có mảnh đất làm nhà...” - ông Vũ Văn Dũng chia sẻ.

Ðến nay, trung bình mỗi căn nhà mới có diện tích sử dụng từ 40 - 100m2. Ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ của Ðề án, các gia đình cũng đầu tư thêm kinh phí và ngày công lao động, xây dựng nhà ở kiên cố và bán kiên cố có trị giá từ 50 - 100 triệu đồng/ngôi nhà. “Các cơ quan chuyên môn của TP. Ðiện Biên Phủ cũng định hướng các hộ được hỗ trợ làm nhà xây chứ làm nhà gỗ rất khó thực hiện. Một phần vì nhà xây vừa bền, chắc, nguyên vật liệu lại thuận lợi. Hơn nữa, lại đảm bảo nguyên tắc quản lý bảo vệ rừng theo đúng các quy định hiện nay. Các hộ đang làm nhà không may thiếu cái cột, cái xà, mon men vào rừng chặt phá thì lại thành vi phạm pháp luật” - ông Vũ Văn Dũng cho biết thêm.

Ngôi nhà mới được hỗ trợ theo Ðề án 09 của gia đình anh Cà Văn Khụt, bản Nà Ngám 1, xã Nà Nhạn đang dần thành hình trên nền đất cũ. Nhiều năm phải sống trong ngôi nhà dột nát, xiêu vẹo nhưng cái nghèo cùng bệnh tật của đứa con thứ 2 khiến gia đình anh chỉ dám mơ về một mái ấm khang trang. Với 50 triệu đồng tiền hỗ trợ từ Ðề án 09, niềm mong mỏi bấy lâu của gia đình nhỏ này có thể sớm thành hiện thực. Anh Cà Văn Khụt chia sẻ: “Số tiền 50 triệu được hỗ trợ, tôi dành để mua vật liệu xây dựng. Còn nhân công không có điều kiện thì gia đình tự làm lấy thôi. Tôi cũng có kinh nghiệm đi phụ xây nhiều năm rồi. Hướng dẫn cho đứa con lớn làm nữa là hai bố con cứ túc tắc xây, mỗi ngày một chút. Ðến thời điểm này cũng đang thi công gần xong phần thô. Diện tích được khoảng 54m2, theo kiểu nhà xây lợp mái đơn giản thôi...”

TP. Ðiện Biên Phủ đang phấn đấu hoàn thành các ngôi nhà đại đoàn kết trước ngày 30/10. Thời gian không còn nhiều, bởi vậy, TP. Ðiện Biên Phủ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhân dân theo phương châm “Nhà hảo tâm hỗ trợ bằng tiền - Nhân dân chủ động tổ chức xây dựng nhà đại đoàn kết”, với nguyên tắc “cộng đồng giúp đỡ - hộ gia đình chủ động làm nhà”. Ðồng thời, chỉ đạo Ban Chỉ đạo thực hiện Ðề án vận động hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo các xã Pá Khoang, Mường Phăng, Nà Tấu, Nà Nhạn tiếp tục quan tâm đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai làm nhà tại các hộ gia đình đảm bảo tiến độ, chất lượng, mỹ quan (quét vôi, ve, sơn...); kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh...

Diệp Chi
Bình luận

Tin khác

Back To Top