Góc nhìn – Tiêu điểm
ĐBP - Hiện nay, trong sản xuất nông nghiệp, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để phòng trừ sâu, bệnh hại, tăng sản lượng là yếu tố quan trọng. Ước tính trung bình mỗi năm, toàn tỉnh sản xuất khoảng gần 100 nghìn héc ta lúa, ngô và một số loại cây hàng năm khác (không tính diện tích rau, cây ăn quả, cây công nghiệp). Với nhiều loại dịch bệnh phát sinh gây hại, người nông dân phải sử dụng rất nhiều thuốc BVTV phòng, trừ dịch bệnh. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, lượng thuốc BVTV được cung ứng, sử dụng trên cây trồng 2 vụ: Ðông xuân 2021 - 2022 và vụ mùa 2022 trên địa bàn tỉnh khoảng 120,4 tấn (không tính lượng thuốc BVTV trên các loại cây ăn quả, rau, củ...).
Mặt tích cực của thuốc BVTV là tiêu diệt sâu bệnh hại, mang lại mùa vụ bội thu. Mặt tiêu cực là các loại hóa chất này ảnh hưởng xấu đến môi trường, sức khỏe của con người. Nhất là khi người dân thiếu ý thức, thiếu hiểu biết trong sử dụng, xử lý chai lọ, bao bì thuốc BVTV thì nguy cơ ô nhiễm càng lớn.
Phần lớn chai lọ, bao bì thuốc BVTV được làm từ nilon, nhựa rất khó phân hủy. Sau khi sử dụng vẫn còn tồn dư một lượng thuốc nhất định, nếu vứt bỏ không đúng nơi quy định sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường và sức khỏe của con người.
Việc thu gom, xử lý chai lọ, bao bì thuốc BVTV không chỉ chống ô nhiễm môi trường, ô nhiễm đất; bảo vệ nguồn nước, không khí mà còn bảo vệ sức khỏe chính người nông dân và cộng đồng dân cư vùng sản xuất nông nghiệp.
Song hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn chưa kiểm soát hiệu quả tình trạng vứt bỏ bao bì thuốc BVTV trên đồng ruộng.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng đó. Từ việc coi trọng sử dụng các loại thuốc hóa học trong phòng chống sâu, bệnh hại cho cây trồng là biện pháp hàng đầu đến việc sử dụng thuốc BVTV tràn lan, thiếu kiểm soát.
Thực tế cho thấy, khi cây trồng bị sâu bệnh gây hại, người nông dân sẽ đến các cửa hàng bán thuốc BVTV mua thuốc về phun. Trong khi nhiều nông dân chưa nắm rõ thành phần, công dụng từng loại thuốc tương ứng với từng loại sâu bệnh thì cũng có không ít người bán chỉ cần bán được thuốc để lấy tiền. Còn hiệu quả về mặt sản xuất và môi trường ra sao thì không cần biết!
Thuốc BVTV là mặt hàng kinh doanh có điều kiện nhưng việc quản lý chưa chặt chẽ. Ðây cũng là lý do góp phần tăng nguy cơ sử dụng thuốc BVTV tràn lan, kéo theo việc vứt bỏ bừa bãi bao bì, chai lọ đựng thuốc BVTV.
Ðược biết, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tham mưu kế hoạch của UBND tỉnh về thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng trên địa bàn tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2024 - 2025, định hướng đến năm 2030. Hiện nay đang lấy ý kiến tham gia của các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố vào dự thảo kế hoạch. Trong đó đáng lưu ý là nội dung tập huấn, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người sản xuất và cộng đồng về thu gom, vận chuyển và xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng đã được chú trọng. Dự kiến mỗi năm mở 5 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý, phụ trách lĩnh vực môi trường, trồng trọt, BVTV; tổ chức 30 lớp tập huấn/năm hướng dẫn sử dụng thuốc BVTV an toàn, hiệu quả theo nguyên tắc “4 đúng” và thu gom, xử lý tiêu hủy bao gói thuốc BVTV sau sử dụng theo đúng quy định và nhiều hoạt động truyền thông khác.
Nâng cao nhận thức là hàng đầu. Bởi nhận thức, ý thức kém thì các giải pháp khác đều khó có kết quả. Có ý kiến cho rằng, việc xả bao bì thuốc BVTV ra môi trường do có quá ít bể chứa. Ðiều này đúng nhưng chưa đủ. Thực tế nhiều cánh đồng, khu vực sản xuất có bể chứa nhưng chai lọ, bao bì thuốc BVTV vẫn vứt bừa bãi. Ðó là do ý thức người sử dụng kém.
Thế nên, phải trang bị cho người nông dân hai việc “cần”. Một là “cần biết” cây trồng bị loại sâu bệnh gì để được hướng dẫn cách phòng trừ hiệu quả. Hai là “cần làm” - chính là sử dụng thuốc theo đúng chỉ dẫn, sử dụng xong phải thu gom bao bì vào bể chứa theo quy định.