Cảnh giác "bẫy" lừa đảo xuất khẩu lao động

10:17 - Thứ Sáu, 20/10/2023 Lượt xem: 6666 In bài viết

Mặc dù, nhiều nạn nhân đã lên tiếng cảnh báo, nhiều băng nhóm lừa đảo bị triệt phá nhưng thời gian qua vẫn có người sập bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động.

Với nhiều thủ đoạn khác nhau, các đối tượng lừa đảo sử dụng công nghệ “nhái”, “giả” tên công ty xuất khẩu lao động có tiếng hoặc lợi dụng danh nghĩa công ty... để chiếm đoạt tài sản.

Người lao động chuẩn bị đi làm việc theo chương trình phái cử điều dưỡng viên, hộ lý Việt Nam sang làm việc tại Nhật Bản.

Mất tiền vì nhẹ dạ, cả tin

Thị trường Hàn Quốc luôn hấp dẫn những người có nhu cầu xuất khẩu lao động. Vì vậy, đây cũng là miếng mồi béo bở để các đối tượng tìm cách lừa đảo.

Chị Lê Thu Huyền, ở huyện Đông Anh, một người mất tiền vì nhẹ dạ, cả tin cho biết, chị vô tình thấy quảng cáo đi lao động tại Hàn Quốc diện E8 (đi trồng dâu tây) với tổng chi phí 56 triệu đồng qua Công ty CPĐT&PTNNL T.H. Không tìm hiểu kỹ, chị nhắn tin theo số điện thoại ghi trên tờ quảng cáo và được hướng dẫn cung cấp thông tin căn cước công dân, hộ chiếu... Ngày 13-7-2023, chị chuyển 6 triệu đồng tiền đặt cọc vào tài khoản mang tên Phạm Quỳnh Mai - người được giới thiệu là kế toán của công ty. Sau đó, chị được gửi một bản visa bằng tiếng Hàn, không có dấu của cơ quan chức năng. Lúc này, chị nghi ngờ và nhắn tin nói không đi xuất khẩu lao động nữa, yêu cầu trả lại tiền đặt cọc thì bị đối tượng chặn số, không thể liên lạc được.

Chị Lê Thu Huyền chỉ là một trong số rất nhiều người lao động sập bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động vì nhẹ dạ, cả tin. Trước đó, tháng 5-2023, Báo Hànộimới đã thông tin về vụ việc 11 lao động ở thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An) tố cáo Công ty cổ phần Phát triển nhân lực và lữ hành Sen Trắng nhận tiền để đưa đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc theo chương trình E8. Trong trường hợp này, sau gần 3 năm, dù đã đặt cọc hàng trăm triệu đồng, họ vẫn chỉ nhận được lời hứa suông của công ty.

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới, nhiều công ty không có chức năng đưa người đi làm việc ở nước ngoài nhưng đăng tuyển rầm rộ trên các trang web để câu kéo khách hàng. Rất nhiều doanh nghiệp chỉ đăng ký kinh doanh dịch vụ xuất nhập khẩu, du lịch nhưng liên tục đăng thông báo tuyển dụng lao động đi làm việc tại Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản... Chẳng hạn như Công ty cổ phần xuất nhập khẩu dịch vụ và du lịch Hùng Vương Havimec...

Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển cộng đồng (ở số 7B Khu đô thị Đại Kim, quận Hoàng Mai) không có chức năng xuất khẩu lao động nhưng vẫn đăng tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài. Qua giới thiệu, tháng 6-2023, chị Nguyễn Thị Như Mơ (tỉnh Hà Nam) đặt cọc cho công ty 10 triệu đồng để tham gia thi tuyển kỹ sư đi Nhật Bản. Chị Mơ đã ký "Bản cam kết tự nguyện" và nộp giấy tờ gốc gồm: Bằng tốt nghiệp, bảng điểm, giấy chứng nhận thực tập sinh về nước đúng thời hạn, chứng chỉ Nattest N4… Sau một thời gian, vẫn chưa được sang Nhật Bản làm việc, nghi ngờ lừa đảo, chị Mơ đã yêu cầu công ty hoàn trả lại tiền đặt cọc và giấy tờ gốc nhưng đến nay vẫn chưa được trả theo yêu cầu...

Cần nâng cao cảnh giác

Để tìm hiểu tính pháp lý của những công ty nói trên, phóng viên Báo Hànộimới đã tra cứu thông tin trên website http://www.dolab.gov.vn của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội). Tại mục Doanh nghiệp xuất khẩu lao động không có tên Công ty cổ phần xuất nhập khẩu dịch vụ và du lịch Hùng Vương Havimec, Công ty cổ phần Đào tạo và Phát triển cộng đồng, Công ty cổ phần Phát triển nhân lực và lữ hành Sen Trắng. Tại website này, Cục Quản lý lao động ngoài nước cũng đăng tải danh sách 472 doanh nghiệp có giấy phép đưa lao động đi làm việc tại nước ngoài. Trang web thường xuyên công khai các công ty bị đình chỉ, thu hồi giấy phép do không chấp hành quy định của pháp luật trong lĩnh vực này.

Trao đổi về vấn đề này, Phó Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước Nguyễn Như Tuấn cho biết, các vụ việc lừa đảo xuất khẩu lao động đang có chiều hướng gia tăng. Trong đó, thị trường Hàn Quốc bị các đối tượng lợi dụng để lừa đảo nhiều nhất. Thời gian qua, Cục Quản lý lao động ngoài nước liên tục nhận được nhiều đơn thư khiếu nại, điện thoại kêu cứu của người lao động về những khuất tất khi được các doanh nghiệp mời tuyển đi làm việc ở Hàn Quốc theo chương trình E8.

Thực tế, không có bất cứ cơ quan, đơn vị hay cá nhân nào được phép tuyển dụng lao động đối với chương trình này ngoài các địa phương được phái cử.

Một trong những thủ đoạn là các đối tượng sử dụng công nghệ cao lập website “nhái”, giống hoàn toàn với công ty xuất khẩu lao động có uy tín để lừa đảo người lao động. Cụ thể, trang web: halsuco.com.vn, halsuco.vn, xuatkhaulaodong-24h.com… thường xuyên đăng tuyển lao động đi làm việc tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Đức… với những bài viết, hình ảnh đưa tiễn lao động ở sân bay, hình ảnh chụp visa của nước tiếp nhận đã được cấp, hình ảnh lao động làm việc tại nước ngoài… khiến nhiều lao động cả tin, mất cảnh giác. Cục Quản lý lao động ngoài nước đã cung cấp hồ sơ tới cơ quan công an để đưa các đối tượng lừa đảo ra ánh sáng.

Cũng theo ông Nguyễn Như Tuấn, nhiều lao động nhẹ dạ, cả tin, nghe các doanh nghiệp quảng cáo đi làm việc ở các nước với thủ tục gọn nhẹ, không đòi hỏi khắt khe về ngoại ngữ, tay nghề nên vội vã nộp tiền để rồi mất trắng. Điều này không đúng với thực tế vì những thị trường truyền thống có thu nhập tốt như Nhật Bản, Hàn Quốc… rất chú trọng đến kỹ năng, trình độ, ngoại ngữ của lao động nước ngoài. Mỗi lao động phải có ít nhất thời gian 6-12 tháng học ngoại ngữ, tay nghề chứ không thể dễ dàng đi ngay với mức lương cao chót vót như quảng cáo. Vì vậy, người lao động cần nâng cao cảnh giác, tránh sập bẫy lừa đảo xuất khẩu lao động.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top