ĐBP - Pá Khoang (TP. Ðiện Biên Phủ) là xã được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh lựa chọn xây dựng mô hình điểm thành lập các tổ truyền thông cộng đồng và truyền thông về thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà để nhân rộng tại các xã thuộc Dự án 8 (Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi). Ðây là Dự án về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết các vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”.
Sau gần 4 tháng thành lập, tổ truyền thông cộng đồng tại bản Kéo, bản Nghịu, xã Pá Khoang phát huy hiệu quả. Mỗi tổ gồm 8 thành viên, do bí thư chi bộ là tổ trưởng và thành viên là chi hội trưởng phụ nữ, đại diện ban công tác mặt trận, các đoàn thể ở địa phương, người có uy tín. Tổ không chỉ tuyên truyền người dân trong bản thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các định kiến về giới và khuôn mẫu trong gia đình, cộng đồng mà còn tạo nơi sinh hoạt chung để phụ nữ trên địa bàn tâm sự, chia sẻ, động viên nhau phát triển kinh tế.
Chi hội Phụ nữ bản Kéo có 80 hội viên, 100% người dân tộc Khơ Mú. Trước đây, trong bản vẫn còn trường hợp bạo lực gia đình, phân biệt đối xử. Nhiều người vẫn có tư tưởng về định kiến giới, nghĩ rằng đàn ông là trụ cột trong gia đình lo kiếm tiền, còn phụ nữ lo nội trợ; vô hình tạo ra áp lực cho nam giới hoặc nam giới vì là trụ cột nên chỉ làm việc lớn, phụ nữ làm việc vặt trong gia đình.
Buổi tuyên truyền tại bản Kéo được tổ chức bằng các hoạt động thu hút người tham gia với những trò chơi, câu hỏi, câu chuyện từ thực tế. Các hoạt động luôn hướng đến nội dung dù nam hay nữ thì đều phải có trách nhiệm với công việc gia đình tùy vào khả năng, điều kiện của mình. Trong gia đình, vợ chồng phải bình đẳng, tôn trọng và yêu thương, cùng chia sẻ. Và bình đẳng không có nghĩa là phải đều như nhau mà phụ thuộc vào năng lực, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; xóa bỏ quan niệm cho rằng nam giới làm việc này, nữ giới làm việc kia…
Ông Lường Văn Phứt, bản Kéo cho biết: “Trước đây, tôi nghĩ việc của đàn ông là làm những công việc nặng như sửa chữa, xây dựng nhà cửa, đi làm, còn phụ nữ thì làm việc nhà, chăm sóc con. Qua buổi tuyên truyền, tôi thấy rằng mình phải cùng chia sẻ công việc trong gia đình với vợ, cùng vợ chăm sóc, dạy bảo con”...
Xã Pá Khoang có 859 hội viên phụ nữ, sinh hoạt tại 16 chi hội. Triển khai Dự án 8, toàn xã thành lập 7 tổ truyền thông cộng đồng tại 7 bản: Kéo, Nghịu, Ðông Mệt 1, Co Thón, Xôm, Xôm 3, Hả. Từ khi thành lập đến nay, các thành viên tổ truyền thông cộng đồng được tham gia 2 lớp tập huấn nâng cao nhận thức về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới. Qua đó, được tiếp thu các kĩ năng hỗ trợ nạn nhân, hướng dẫn lập kế hoạch tổ chức sinh hoạt cho các thành viên nhóm truyền thông và hội viên phụ nữ nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, giáo dục kĩ năng sống, thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà...
Chị Lò Thị Duyên, Chủ tịch Hội LHPN xã Pá Khoang cho biết: Ngay sau khi được Hội LHPN tỉnh lựa chọn thành lập và tổ chức lễ ra mắt, tổ truyền thông cộng đồng đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền hàng tháng với từng chủ đề cụ thể. Trong đó, chủ yếu về thay đổi khuôn mẫu giới trong việc nhà, các tổ tiếp tục truyền thông qua các buổi họp bản, hệ thống loa phát thanh để không chỉ hội viên phụ nữ mà đông đảo người dân trong bản được tiếp cận. Với những vụ việc đột xuất, các thành viên trong tổ đến từng gia đình để tuyên truyền theo hình thức truyền thông nhóm nhỏ. Bên cạnh hoạt động truyền thông trực tiếp, Hội LHPN xã Pá Khoang còn đẩy mạnh tuyên truyền trên mạng xã hội. Trang facebook, nhóm zalo của Hội LHPN xã thường xuyên đăng tải các tin, bài về Dự án 8… Qua đó, nhận thức của phụ nữ và người dân trên địa bàn xã về bình đẳng giới dần được nâng cao.
Sau những buổi tuyên truyền về khuôn mẫu giới trong việc nhà của tổ truyền thông cộng đồng, nhận thức của người dân trên địa bàn xã dần thay đổi, góp phần hướng đến những điều tốt đẹp, mọi người trong gia đình cùng yêu thương, quan tâm, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau chia sẻ việc nhà, có trách nhiệm nuôi dạy con, đóng góp tài chính gia đình.