Chi trả chính sách an sinh xã hội không dùng tiền mặt còn bất cập

09:56 - Thứ Năm, 26/10/2023 Lượt xem: 6369 In bài viết

ĐBP - Sau nhiều tháng triển khai chi trả trợ cấp an sinh xã hội không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh cho thấy, nhóm thụ hưởng chủ yếu là người yếu thế, người cao tuổi; đặc thù địa bàn rộng, khó khăn, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ khiến việc chi trả không dùng tiền mặt gặp nhiều khó khăn.

Nhân viên bưu điện văn hóa xã Chiềng Sơ (huyện Ðiện Biên Ðông) chi trả tiền cho các đối tượng bảo trợ xã hội trên địa bàn.

Ông Vũ Văn Thịnh, phường Noong Bua (TP. Ðiện Biên Phủ) là bệnh binh đang được hưởng chế độ người có công. Trước đây, tiền trợ cấp an sinh xã hội hàng tháng, ông Thịnh ra phường lĩnh tiền mặt. Song vài tháng gần đây, ông Thịnh được cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố hướng dẫn làm thủ tục và chi trả tiền trợ cấp qua tài khoản ngân hàng.

Ông Vũ Văn Thịnh cho biết: Trước đây chi trả tiền mặt, tôi có thể tự mình hoặc nhờ con cháu ra phường lĩnh tiền. Ðến nay, chi trả qua tài khoản ngân hàng, tôi được mở tài khoản, cấp thẻ ATM nhưng tôi tuổi đã cao, mặc dù được con cháu hướng dẫn nhiều lần song nhiều lúc vẫn khó thực hiện.

Bà Lò Thị Yên, bản Pa Luống, xã Thanh Xương (huyện Ðiện Biên) nhận trợ cấp cho hai người thân bị khuyết tật bẩm sinh và được hưởng phụ cấp của người chăm sóc. Sau khi chuyển đổi sang hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, bà Yên cũng gặp một số rắc rối. Bà Lò Thị Yên chia sẻ: “Trước đây, đến kỳ lĩnh tiền, tôi nhờ cháu cầm sổ đi lĩnh ở trụ sở UBND xã, song bây giờ thanh toán không dùng tiền mặt, cháu tôi cầm thẻ lên ngân hàng thì ngân hàng bảo xuống bưu điện văn hóa xã lĩnh tiền, về đến xã thì nhân viên bảo rằng phải làm giấy ủy quyền mới lĩnh được tiền. Tôi đã già rồi, tự mình đi lĩnh tiền rất khó khăn mà nhờ con cháu thì phải thực hiện nhiều thủ tục, đi lại nhiều lần”.

Không chỉ khó khăn trong công tác hoàn thiện thủ tục, thao tác lĩnh tiền, với đặc thù địa bàn rộng, cơ sở hạ tầng khó khăn khiến việc thực hiện chi trả tiền dịch vụ an sinh bằng hình thức không dùng tiền mặt chưa được thuận tiện.

Huyện Ðiện Biên Ðông có trên 5.000 người thuộc đối tượng được hưởng chế độ bảo trợ xã hội. Tuy nhiên đến nay, toàn huyện mới có 2.217 người mở được tài khoản để chi trả tiền trợ cấp qua thẻ ngân hàng, đạt 44,34% kế hoạch.

Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Việc mở tài khoản cho các đối tượng bảo trợ xã hội rất khó khăn. Nguyên nhân là do nhiều đối tượng thụ hưởng là người già, trẻ em nên phải ủy quyền cho người thân để mở tài khoản; nhiều đối tượng đang đi làm ăn xa không thể về địa phương để mở tài khoản.

Anh Lò Văn Duyên, bản Suối Lư 2, xã Keo Lôm (huyện Ðiện Biên Ðông) có con nhỏ dưới 3 tuổi được hưởng trợ cấp xã hội. Do con còn nhỏ, không thể đứng tên tài khoản nên anh Duyên đã làm thủ tục mở tài khoản và lĩnh tiền thay con. Vừa qua, anh Duyên đã thay đổi sim điện thoại dẫn đến việc không nhận được mã OTP do đó không thể đăng nhập vào tài khoản để lĩnh tiền.

Anh Lò Văn Duyên cho biết: Mỗi tháng con tôi được hưởng trợ cấp xã hội 540.000 đồng. Do thay sim điện thoại nên 2 tháng nay tôi không thể lĩnh tiền trợ cấp cho con. Tôi đã làm các thủ tục nhờ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ðiện Biên Ðông hỗ trợ song đến nay vẫn chưa có kết quả.

Bất cập lớn nhất trong việc chi trả tiền dịch vụ an sinh xã hội không dùng tiền mặt đó là hệ thống hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ. Nếu như trước đây, thanh toán bằng tiền mặt, nhân viên bưu điện văn hóa xã thông báo lịch chi trả tiền hàng tháng, đến hẹn, người dân đến trụ sở ký nhận tiền. Hiện nay, chi trả không dùng tiền mặt, tại các xã vùng cao chưa có cây ATM để người dân rút tiền. Do đó, việc chi trả tiền vẫn thông qua hệ thống bưu điện văn hóa xã. Theo đó, người dân đến lĩnh tiền, đăng nhập tài khoản và mật khẩu vào hệ thống tại bưu điện, sau khi thực hiện thao tác, nhân viên bưu điện chi trả tiền mặt cho các đối tượng bảo trợ xã hội.

Tại huyện Ðiện Biên Ðông, hiện nay có 5/14 điểm bưu điện văn hóa xã chưa thể đáp ứng việc chi trả dịch vụ an sinh xã hội không dùng tiền mặt, gồm: Háng Lìa, Tìa Dình, Noong U, Phình Giàng và Na Son. Do đó, 5 xã này vẫn áp dụng hình thức chi trả tiền mặt mặc dù các đối tượng thụ hưởng vẫn được làm thủ tục mở tài khoản. Ðơn cử như xã Na Son có 244 người hưởng bảo trợ xã hội. Ðến nay đã mở tài khoản ngân hàng cho 78 người song 100% đối tượng vẫn được chi trả tiền mặt hàng tháng.

Ông Vì Văn Quý, Giám đốc Bưu điện huyện Ðiện Biên Ðông cho biết: Bưu điện huyện đã báo cáo Bưu điện tỉnh về những khó khăn của 5 xã Háng Lìa, Tìa Dình, Noong U, Phình Giàng và Na Son trong triển khai thực hiện chi trả dịch vụ an sinh không dùng tiền mặt. Ðồng thời đề nghị Bưu điện tỉnh xây dựng lộ trình triển khai nền tảng đa dịch vụ tại điểm bưu điện 5 xã trên. Tuy nhiên, hiện nay Bưu điện tỉnh chưa có kế hoạch, lộ trình chi tiết về kiến nghị của Bưu điện huyện Ðiện Biên Ðông.

Xã Keo Lôm (huyện Ðiện Biên Ðông) có 573 người thuộc đối tượng hưởng bảo trợ xã hội. Ðến nay, cả xã chỉ mới mở tài khoản được 101 người, đạt 17,6% kế hoạch. Hiện nay, nhân viên điểm bưu điện văn hóa xã phải triển khai đồng thời 2 hình thức: Chi trả tiền mặt và chi trả không dùng tiền mặt.

Ông Ly A Súa, nhân viên điểm Bưu điện văn hóa xã Keo Lôm cho biết: Sau hơn 2 tháng triển khai thực hiện song song 2 hình thức chi trả, tôi nhận thấy hình thức chi trả tiền mặt ít thủ tục, người dân lĩnh tiền nhanh và thuận tiện hơn nhiều so với hình thức chi trả không dùng tiền mặt. Hiện nay chi trả không dùng tiền mặt có bất cập là nhiều thời điểm tại điểm bưu điện không có sẵn tiền để chi trả nên người dân phải đi lại nhiều lần.

Toàn tỉnh hiện có trên 36.000 đối tượng được thụ hưởng các chính sách an sinh xã hội. Theo lộ trình, đến hết tháng 7/2023, toàn tỉnh sẽ thực hiện chi trả cho 100% đối tượng bảo trợ xã hội và người có công trên địa bàn tỉnh qua tài khoản ngân hàng song đến nay tỷ lệ bao phủ mới chỉ đạt khoảng 50%. Chính vì vậy, thời gian tới, các cơ quan, đơn vị liên quan cần có giải pháp khắc phục những bất cập, giúp đối tượng thụ hưởng tiếp cận dịch vụ thuận lợi và nhanh chóng hơn nhằm sớm hoàn thành mục tiêu chi trả trợ cấp không dùng tiền mặt.

Phạm Trung
Bình luận

Tin khác

Back To Top