ĐBP - Nhằm đảm bảo nhiệm vụ phát triển giáo dục và đào tạo; hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ nhu cầu thiết yếu của học sinh, huyện Nậm Pồ đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung tay đồng hành của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm đầu tư các công trình “Nước cho em”. Với nguyên tắc “Cộng đồng giúp đỡ, nhà trường tổ chức thực hiện, học sinh hưởng lợi”, nhiều công trình giếng khoan, hệ thống nước sạch tại các trường học đã hoàn thành, giúp giảm bớt khó khăn về nguồn nước sinh hoạt cho học sinh vùng cao; tạo môi trường học đường an toàn, thân thiện, sạch sẽ và có đủ các hạng mục phục vụ cho việc học tập, sinh hoạt của học sinh tại trường.
Vất vả tìm nguồn nước
Đứng chân trên địa bàn xã Nà Bủng (huyện Nậm Pồ), Trường PTDTBT Tiểu học Nà Bủng là đơn vị trường học gặp nhiều khó khăn về nguồn nước sinh hoạt cho học sinh. Trong khi đó, số lượng học sinh bán trú tại trường khá lớn, khiến nguồn nước sinh hoạt ngày càng khan hiếm. Từ đó, nước sạch đã trở thành nỗi lo đối với thầy và trò nhà trường. Sẻ chia về những khó khăn do thiếu nước sinh hoạt, thầy giáo Bùi Văn Dịu, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nà Bủng vẫn chưa quên được những buổi tối cùng anh em trực chờ lấy nước về trường, phục vụ học sinh.
Thầy Dịu tâm sự: “Trước đây, khi chưa có giếng khoan, thầy và trò nhà trường sử dụng nguồn nước khe cách trường khoảng 2km để dẫn về phục vụ sinh hoạt. Đây là nguồn nước phục vụ sinh hoạt cho nhân dân địa phương, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng và cả thầy trò nhà trường nữa nên vào mùa khô vất vả lắm! Để có nước sinh hoạt, thầy cô trong nhà trường nhiều khi phải trực đến 9 – 10 giờ đêm để lấy nước cho các cháu sinh hoạt ngày hôm sau. Công việc cũng rất đơn giản thôi nhưng anh em phải trực ở đó để kiểm tra đầu ống, tránh trường hợp người lấy trước người lấy sau, rồi người lấy sau lại ngắt vòi nước của trường ra thì ngày hôm sau nhà trường lại không có nước sử dụng. Chính vì vậy, thầy cô phải cố gắng để khắc phục khó khăn vì các em học sinh…”.
Ngoài trường PTDTBT Tiểu học Nà Bủng, nhiều đơn vị trường học trên địa bàn huyện Nậm Pồ cũng gặp khó khăn về nguồn nước sinh hoạt, đặc biệt là đối với các trường có số lượng học sinh bán trú, nội trú đông đúc. Theo thống kê, toàn huyện hiện có 43 trường (23 trường học là trường PTDTBT, nội trú) với hơn 21.000 học sinh, trong đó có trên 13.000 học sinh nội trú, bán trú; ăn ở, sinh hoạt tại trường. Hầu hết các em học sinh là con, em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; do đó còn gặp rất nhiều khó khăn trong sinh hoạt, cuộc sống. Qua khảo sát thực tế tại các trường học trên địa bàn huyện thì phần lớn nguồn kinh phí để đầu tư cho chương trình nước sạch phục vụ sinh hoạt, ăn, ở của các em học sinh vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu tối thiểu, bên cạnh việc sử dụng nguồn nước tại các giếng khoan, giếng đào hiện có thì đa phần các trường đều phải tận dụng các nguồn nước trong tự nhiên như ở các khe, suối… Các nguồn nước này không ổn định dẫn đến tình trạng thiếu nước diễn ra thường xuyên, liên tục, đặc biệt là các trường có vị trí trên núi cao, nhất là vào mùa khô.
Mang “Nước cho em”
Cách đây chỉ vài tháng trước, thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ phải lấy nguồn nước sinh hoạt ở mó từ trên đồi chảy xuống để dẫn ống về trường sử dụng. Tuy nhiên, nguồn nước này không chỉ phục vụ sinh hoạt mà còn đáp ứng nhu cầu nước sản xuất cho người dân địa phương nên vào mùa khô, lượng nước khá hạn chế. Thế nhưng từ Chương trình “Nước cho em”, nhà trường đã được đầu tư khoan giếng, nhờ vậy nguồn nước sinh hoạt đã đảm bảo phục vụ cho các em học sinh trong trường. Thầy giáo Trần Đăng Khoa, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ tâm sự: “Trước đây, nhà trường lấy nước ở mó cách khá xa trường, mà trên đó bà con còn sử dụng nguồn nước ấy để làm nông nghiệp. Do vậy, để tiết kiệm nguồn nước sạch và tạo thói quen, nề nếp sinh hoạt cho học sinh, nhà trường đã quy định thời gian sử dụng nước, phân công người trực hàng ngày để bơm nước sáng, chiều. Bơm đầy các téc nước để ngày hôm sau học sinh dùng yên tâm không bị thiếu nước… Tuy nhiên, đến năm học này, các trò không phải lo về nước sinh hoạt nữa rồi”.
Nói rồi thầy Khoa dẫn chúng tôi ra thăm chiếc giếng khoan nhà trường mới được đầu tư đợt tháng 5 vừa qua. Hướng ánh mắt về giếng, thầy Khoa phấn khởi khoe: Chiếc giếng khoan này có độ sâu trên 50m và phải thực hiện trong thời gian khoảng 3 ngày mới hoàn thiện. Đây cũng chính là sản phẩm hiện thực hóa từ lời kêu gọi của Chương trình “Nước cho em”. Nhờ vậy, năm học này, 405 học sinh ở điểm trường trung tâm, trong đó có 247 em học sinh nội trú không phải lo về nguồn nước sinh hoạt nữa!”.
Cũng giống như Trường PTDTBT Tiểu học Phìn Hồ, đợt tháng 3/2023, Trường PTDTBT Tiểu học Chà Cang cũng được đầu tư bổ sung thêm 1 giếng khoan từ Chương trình “Nước cho em” để phục vụ nước sinh hoạt. Trước sự quan tâm, đầu tư nguồn nước cho nhà trường, thầy giáo Vũ Xuân Hậu, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Chà Cang phấn khởi cho biết: “Trước đây, nhà trường đã khoan được một giếng nhưng vì nguồn nước chưa đáp ứng được nhu cầu nên thầy và trò còn sử dụng thêm nguồn nước sạch nông thôn. Với 2 nguồn nước này thì các em có thể thoải mái sử dụng, song thực tế là nhiều khi các em chưa ý thức được việc tiết kiệm nước khiến chi phí trả tiền nước sạch tăng cao. Giờ đây, vấn đề này đã được giải quyết rồi! Nhờ lời kêu gọi phát động thực hiện Chương trình “Nước cho em” của đồng chí Bí thư Huyện ủy, nhà trường cũng được đầu tư thêm 1 giếng khoan nên không còn phải quá lo lắng về vấn đề chi phí tiền nước nữa!”.
Còn với thầy và trò Trường PTDTBT Tiểu học Nà Bủng cũng không giấu được niềm vui khi được các tổ chức, cá nhân, các mạnh thường quân hỗ trợ về giếng khoan cũng như thiết bị, hệ thống nước… Thầy giáo Bùi Văn Dịu, Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học Nà Bủng tâm sự: “Bây giờ, nhà trường đã có 2 giếng khoan rồi và lại được hỗ trợ thêm 04 bồn nước Inox 2.000 lít và 1.030m ống nước HDPE, với trị giá gần 25 triệu đồng thì 878 học sinh nhà trường, trong đó có 617 học sinh bán trú có thể ổn định sinh hoạt, yên tâm học tập và rèn luyện bản thân”.
Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ chia sẻ: Thực hiện lời kêu gọi phát động Chương trình “Nước cho em” tại các trường học trên địa bàn huyện, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ đã vận động và trực tiếp tiếp nhận sự giúp đỡ, ủng hộ, khảo sát của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ nguồn nước, cơ sở vật chất. Tính đến ngày 10/10/2023, đơn vị đã tiếp nhận hơn 530 triệu đồng tiền mặt và các hiện vật (ước giá trị hơn 180 triệu đồng). Sau khi tiếp nhận tài trợ từ các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã lựa chọn những trường còn gặp nhiều khó khăn về nguồn nước tiến hành khoan giếng. Đến nay, toàn huyện đã khoan được 26 giếng khoan; trong đó có 05 giếng khoan được các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ bằng hiện vật, 21 giếng khoan được các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm ủng hộ bằng tiền mặt... cho các đơn vị trường học trong huyện.
Từ lời kêu gọi phát động Chương trình “Nước cho em” tại các trường học trên địa bàn, đến nay huyện Nậm Pồ đã hiện thực hóa, đầu tư được các công trình “Nước sạch cho em”; đó cũng chính là thành quả của sự đoàn kết, đồng lòng chung tay vì sự nghiệp giáo dục vùng cao. Bằng tinh thần trách nhiệm, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đoàn thể, đơn vị và nhân dân cũng như sự đồng hành của các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, đã góp phần giải quyết cơ bản tình trạng thiếu nước sinh hoạt tại các trường học, giúp các em học sinh có điều kiện sinh hoạt, học tập tốt nhất; từ đó tạo tiền đề từng bước nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo trên địa bàn huyện Nậm Pồ trong thời gian tới.