Nâng cao chất lượng dân số vùng cao

08:11 - Thứ Bảy, 28/10/2023 Lượt xem: 7135 In bài viết

ĐBP - Thực hiện Dự án 7 trong Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về chăm sóc sức khỏe nhân dân, nâng cao thể trạng, tầm vóc người dân tộc thiểu số, phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, tỉnh Ðiện Biên đang tập trung triển khai các nội dung, nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đảm bảo đúng tiến độ, hiệu quả.

Cán bộ Trạm Y tế xã Xá Nhè (huyện Tủa Chùa) khám, tư vấn sức khỏe cho phụ nữ mang thai trên địa bàn.

Triển khai hiệu quả Dự án 7

Tỉnh Ðiện Biên có trên 80% dân số là người dân tộc thiểu số, sinh sống chủ yếu ở 126/129 xã, phường, thị trấn. Với đặc thù trên, việc thực hiện Dự án 7 về chăm sóc sức khỏe dân số cho đồng bào dân tộc thiểu số là một trong những chính sách rất thiết thực, ý nghĩa.

Xác định y tế dự phòng là then chốt, y tế cơ sở là nền tảng để thực hiện công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới. Một trong những nội dung của Dự án 7 là nâng cao năng lực quản lý dân số ở cơ sở. Triển khai thực hiện tại tỉnh Ðiện Biên, đội ngũ công chức viên chức làm công tác dân số từ tỉnh đến cơ sở cùng đội ngũ cộng tác viên dân số thôn, bản đã được kiện toàn, dần ổn định và đi vào hoạt động. Hiện nay, toàn tỉnh có 1.445 cộng tác viên dân số/1.445 thôn, bản. Ðội ngũ dân số ở cơ sở trên đóng vai trò quan trọng, là những cánh tay nối dài của ngành từ tuyến cơ sở, truyền tải các thông tin, các chính sách, cũng như vận động người dân thực hiện chính sách dân số.

Bác sĩ CKII Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGÐ) cho biết: Xác định công tác tuyên truyền nâng cao chất lượng dân số là góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, góp phần vào thực hiện các mục tiêu của Dự án 7, Chi cục đã tích cực triển khai hàng loạt hoạt động về công tác truyền thông, công tác giáo dục tuyên truyền, vấn đề truyền thông trực tiếp tại hộ gia đình đang được tiếp tục duy trì và đẩy mạnh. Khi người dân có kiến thức đầy đủ về dân số, nhận thức ngày càng được nâng cao, sẽ chủ động tìm hiểu các dịch vụ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho bản thân cũng như gia đình và thế hệ tương lai.

Trong 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục DS - KHHGÐ tổ chức chiến dịch tăng cường tuyên truyền vận động lồng ghép cung cấp dịch vụ DS - KHHGÐ tại 64 xã thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (đạt 104,9% kế hoạch). Tổ chức mít tinh cung cấp dịch vụ cấp huyện, xã 72 cuộc (đạt 104,3% kế hoạch). Thực hiện tuyên truyền vận động các đối tượng thực hiện KHHGÐ bằng nhiều hình thức đa dạng như truyền thông nhóm, tư vấn, thăm trực tiếp hộ gia đình và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Nâng cao chất lượng dân số

Những ngày này, tại các trạm y tế trên địa bàn tỉnh, đội ngũ y tế, cán bộ chuyên trách dân số đang tất bật tổ chức các buổi truyền thông kiến thức, kỹ năng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Ðến tham gia các buổi truyền thông, người cao tuổi và người thân được phổ biến những kiến thức về lợi ích của việc chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; những bệnh thường gặp và cách chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi; một số bệnh mãn tính thường gặp ở người cao tuổi như huyết áp, tim mạch, tiểu đường, hen phế quản, viêm khớp; hướng dẫn chế độ dinh dưỡng, vận động hợp lý và giữ gìn vệ sinh cá nhân.

Ðây là những hoạt động nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Dự án 7 đang được Chi cục DS - KHHGÐ triển khai. Bên cạnh đó còn có các hoạt động, như: Triển khai truyền thông vận động xã hội chuyển đổi hành vi và tư vấn cộng đồng về khám sức khỏe trước khi kết hôn và tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh; triển khai Chiến dịch “Tăng cường tuyên truyền vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản/KHHGД đợt I/2023; cung cấp dịch vụ tầm soát, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh.

Với vai trò, nhiệm vụ đảm nhận, 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục Dân số - KHHGÐ đã phối hợp với trung tâm y tế cấp huyện tổ chức thực hiện sàng lọc trước sinh 1.956/3.410 ca (đạt 57,4% kế hoạch); sàng lọc sơ sinh 1.724/5.258 ca (đạt 32,8% kế hoạch); tư vấn sức khỏe trước khi kết hôn 491 cặp. Số người cao tuổi được khám và tư vấn sức khỏe là 25.532 người, chiếm 51% tổng số người cao tuổi.

Theo bác sĩ CKII Vũ Thị Thùy, thực hiện nội dung xây dựng và phát triển y tế cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số được nêu trong Dự án 7, tỉnh đã đầu tư cơ sở vật chất và mua sắm trang thiết bị thiết yếu cho trung tâm y tế huyện; tổ chức các lớp đào tạo nhân lực y tế cho các huyện nghèo và cận nghèo vùng khó khăn; hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật về trạm y tế xã. Thông qua các hoạt động về đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác dân số và y tế cơ sở. Từ đó, thực hiện hiệu quả công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân tộc thiểu số, vùng đồng bào khó khăn.

Với sự vào cuộc của các cấp, các ngành, các địa phương và nhận thức ngày càng được nâng cao của đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn, tỉnh Ðiện Biên phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu trong nội dung thuộc Dự án 7 nâng cao chất lượng dân số vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đến năm 2025 như: 20% cặp nam, nữ thanh niên được khám sức khỏe trước khi kết hôn; 50% phụ nữ mang thai được tầm soát; 70% trẻ sơ sinh được tầm soát; 100% người cao tuổi có thẻ bảo hiểm y tế; 95% người cao tuổi được lập hồ sơ theo dõi quản lý sức khỏe...

Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top