Nâng cao kiến thức an toàn cho người lao động

10:02 - Chủ Nhật, 29/10/2023 Lượt xem: 4591 In bài viết

ĐBP - An toàn vệ sinh lao động (ATVSLÐ) hiện nay vẫn có những diễn biến phức tạp, bao gồm cả khu vực có quan hệ lao động và khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng lao động. Trong khi đó, người lao động làm việc trong khu vực phi chính thức chiếm tỷ lệ cao, tính chất công việc không ổn định, dễ thay đổi, phần lớn chưa được phổ biến, huấn luyện kiến thức cơ bản về ATVSLÐ nên khó phòng ngừa rủi ro tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.

Công nhân Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên khai thác mủ cao su.

Công tác ATVSLÐ trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có sự chung tay của các cấp, ngành, đoàn thể và cộng đồng thông qua các hoạt động hưởng ứng Tuần lễ ATVSLÐ, Tháng hành động ATVSLÐ; các hoạt động rà soát, bổ sung nội quy, quy trình làm việc an toàn; hoạt động kiểm tra, tự kiểm tra trong các doanh nghiệp nhằm phát hiện các nguy cơ, rủi ro mất an toàn lao động... Một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí cán bộ làm công tác ATVSLÐ, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch an toàn lao động; đầu tư trang thiết bị máy móc, đổi mới công nghệ, áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới để cải thiện điều kiện lao động. Công tác tuyên truyền đến người sử dụng lao động, người lao động được các cơ quan chức năng, doanh nghiệp thực hiện với nhiều nội dung, hình thức nhằm nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác ATVSLÐ trong đời sống và lao động sản xuất. Thực hiện Tháng hành động về ATVSLÐ năm 2023, các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các doanh nghiệp đã xây dựng kế hoạch và tổ chức thông tin, tuyên truyền, cổ động với 1.013 băng rôn, cờ; in ấn, cấp phát hơn 17.980 tài liệu, tờ rơi, tranh, áp phích tuyên truyền về công tác ATVSLÐ. Cơ quan công an đã phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn, xây dựng mới 13 mô hình “Tiếng kẻng an toàn phòng cháy chữa cháy”, 4 “tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy”, 3 điểm chữa cháy công cộng.

Bên cạnh đó, cơ quan chức năng đã tổ chức quan trắc môi trường lao động cho 8 cơ sở lao động. Ðồng thời, tổ chức huấn luyện kỹ thuật an toàn về vật liệu nổ công nghiệp cho 77 người lao động làm việc liên quan đến vật liệu nổ công nghiệp, gồm: 3 quản lý, 8 chỉ huy nổ mìn, 20 thợ mìn, 14 thủ kho, 11 người vận chuyển, áp tải vật liệu nổ công nghiệp và 21 người làm công việc phục vụ. Có 4 doanh nghiệp đã chủ động xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đơn vị hoạt động dịch vụ huấn luyện ATVSLÐ tổ chức huấn luyện cho 392 người sử dụng lao động, cán bộ làm công tác ATVSLÐ và người lao động.

Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên là một trong những đơn vị làm tốt công tác tuyên truyền, tạo môi trường làm việc an toàn, lành mạnh cho người lao động. Hiện nay, Công ty có trên 800 lao động thường xuyên, chủ yếu là lao động người dân tộc thiểu số. Xác định đảm bảo an toàn lao động là nhiệm vụ quan trọng trong sản xuất, công ty đã thực hiện nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả. Ðặc biệt, trong quá trình cạo mủ cao su, hầu hết người lao động đều phải trực tiếp tiếp xúc với nguy cơ ô nhiễm, độc hại từ mủ cao su gây ra hay muỗi đốt, côn trùng cắn... Do vậy, để đảm bảo an toàn cho công nhân, trước mỗi vụ cạo mủ cao su, Công ty đều tổ chức quán triệt, yêu cầu cán bộ, công nhân chấp hành nghiêm các quy định về an toàn lao động.

Anh Vừ A Cứ (xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên), công nhân Công ty Cổ phần Cao su Ðiện Biên cho biết: Hàng năm Công ty đều chú trọng công tác đào tạo nghề gắn với hướng dẫn ATVSLÐ. Công ty mở các lớp tập huấn để nâng cao tay nghề cho người lao động trước khi đưa vào vườn cây cao su khai thác, nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối trong suốt quá trình khai thác mủ. Bên cạnh đó, Công ty trang cấp đầy đủ các thiết bị bảo hộ lao động như: Quần áo, giày dép, ủng, khẩu trang, găng tay... cho người lao động. Ðịnh kỳ đều tổ chức khám sức khỏe cho công nhân. Nhiều năm qua trong Công ty không để xảy ra các vụ tai nạn lao động.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top