Ðẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến

08:58 - Thứ Tư, 01/11/2023 Lượt xem: 4687 In bài viết

ĐBP - Cung cấp dịch vụ công trực tuyến, nhất là mức độ 3, mức độ 4 là nhiệm vụ trọng tâm trong phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số; nâng cao hiệu lực, hiệu quả, công khai minh bạch hoạt động của cơ quan Nhà nước đồng thời làm giảm thời gian, chi phí cho tổ chức, cá nhân khi thực hiện các thủ tục hành chính. Những năm qua UBND tỉnh đã chỉ đạo triển khai đồng bộ các giải pháp, nhất là về xây dựng hạ tầng kỹ thuật và đẩy mạnh công tác tuyên truyền thay đổi nhận thức, thói quen của người dân.

Cán bộ bộ phận “Một cửa” xã Mường Nhà, huyện Ðiện Biên hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Ảnh: Thành Ðạt

Việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến của các cơ quan Nhà nước trên địa bàn tỉnh hiện nay đã đạt được một số kết quả bước đầu. Về cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin cơ bản được đầu tư xây dựng đáp ứng yêu cầu. Ðiện Biên là 1 trong 9 tỉnh đầu tiên kết nối với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đồng thời cơ bản hoàn thành kết nối với các bộ, ngành Trung ương. Tỷ lệ máy tính trong cơ quan Nhà nước các cấp đạt 100%; tất cả ứng dụng có dữ liệu dùng chung của tỉnh được kết nối, sử dụng thông qua nền tảng tích hợp và chia sẻ dữ liệu cấp tỉnh; trên 70% số dịch vụ dữ liệu có trên nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia được tỉnh đưa vào sử dụng chính thức. Ðiện Biên đã xây dựng Trung tâm giám sát, điều hành an toàn, an ninh mạng thực hiện đảm bảo an toàn thông tin theo mô hình 4 lớp, đồng thời kết nối, chia sẻ thông tin giám sát an toàn thông tin với Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia.

Kết quả đánh giá chỉ số phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh Ðiện Biên hiện xếp thứ 11/63 tỉnh, thành phố cả nước. Hiện nay tỉnh Ðiện Biên đang cung cấp 1.789 thủ tục hành chính được đồng bộ dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia, trong đó 100% thủ tục hành chính đủ điều kiện được cung cấp dưới dạng dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên hệ thống của tỉnh. 100% hồ sơ thủ tục hành chính do các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, UBND xã tiếp nhận, giải quyết được thực hiện qua hệ thống. Nhờ đó, những tháng đầu năm 2023, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến phát sinh hồ sơ đạt 93%; tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt trên 70%; tỷ lệ thủ tục hành chính có phát sinh giao dịch thanh toán trực tuyến đạt 59,35%; tỷ lệ hồ sơ thanh toán trực tuyến đạt 20,87%; hồ sơ được số hóa, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 80,38%; hồ sơ cấp kết quả điện tử đạt 28,63%. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan Nhà nước theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo phục vụ người dân, doanh nghiệp tốt hơn.

Tuy đạt những kết quả tích cực nhưng hiệu quả cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại một số địa bàn chưa cao do hiện nay còn 7% số hộ dân chưa được tiếp cận điện lưới quốc gia, một số bản thuộc địa bàn “lõm” sóng điện thoại, nhiều người dân chưa có điện thoại thông minh. Vì vậy, người dân không thực hiện được các dịch vụ công trực tuyến và việc tuyên truyền sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả còn hạn chế. Trang thiết bị, cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính, nhất là tại cấp xã của một số huyện còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Dịch vụ công trực tuyến là lĩnh vực còn tương đối mới nên đa số người dân vẫn có thói quen làm các thủ tục trực tiếp, ngại tiếp xúc với công nghệ. Một số quy trình, thủ tục thực hiện dịch vụ công trực tuyến còn rắc rối, nhiều thao tác phức tạp khiến người dân gặp khó khăn.

Ðể nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến, vừa qua tại hội thảo “Giải pháp tăng cường tiếp cận dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh Ðiện Biên, Bình Phước và Ninh Thuận”, tỉnh Ðiện Biên đã đề xuất một số giải pháp cơ bản. Trước hết là tranh thủ mọi nguồn lực để đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng là đưa điện lưới quốc gia đến các địa bàn vùng cao, vùng xa; xóa các điểm lõm về internet, khả năng phủ sóng 3G/4G trên toàn tỉnh. Ðầu tư nâng cấp các trang thiết bị phục vụ chuyển đổi số và thực hiện dịch vụ công trực tuyến trên toàn tỉnh. Xác định việc triển khai dịch vụ công trực tuyến là một quá trình có tính đặc thù của từng địa phương, do đó tỉnh Ðiện Biên lựa chọn các vấn đề là thế mạnh để tập trung đầu tư, phát triển trước với việc xác định rõ lộ trình, mục tiêu, bước đi cụ thể trong chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Trong tổ chức thực hiện cần nghiên cứu thực tế tiếp cận, sử dụng của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, người dân vùng sâu, vùng xa, người có trình độ học vấn thấp, người khuyết tật, người chưa thông thạo tiếng Việt... Từ đó có cách thức triển khai linh hoạt, chủ động, sáng tạo trong quá trình thực hiện chuyển đổi số, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

Trong thời gian tới, tỉnh sẽ lồng ghép chính sách, tận dụng tối đa nguồn lực từ các chính sách, chương trình khác nhau đặc biệt là 3 chương trình MTQG để tăng thêm nguồn lực cho phát triển dịch vụ công trực tuyến tại các xã thuộc địa bàn khó khăn. Sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế, vị trí việc làm theo hướng tăng cường nhân sự có năng lực về chuyển đổi số, công nghệ thông tin hỗ trợ cho cấp xã hiện đại hóa nền hành chính, cải thiện khả tăng tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến của người dân. Chú trọng công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng tại chỗ cho công chức Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã về kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và dịch vụ công trực tuyến. Tiếp đó, tập trung nguồn lực đào tạo, hướng dẫn mỗi cụm dân cư, sau đó là mỗi gia đình có ít nhất một người thông thạo sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Các cá nhân này là hạt nhân quan trọng giúp mở rộng số người thành thạo và thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Cùng với đó, tiếp tục cải thiện hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động. Tại trụ sở hành chính các cấp cần công khai các dịch vụ công trực tuyến thông qua lắp đặt thêm khẩu hiệu, bảng hướng dẫn, mã quét mã QR liên kết đến các cổng thông tin, trang thông tin điện tử cần thiết phục vụ tìm hiểu, giải đáp thắc mắc và hỗ trợ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến khi có nhu cầu. Là tỉnh nhiều dân tộc thiểu số sinh sống nên công tác tuyên truyền cần linh hoạt, phù hợp phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân; các thông tin phải đơn giản dễ hiểu, sinh động, hướng đến từng nhóm đối tượng cụ thể.

Thành Đạt
Bình luận

Tin khác

Back To Top