Ðể người lao động đi làm việc ở nước ngoài hiệu quả

15:28 - Thứ Tư, 01/11/2023 Lượt xem: 4000 In bài viết

ĐBP - Ðiện Biên hiện có trên 375.000 người trong độ tuổi lao động (chiếm 57,87% dân số), đây được coi là tiềm năng trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Với mục tiêu mỗi năm đưa khoảng 100 lao động đi làm việc ở nước ngoài, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện. Qua đó, góp phần vào công tác giải quyết việc làm và giảm nghèo bền vững tại các địa phương.

Người lao động hoàn thiện hồ sơ đăng ký dự tuyển chương trình EPS đi làm việc tại Hàn Quốc.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Theo kế hoạch năm 2023, UBND tỉnh đặt mục tiêu đưa 100 người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trên cơ sở kế hoạch của tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ việc làm phối hợp với các đơn vị, địa phương, công ty có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng thực hiện tuyên truyền, vận động người dân trong độ tuổi đảm bảo đủ các điều kiện đăng ký tham gia. Ðồng thời, thường xuyên tổ chức các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm với nhiều hình thức đa dạng đến từng cơ sở. Qua đó, giúp người dân nắm bắt thông tin, hiểu được ý nghĩa, chính sách hỗ trợ đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Tại huyện Ðiện Biên Ðông, từ đầu năm đến hết tháng 7/2023 đã có 76 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trung bình, mỗi lao động tham gia xuất khẩu gửi về nước từ 10 - 15 triệu đồng/tháng, một số lao động ở thị trường Nhật Bản, Ðài Loan có mức gửi trên 15 triệu đồng/tháng. Lao động đi làm việc ở nước ngoài không chỉ mang lại nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, tăng tích luỹ, cải thiện cuộc sống gia đình. Nhiều lao động sau thời gian tham gia xuất khẩu lao động, với số vốn tích lũy được đã đầu tư phát triển kinh tế để thoát nghèo và vươn lên khá giả. Ðây chính là động lực để người dân địa phương quyết định đưa con em mình đi lao động tại nước ngoài.

Cùng với huyện Ðiện Biên Ðông, các địa phương khác trong tỉnh tích cực triển khai hoạt động đưa người lao động đi làm việc tại nước ngoài. Trong 7 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã đưa được 177 người đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung tại các thị trường, như: Hàn Quốc, Nhật Bản, Ðài Loan. Ða số người lao động có thu nhập tương đối ổn định, cao hơn so với việc làm trong nước cùng ngành nghề, cùng trình độ. Sau khi hết thời hạn trở về, những lao động này sẽ là nguồn nhân lực có trình độ, tay nghề và trở thành nhân tố tích cực trong phát triển kinh tế ở địa phương.

Kết quả trên được coi là tín hiệu tích cực khi số lượng và chất lượng lao động đi làm việc ở nước ngoài ngày một tăng. Tuy nhiên, tỷ lệ lao động của tỉnh đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài chưa tương xứng với tiềm năng. Một trong những nguyên nhân chính là do lao động của tỉnh chủ yếu là lao động phổ thông, chất lượng lao động còn thấp so với yêu cầu của các thị trường và người sử dụng lao động nước ngoài. Ðặc biệt là tại các thị trường lao động có mức thu nhập cao như Nhật Bản, Hàn Quốc, Ðức thường đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề tương đối cao. Mặt khác, tâm lý của một bộ phận người lao động ngại đi làm xa, chưa quen với tác phong làm việc công nghiệp; ý thức chấp hành kỷ luật lao động của một bộ phận lao động người dân tộc thiểu số còn thấp. Ngoài ra, cấp ủy đảng, chính quyền một số địa phương chưa thực sự vào cuộc để chỉ đạo, tuyên truyền, phổ biến và hỗ trợ người dân tham gia đi làm việc ở nước ngoài; chưa nắm chắc số lao động tại địa phương để kết nối, cung cấp cho doanh nghiệp có nhu cầu.

Xác định giải quyết việc làm luôn là vấn đề được các cấp ủy, chính quyền đặc biệt quan tâm, trong đó có tạo việc làm ngoài nước cho người lao động, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài trên địa bàn tỉnh. Trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật, hiệu quả của công tác đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với từng nhóm đối tượng. Thường xuyên kết nối với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, các doanh nghiệp có uy tín để tìm kiếm, lựa chọn các chương trình tốt, phù hợp với người lao động của tỉnh để tư vấn, giới thiệu cho người lao động tham gia. Ðồng thời, phối hợp với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai hiệu quả đào tạo, nâng cao tay nghề cho người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, nhất là ở những thị trường có yêu cầu cao, như Nhật Bản, Hàn Quốc... Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết để đánh giá và rút kinh nghiệm trong quá trình tổ chức thực hiện; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top