Khi người trẻ đứng đầu

09:47 - Thứ Năm, 02/11/2023 Lượt xem: 5827 In bài viết

ĐBP - Trong khi một số ít bạn trẻ có tư tưởng “khô Ðoàn, nhạt Ðảng” thì những bí thư chi bộ 9X hoàn thành tốt công việc của mình được xem như “ngọn lửa” truyền thêm niềm tin. Thế nhưng, đứng đầu tổ chức đảng ở cơ sở khi tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm chưa nhiều là một thách thức đòi hỏi bản lĩnh và sự nỗ lực rất lớn của những bí thư 9x.

Bí thư Chi bộ bản Pú Múa Cháng A Lử (đầu tiên từ trái sang) thăm gia đình hộ nghèo được hỗ trợ làm nhà đại đoàn kết.

Kiên trì mở “cánh cửa” lòng dân

Là thanh niên “hiếm hoi” của bản Pú Múa, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà được đi học chuyên nghiệp, song khi trở về địa phương, Cháng A Lử cũng phải đối mặt với cái khó chung là tìm kiếm việc làm. Trong thời gian chờ cơ hội, với suy nghĩ không để lãng phí sức trẻ, Lử đã tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của tổ chức đoàn ở cơ sở. Ðó là lý do anh được bầu vào Ban Chấp hành Chi đoàn, đảm nhận vai trò thư ký. Hơn 1 năm sau, Lử được tổ chức quan tâm, cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Ðảng và chính thức trở thành đảng viên vào năm 2017.

Nhờ sự năng nổ, tích cực, Lử được tín nhiệm bầu làm Trưởng bản Pú Múa vào năm 2021. Năm 2022, Cháng A Lử trở thành Bí thư Chi bộ trẻ tuổi nhất xã, khi tuổi đời vừa 27. Ðây là giai đoạn vất vả với Lử, bởi anh phải đối mặt với không ít hoài nghi, rèm pha. “Lần đầu thông báo họp bản, bà con còn không đến đủ. Em có nghe mọi người nói là họ không tin em làm được gì cho bản, rồi trẻ thế thì biết gì mà lãnh đạo. Sau đó em đã quyết định trực tiếp đến từng hộ gia đình trong bản để lắng nghe từng người. Ðợt ấy phải đi mất gần tháng trời, vì bản có gần 100 hộ ở rải rác, rồi có người ở nhà, người trên nương” - Lử chia sẻ.

Những ngày đầu trên cương vị mới, Lử nhiều đêm thức trắng. Lử tìm đọc các chỉ thị, nghị quyết của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nghiên cứu những cách làm mới, mô hình hay ở các chi bộ khác trong xã, huyện, tỉnh. Thậm chí, sóng di động yếu, Lử đã đầu tư mua gói 4G tốc độ cao để lên mạng học hỏi, tìm hiểu từ nhiều chi bộ trên toàn quốc về vận dụng, xác định hướng đi mới cho chi bộ mình. “Làm thế nào để dân nghe, dân tin, dân ủng hộ là trăn trở lớn nhất của em khi đó” - Lử bộc bạch.

Lo lắng của Lử là có căn cứ, bởi tuổi trẻ, lại đảm nhận địa bàn đông dân số của xã, khó khăn liên tiếp dồn lên đôi vai của chàng trai chưa đầy 30 tuổi. Lử suy nghĩ, muốn làm gì thì trước tiên phải mở được “cánh cửa” lòng dân. Ðây không phải việc dễ, sẽ mất rất nhiều thời gian và công sức, nhưng quan trọng hơn cả là anh đã tìm được chiếc chìa khóa từ chính uy tín của các trưởng nhóm đạo, đảng viên lớn tuổi.

Người mà Lử tìm đến, tham vấn nhiều nhất là đảng viên Mùa A Di. Ông Di không chỉ là đảng viên lớn tuổi, nhiều kinh nghiệm mà còn là một trong số những người có uy tín nhất bản. Ông Di tâm sự: “Lúc đầu thì tôi cũng chưa tin tưởng Lử, vì họp chi bộ còn lúng túng. Nhưng tôi nghĩ, cháu còn ít tuổi, đứng trước các đảng viên dày dặn kinh nghiệm nên khó tránh khỏi bỡ ngỡ, e ngại. Rồi hễ có văn bản mới cần triển khai, có nội dung cần thực hiện, Lử đều tham khảo ý kiến của tôi cũng như các đảng viên trong chi bộ. Cái gì chưa đúng, cháu thẳng thắn nhận, dám làm, dám sửa nên mọi người dần tin tưởng, nể phục. Từ đó, chúng tôi sẵn sàng chia sẻ, góp ý để cháu thực hiện nhiệm vụ tốt hơn”.

Bí thư Chi bộ bản Pú Múa Cháng A Lử thường xuyên tham vấn, học hỏi kinh nghiệm từ đảng viên lớn tuổi Mùa A Di (bên phải).

Đứng đầu phải đi đầu

Bản Pú Múa nằm cách trung tâm xã Mường Mươn hơn 8km, với hơn 100 hộ, 600 khẩu đồng bào Mông. Bản có 3 nhóm đạo, khó khăn về nguồn nước lại chưa có điện lưới quốc gia. Ðây là những “rào cản” vô cùng lớn khi triển khai các công tác, nhiệm vụ, đặc biệt là về xóa đói giảm nghèo. Cháng A Lử nhận thức việc triển khai tuyên truyền, đưa các nghị quyết của Ðảng vào cuộc sống là điều không dễ, nếu chỉ làm một cách máy móc sẽ rơi vào tình cảnh hời hợt, sáo rỗng, xa rời thực tế khiến người dân không tin.

Bằng bí quyết đánh trúng lòng “tự ái”, Lử đã khơi dậy quyết tâm thoát nghèo của nhiều hộ dân trong bản. Những lá đơn xin thoát nghèo đầu tiên được “tiếp sức” bằng nhiều nguồn hỗ trợ và sự “cầm tay chỉ việc” của mỗi đảng viên. Trong bản có 8 đảng viên, mỗi người được giao phụ trách 10 - 20 hộ. Nhiệm vụ đầu tiên của mỗi đảng viên này là “cầm tay chỉ việc”, đồng hành với các hộ được giao phụ trách để tìm hướng làm kinh tế. Ngay năm đầu làm Bí thư Chi bộ (năm 2022), Lử đã giúp 8 hộ dân xóa nghèo thành công. Các mô hình khai hoang trồng lúa nước, chăn nuôi trâu bò và những ngôi nhà kiên cố xuất hiện đã làm “sáng” dần “mảng tối” cố hữu ở rẻo cao Pú Múa.

Bí thư Ðảng ủy xã Mường Mươn - Hoàng Ðiều cho biết: “Cháng A Lử không phải là Bí thư, Trưởng bản trẻ tuổi duy nhất ở địa phương. Hiện nay, trên 80% người đảm nhận các vai trò này ở cơ sở đều thuộc thế hệ 8X, 9X. Trên cơ sở phát triển nguồn đảng viên trẻ, khi bố trí được những đồng chí này làm Bí thư chi bộ, Trưởng bản đã tạo bước chuyển biến rất lớn, nhất là về tư duy. Trong thời kỳ 4.0 hiện nay, các đảng viên trẻ thực hiện công việc, áp dụng công nghệ thông tin, tiếp cận những cái mới rất tốt và nhanh nhạy; đồng thời có sự năng động, biết làm kinh tế, xây dựng các mô hình kinh tế rất hiệu quả, từ đó tạo sức lôi cuốn các bạn trẻ khác tìm hiểu và làm theo”.

 

Trong những điểm sáng ấy có gia đình ông Mùa A Tủa. Cùng với sự tin tưởng dành cho Bí thư Cháng A Lử, kinh tế gia đình ông Tủa cũng có sự chuyển biến vượt bậc. Ông Tủa kể: “Nhà tôi có 3 khẩu đều trong độ tuổi lao động. Trước kia cứ nghĩ chỉ cần làm nương, đủ thóc ăn cả năm là được nên bao năm cứ nằm mãi trong danh sách hộ nghèo. Từ khi được Bí thư Lử khuyên bảo, cho xem nhiều thông tin các gia đình ở nơi khác khó khăn hơn mình mà còn thoát nghèo thì tôi thấy xấu hổ nên quyết tâm phải thoát nghèo. Sau khi viết đơn, tôi được hỗ trợ về vốn, kiến thức để chăn nuôi gia súc. Lúc rảnh rỗi thì đi làm công khoán cho công ty cao su. Bình quân mỗi thành viên trong gia đình có thu nhập 200.000 đồng/ngày. Vì thế năm nay gia đình đã thoát nghèo, nhiều lần được nêu gương cho bà con trong bản học theo, tôi rất phấn khởi”.Ðến Pú Múa giờ đây, những đổi thay tích cực không chỉ hiện hữu trong mỗi ngôi nhà dần được kiên cố, thóc lúa đủ ăn, mà còn thông qua những chuyển biến trong tư duy của bà con. Thanh niên trong độ tuổi lao động đã biết đi làm công nhân cao su, chủ động tìm về các khu công nghiệp lớn ở miền xuôi… Thế nhưng, Bí thư trẻ A Lử vẫn chưa hết trăn trở. “Ðiều khiến em suy nghĩ nhiều nhất là trong bản còn nhiều thanh niên thuộc thế hệ 9X nhưng chưa có việc làm ổn định. Ngoài những khó khăn khách quan đặc thù (chưa có điện, thiếu nguồn nước sản xuất…) thì một phần do thất học và còn sinh quá nhiều con. Chính vì thế, thời gian tới Chi bộ sẽ tập trung làm tốt công tác tuyên truyền về kế hoạch hóa gia đình để các hộ giảm bớt gánh nặng, tập trung làm kinh tế, trẻ em được quan tâm, chăm sóc nhiều hơn, đi học đầy đủ mới thay đổi được cuộc đời”.

Hà Linh
Bình luận

Tin khác

Back To Top