Sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội: Đóng bảo hiểm xã hội 15 năm được hưởng lương hưu

16:04 - Thứ Năm, 02/11/2023 Lượt xem: 4840 In bài viết

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định, người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.

Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). 

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, chiều 2/11, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần

Bộ trưởng cho biết, theo nguyên lý bảo hiểm xã hội và thông lệ quốc tế, người lao động để được hưởng lương hưu thì phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện là đủ tuổi nghỉ hưu và đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu.

Về thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu, Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành quy định phải đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, gây khó khăn, giảm cơ hội được hưởng lương hưu của một số đối tượng do không đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm.

Do vậy, Điều 64 của dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.

Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc đặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.

Đồng thời, quy định này cũng góp phần giảm số người hưởng bảo hiểm xã hội một lần do đủ điều kiện hưởng lương hưu. Đối với người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội dài hơn thì vẫn được hưởng lương hưu với tỷ lệ hưởng lương hưu cao hơn không thay đổi so với quy định hiện hành.

Hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Dự thảo Luật bổ sung quy định trách nhiệm của các cơ quan trong xác định và quản lý đối tượng thuộc diện tham gia bảo hiểm xã hội; đồng thời, sửa đổi, bổ sung nhiều biện pháp xử lý, chế tài xử lý tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội.

Cụ thể, quy định nộp số tiền bằng 0,03%/ngày tính trên số tiền chậm đóng, trốn đóng (như lĩnh vực thuế); quyết định ngừng sử dụng hóa đơn đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 6 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng.

Một chế tài xử lý khác là quyết định hoãn xuất cảnh đối với người sử dụng lao động chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng trở lên, đã áp dụng các biện pháp xử lý vi phạm hành chính mà vẫn không đóng hoặc đóng không đủ số tiền bảo hiểm xã hội bắt buộc phải đóng.

Đồng thời, cơ quan bảo hiểm xã hội có quyền khởi kiện và kiến nghị khởi tố đối với trường hợp có dấu hiệu phạm tội trốn đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Ngoài ra, để bảo đảm quyền lợi của người lao động, dự thảo Luật đã bổ sung trách nhiệm của người sử dụng lao động phải bồi thường cho người lao động nếu không tham gia hoặc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc không đầy đủ, kịp thời mà gây thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Các đại biểu Quốc hội dự phiên họp.

Bổ sung một số nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra yêu cầu: “Mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.

Về mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, kinh nghiệm quốc tế cả Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) và Ngân hàng Thế giới (WB) đều thống nhất giải pháp để gia tăng số người tham gia bảo hiểm xã hội là phải kết hợp hài hòa cả 2 biện pháp.

Đó là quy định mở rộng đối tượng tham gia bắt buộc và ngân sách nhà nước hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Bài học của Trung Quốc khi đạt tỷ lệ bao phủ 75% thì trong đó 35% đến từ quy định bảo hiểm xã hội bắt buộc và 40% đến từ quy định bảo hiểm xã hội tự nguyện với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm: chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt).

Trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.

Theo NDĐT
Bình luận
Back To Top