Nâng cao chất lượng thi hành án dân sự

10:37 - Thứ Bảy, 11/11/2023 Lượt xem: 3884 In bài viết

Xác định việc thực hiện chỉ tiêu, nhiệm vụ thi hành án dân sự năm 2023 là hết sức khó khăn, Bộ Tư pháp đã triển khai đầy đủ, kịp thời các văn bản chỉ đạo của cấp trên; chủ động hoàn thiện thể chế, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện của các đơn vị trực thuộc. Đến nay, việc thực hiện kế hoạch công tác năm 2023 đã về đích, vượt chỉ tiêu đề ra.

 

Chi cục Thi hành án dân sự quận Hà Đông phối hợp với cơ quan chức năng tổ chức cưỡng chế giao tài sản thi hành án tại phường Phú La.

Nhận diện các khó khăn

Đánh giá của Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp) cho biết, các vụ việc tồn năm 2022 chuyển sang năm 2023 phần lớn là những vụ việc khó thi hành, chưa nhận được sự đồng thuận cao, dẫn đến số lượng việc loại này dồn lại, tăng dần theo từng năm.

Nắm bắt được các vấn đề đó, lãnh đạo Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự yêu cầu các đơn vị rà soát, phân loại án bảo đảm chính xác; tập trung chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án có điều kiện thi hành. Bộ chủ động tổ chức ký kết giao ước thi đua; kiểm tra việc triển khai thực hiện kế hoạch công tác, tiến độ giải quyết thi hành án của các chi cục và các chấp hành viên. Tổng cục Thi hành án dân sự đã ban hành Kế hoạch kiểm tra công tác thi hành án dân sự năm 2023 trong toàn hệ thống, trong đó chú trọng công tác tự kiểm tra và chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra.

Công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế cũng là một nhiệm vụ được quan tâm, chú trọng. Hiện nay, việc đánh giá tình hình 14 năm triển khai và đề xuất định hướng sửa đổi Luật Thi hành án dân sự trong toàn ngành đã hoàn thành. Từ đó, có cơ sở nắm bắt tình hình thực tế, rà soát, làm rõ đặc thù của từng loại án, nhất là quyết định của thỏa thuận Trọng tài hiện đang rất vướng mắc; xử lý vụ việc cạnh tranh; thi hành án có yếu tố nước ngoài… để xác định rõ phạm vi, quy định rõ trình tự, thủ tục riêng, giảm án tồn đọng; nghiên cứu hướng giải quyết với loại tài sản đặc thù như chứng khoán, cổ phiếu.

Số tiền thi hành xong tăng mạnh

Theo Người phát ngôn Bộ Tư pháp Đỗ Xuân Quý, việc đề xuất giải pháp lấp lỗ hổng pháp lý và thi đua phân loại, giải quyết vụ việc phức tạp diễn ra mạnh mẽ trong nhiều tỉnh, thành phố đã mang lại hiệu quả thiết thực. Đến nay, toàn hệ thống đã hoàn thành kế hoạch công tác năm 2023, nhiều chỉ số tăng so với cùng kỳ năm trước; số việc và số tiền thi hành xong tăng mạnh hơn so với năm 2022.

Cụ thể, đã thi hành xong 574.819 việc, tăng 36.189 việc (tăng 6,72%) so với cùng kỳ; đạt tỷ lệ 83,25% (tăng 0,75% so với cùng kỳ), cao hơn 0,75% so với chỉ tiêu giao (trên 82,5%). Về tiền, đã thi hành xong hơn 89.412 tỷ đồng, tăng hơn 14.376 tỷ đồng (tăng 19,16%) so với cùng kỳ; đạt tỷ lệ 46,78% (tăng 1,24% so với cùng kỳ), cao hơn 1,28% so với chỉ tiêu giao (trên 45,5%). Đối với kết quả theo dõi thi hành án hành chính, các cơ quan hành chính đã thi hành xong 582/1.375 bản án (tăng 153 bản án so với năm 2022).

Cùng với kết quả thi hành án đạt nhiều kết quả tích cực, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Văn Lực cho biết, Chỉ thị số 04-CT/TƯ ngày 2-6-2021 của Ban Bí thư về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế” đã phát huy tác dụng, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị. Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự coi đây là nhiệm vụ chính trị, trực tiếp chỉ đạo liên quan đến thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng nên kết quả rất khả quan. “Hệ thống thi hành án đã thi hành xong 2.264 việc, tăng 369 việc và thu hồi được hơn 20.400 tỷ đồng. Đây cũng là số tiền thu được cao nhất từ năm 2013 tới nay”, ông Nguyễn Văn Lực cho biết.

Trong đó, vụ ông Nguyễn Văn Minh (cựu Chủ tịch Tổng công ty 3-2) và đồng phạm vi phạm quy định về quản lý tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí tại Tổng công ty 3-2 đã thu hồi tới 572 tỷ đồng; vụ Phạm Công Danh và đồng phạm giai đoạn 1 đã thu hồi được 465 tỷ đồng và giai đoạn 2 đã thu hồi được 458 tỷ đồng. Vụ buôn lậu, nhận hối lộ xảy ra ở Đồng Nai và một số tỉnh thu hồi được 427 tỷ đồng; vụ Hứa Thị Phấn và đồng phạm thu hồi được 129 tỷ đồng.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Lực, thời gian tới, Tổng cục Thi hành án dân sự sẽ tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời, đầy đủ, đồng bộ, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để hoàn thiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao. Theo đó, sẽ thường xuyên, trực tiếp kiểm tra, giám sát chặt chẽ chấp hành viên trong quá trình tổ chức thi hành án, nhất là khâu thẩm định giá, bán đấu giá tài sản thi hành án, kịp thời chấn chỉnh, cảnh báo, phòng ngừa những vi phạm, sai sót trong toàn hệ thống, nếu có… Về phía cơ quan, đơn vị triển khai nhiệm vụ thi hành án, Tổng cục Thi hành án yêu cầu tăng cường chấn chỉnh việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra và tự kiểm tra. Thực hiện nghiêm chế độ tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hạn chế phát sinh các khiếu nại, tố cáo vượt cấp.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top