Nhức nhối bạo hành trên mạng

15:44 - Thứ Tư, 15/11/2023 Lượt xem: 3636 In bài viết

Bạo hành trên mạng tưởng không nguy hiểm mà lại nguy hiểm không tưởng. Đã có không ít những hậu quả đáng buồn xảy ra, nhẹ thì bị ảnh hưởng sức khỏe, tâm lý, nặng hơn nữa đôi khi là những hành động nghĩ quẩn dẫn đến mất đi cả sự sống.

Ảnh minh họa. 

Thực trạng bạo hành trên mạng lại được nêu ra tại nghị trường Quốc hội cách đây mấy ngày. Khi bàn về giải pháp bảo vệ cá nhân, đại biểu Tô Thị Bích Châu (Đoàn TP Hồ Chí Minh) lấy dẫn chứng từ hai vụ việc khá nổi cộm thời gian qua liên quan đến trường hợp hoa hậu Ý Nhi và phim Đất rừng phương Nam bị cộng đồng mạng “dập cho tơi bời”. Theo đại biểu, kiểu bạo hành “đập cho chết chứ không phải đập cho chừa” này rất nguy hiểm.

Trước đó, có không ít người nổi tiếng trở thành nạn nhân của nạn soi mói đời tư, “ném đá” vô tội vạ. Đơn cử như lễ ăn hỏi của doanh nhân "Shark" Bình với diễn viên Phương Oanh được lan truyền khắp "cõi mạng" với nhiều lời bình luận ác ý liên quan đến việc trang trí rạp ăn hỏi bằng trúc và sen…

Việc “ném đá” trên mạng xã hội đã gây bức xúc dư luận từ lâu. Thay vì viết những lời nói văn minh lịch sự, nhiều trang mạng xã hội, nhiều tài khoản cá nhân đã có những lời nói kém duyên và trở thành các chủ đề để “câu view”, “câu like”...

TS. Đặng Hoàng Giang, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phát triển cộng đồng đã đánh giá rằng, khoảng năm năm trở lại đây, mức độ “bạo hành” trên mạng đã rất lớn, vô cùng khủng khiếp. “Có thể nói mức độ này rất đáng quan ngại, khiến cho bầu không khí trên mạng bị đầu độc. Mỗi ngày đều có những nạn nhân của hiện tượng này, dù là người nổi tiếng hay không” – TS Giang nói.

Đúng thế! Khó có thể kể hết những hành vi “xấu xí” mà một bộ phận dư luận hành xử trên mạng, nhất là đối với những người nổi tiếng. Từ cách đi đứng, ăn mặc, từ chuyện hẹn hò, chuyện ứng xử gia đình, học vấn, tin đồn… đều được phơi bày, thêu dệt. Một số hoa hậu, ngay sau khi đăng quang còn bị lộ ngay bảng điểm thời đi học, chuyện hẹn hò thuở xưa…

Có thể nói, những hành vi này không còn dừng lại ở sự tò mò, đưa chuyện vô duyên nữa mà trở thành hành động “vùi dập” người khác chỉ vì một phát ngôn, một hành vi chưa chuẩn mực nào đó. “Cõi mạng” là của chung nhưng trong nhiều trường hợp đã biến thành “chiến trường” của những trận “bom” rải thảm ngôn từ dành cho một số cá nhân, tập thể. Nhiều trường hợp xâm phạm quyền riêng tư, can thiệp thô bạo vào đời sống cá nhân, gây ra hậu quả nghiêm trọng.

Trong khi đó một trong những xu hướng nguy hiểm trên mạng là hành vi “ném đá hội đồng”, “ném đá giấu tay”. Chúng ta dễ dàng tìm thấy nhiều nhóm fan, antifan theo dõi, ủng hộ riêng hoặc tẩy chay những người nổi tiếng. Yêu mến thì họ bênh vực, bảo vệ, đôi khi là bất chấp lý lẽ, đúng sai. Còn ghét bỏ thì chao ôi không biết bao lời chỉ trích, chê bai, lăng mạ, miệt thị từ đời tư đến lối sống, cách hành xử… Để rồi người chịu thiệt thòi nhất chính là người “bị tấn công”. Đặc biệt là khi câu chuyện gắn với những người nổi tiếng, có tên tuổi và sức ảnh hưởng. Khi đó, bạo hành mạng diễn ra càng đem lại hậu quả to lớn gấp nhiều lần.

Và đứng đằng sau âm thầm hưởng lợi là một đội ngũ quản trị viên. Khi các hội nhóm này thu hút lượng lớn người tham gia, hoạt động ổn định, mức tương tác cao sẽ được rao bán với những mức giá khác nhau và thu về số tiền không hề nhỏ.

Thế là những câu chuyện “bạo lực” tưởng chừng chỉ diễn ra trên thế giới ảo nhưng lại ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, thể chất, tâm lý… của nạn nhân. Dù họ có mạnh mẽ vượt qua những giây phút “bị tấn công” này, thì đằng sau đó, hệ quả để lại không hề bị mất đi, thậm chí gây ám ảnh cả đời. Vậy những lời nói xuyên tạc, bôi nhọ đã xuất hiện ảnh hưởng đến danh dự cá nhân ai sẽ là người giải quyết? Những ảnh hưởng về tâm lý, tinh thần ai sẽ là người chữa lành? Nặng nề hơn, những bệnh tật hay mất mát xảy ra, ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Đề cập đến nội dung này, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, quy định pháp luật về quản lý mạng xã hội đã được sửa đổi tại Nghị định 72 để quản lý căn bản, trong đó có vấn đề xâm hại đời tư. Để thực thi pháp luật nghiêm minh, Bộ Thông tin và Truyền thông đã phối hợp với Bộ Công an xử lý nghiêm, xử lý hình sự một số vụ việc mang tính trọng tâm. Việc tòa án xét xử vụ sai phạm của bà Phương Hằng nhằm răn đe chung là một ví dụ.

Vẫn biết, trong một số lĩnh vực, nhất là lĩnh vực nghệ thuật, việc tranh luận trên mạng xã hội cũng là xu thế và trong nhiều trường hợp là cần thiết. Bởi khi người hâm mộ cất lên tiếng nói mạnh mẽ cũng góp phần cảnh tỉnh, buộc những người làm nghệ thuật, những người nổi tiếng phải cẩn trọng trong từng phát ngôn, hành động nếu không muốn bị khán giả tẩy chay trước những phát ngôn, hành động thiếu suy nghĩ, lệch chuẩn, đôi khi còn trái với thuần phong mỹ tục, lan tỏa cái xấu. Tuy nhiên, ranh giới “đập cho chừa” đôi khi rất mong manh, dễ bị lợi dụng, dẫn đến vấn nạn bạo hành trên mạng.

Mặt khác, khi đã đòi hỏi người nổi tiếng thận trọng trong phát ngôn, hành động… thì cũng phải đòi hỏi những người “gõ phím” “nhân danh công lý” bày tỏ ý kiến bằng những bình luận phải có văn hóa, phải tôn trọng pháp luật, không được “mượn gió bẻ măng”, xỉa sói, bôi nhọ, vùi dập người khác một cách ác ý, biến mình thành “kẻ bạo hành” trên không gian mạng.

Dẫu biết pháp luật cũng quy định rất rõ, đảm bảo những hành vi vi phạm đều bị xử lý một cách nghiêm minh, công bằng với những hành vi không đúng, sai trái trong lĩnh vực này như Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017 quy định mức phạt về tội “là nhục người khác”, với mức phạt thấp nhất là cảnh cáo, phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 30 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm và cao nhất có thể lên đến 5 năm tù. Còn nếu phạm tội “vu khống” xác định theo Điều 156 thì mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm; hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 1 năm, cao nhất là bị tù 7 năm…; Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã ban hành Quyết định số 874 ngày 21/6/2021 về Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội…

Tất cả các quy định của pháp luật mang ý nghĩa nền tảng quan trọng, góp phần bảo vệ mỗi cá nhân và cộng đồng. Ở phương diện này, thiết nghĩ các văn bản quy phạm pháp luật cũng như các thiết chế cần bắt nhịp, thậm chí đi trước một bước so với sự phát triển và luôn phải được cập nhật kịp thời với sự thay đổi, phát triển của cả xã hội để tránh những hậu qủa đáng tiếc xảy ra…

Tuy nhiên, trong thực tế cuộc sống, có những trường hợp xảy ra nhưng rất khó để các cơ quan quản lý có những chế tài để xử lý. Do đó, phải làm thật tốt công tác giáo dục từ nhà trường, làm sao cho văn hóa của việc tôn trọng lẫn nhau được nảy nở nhiều hơn. Văn hóa ứng xử đó cũng phải được nuôi dưỡng trong gia đình, công sở, nhà trường.

Việc quan trọng không kém các quy định của luật, của giáo dục là mỗi cá nhân cần tự trang bị các kiến thức, kỹ năng để tăng “sức đề kháng”, biết tự bảo vệ mình, chống lại các vi rút độc hại, tránh rơi vào bẫy hay trở thành nạn nhân của nạn bạo hành trên mạng…/.

Theo Dangcongsan
Bình luận

Tin khác

Back To Top