Ðề án 06 vì lợi ích người dân

17:18 - Thứ Tư, 15/11/2023 Lượt xem: 5732 In bài viết

ĐBP - Cùng với cả nước, 100% các sở, ban ngành, đơn vị hành chính thuộc tỉnh Ðiện Biên đã và đang quyết liệt tổ chức giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) cho tổ chức, cá nhân trên Cổng Dịch vụ công trực tuyến. Tuy nhiên, bên cạnh khó khăn, vướng mắc về trang thiết bị (điện thoại thông minh, laptop…) thì đa phần người dân còn đang bối rối, ngại thay đổi tư duy và thói quen làm việc theo kiểu truyền thống.

UBND phường Mường Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ giải quyết các thủ tục hành chính cho nhân dân trên môi trường dịch vụ công.

Ðể tháo gỡ khó khăn này, cùng với việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những tính năng, tiện ích, mức độ an toàn về thông tin trên môi trường điện tử khi người dân thực hiện các TTHC thì các cơ quan, ban ngành, tổ chức chính trị xã hội trên địa bàn toàn tỉnh đã có nhiều cách làm sáng tạo, hướng dẫn và hỗ trợ người dân dưới nhiều hình thức khác nhau.

Dưới sự chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Ban Chỉ đạo thực hiện Ðề án 06 các cấp, UBND cấp huyện đã thành lập tổ công tác hỗ trợ TTHC, hướng dẫn thực hiện TTHC trên môi trường điện tử cho cán bộ, công chức cấp xã; UBND cấp xã thành lập Ðội tình nguyện mà nòng cốt là lực lượng công an xã, thanh niên, phụ nữ thực hiện việc tuyên truyền, hướng dẫn, tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ TTHC trực tuyến, giải quyết dịch vụ công trực tuyến toàn trình, một phần qua cổng dịch vụ công trực tuyến tỉnh theo đúng tinh thần “cầm tay chỉ việc”. Các thành viên đội tình nguyện cấp xã trực tiếp đến từng thôn, bản hướng dẫn tổ chức, cá nhân đăng nhập, tạo tài khoản để nộp hồ sơ trực tuyến; giải thích, thông tin cho tổ chức, cá nhân biết, nắm rõ về cách thức theo dõi tiến độ giải quyết TTHC, thời hạn trả kết quả và hướng dẫn, tư vấn lựa chọn hình thức trả kết quả giải quyết TTHC phù hợp.

Cải thiện quy trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến cũng là một bước để giúp người dân từng bước tiếp cận với cách làm mới. Một trong những TTHC mà người dân thực hiện nhiều nhất là việc cấp mới, cấp đổi giấy phép lái xe. Người dân chỉ cần đăng nhập vào cổng dịch vụ công trực tuyến, nhập số giấy phép lái xe và tra cứu; nhập số giấy khám sức khỏe điện tử cùng ảnh chân dung, bản chụp giấy phép lái xe, căn cước công dân hoặc hộ chiếu; bổ sung địa chỉ email và số điện thoại liên hệ. Sau đó chọn hình thức nhận kết quả và thực hiện thanh toán lệ phí giấy phép lái xe là đã hoàn tất quy trình.

Ðể hỗ trợ người dân được tốt nhất, các cơ quan ban ngành đều ban hành quy định yêu cầu đội ngũ cán bộ, công chức mở tài khoản và thường xuyên giao dịch để thành thục và kịp thời cập nhật những thông tin mới giúp người dân được thụ hưởng nhiều hơn, theo kịp với thời đại 4.0, hướng đến chính quyền số, kinh tế số. Việc cầm tay hướng dẫn giải quyết TTHC trên môi trường điện tử giúp cán bộ, công chức cấp xã nâng cao kỹ năng xử lý công việc liên quan đến môi trường điện tử, góp phần nâng cao chỉ số cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh. Ðây là một kênh giải quyết TTHC nhanh chóng, tiện lợi và được xem là nhiệm vụ hàng đầu nhằm phát triển chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, chính quyền số trong giai đoạn mới.

Ông Lường Văn Thơm, bản Co Củ, phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ cho biết: “Nhờ sự hướng dẫn chi tiết từng bước thực hiện, cách đăng nhập, xử lý và nộp hồ sơ trực tuyến của các đồng chí công an phường, tôi đã có thể tự mình thực hiện các thao tác và mở được tài khoản trên Cổng dịch vụ công trực tuyến của tỉnh. Bây giờ, tôi hoàn toàn có thể tự thao tác và hướng dẫn lại cho người dân trong bản và người thân của mình để họ có thể thực hiện TTHC tại nhà, tiết kiệm được thời gian, chi phí đi lại”.

Theo báo cáo của UBND tỉnh, đến thời điểm hiện tại, 100% các cơ quan Nhà nước các cấp đã sử dụng nền tảng Quản lý văn bản và hồ sơ công việc liên thông vào trục liên thông văn bản quốc gia; 100% cán bộ công chức được cấp tài khoản thư điện tử công vụ và có tài khoản cá nhân trên Cổng dịch vụ công quốc gia; 100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp trực tuyến toàn trình và được tích hợp, cung cấp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia. Ðến tháng 9/2023, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã đã tiếp nhận trên hệ thống thông tin giải quyết TTHC của tỉnh gần 100.000 hồ sơ; xử lý hồ sơ đúng hạn, sớm hạn đạt trên 99%; số hồ sơ giải quyết trực tuyến đạt trên 70%. 70,2% doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn toàn tỉnh đã tiếp cận và tham gia chương trình hỗ trợ chuyển đổi số Smedx. Số lượng doanh nghiệp thực hiện nộp thuế điện tử đạt 97,9%. Tỉnh đã đưa 493 sản phẩm lên sàn Postmart, trong đó có 44 sản phẩm OCOP.  Mã địa chỉ bưu chính dựa trên nền tảng bản đồ số được triển khai đến 99% hộ gia đình, trong đó có  78,7% hộ gia đình đã được thông báo địa chỉ số. Tỷ lệ người dân được tiếp cận, hướng dẫn, đào tạo và sử dụng các dịch vụ thiết yếu (chính quyền số, y tế, giáo dục, thông tin, thương mại điện tử, khoa học công nghệ, tài nguyên môi trường) tăng 50% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ lệ người dân được phổ biến và sử dụng ứng dụng VneID và các tiện ích (sổ sức khỏe điện tử, lý lịch tư pháp, kiến nghị phản ánh, lưu trú, tạm trú, tích hợp giấy tờ….) ngày càng tăng. 

Thượng tá Ðinh Thanh Sơn, Trưởng phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (Công an tỉnh) chia sẻ: Việc đăng ký dịch vụ công trực tuyến trước mắt còn nhiều khó khăn, nhất là tại các xã vùng sâu, vùng xa, khu vực đồng bào dân tộc thiểu số, khả năng tiếp cận, sử dụng máy tính, điện thoại thông minh cũng như độ phủ sóng còn hạn chế cũng sẽ là trở ngại lớn trong việc thực hiện các TTHC trên cổng dịch vụ công. Tuy nhiên, với quyết tâm cao nhất, Công an tỉnh Ðiện Biên sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng, chính quyền các cấp tuyên truyền, hướng dẫn và giải đáp vướng mắc của công dân trong thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh việc tiếp nhận, giải quyết các TTHC, từng bước nâng cao hiệu quả, chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên địa bàn.

Bài, ảnh: Hương Giang - Thành Trung  (Công an tỉnh)
Bình luận

Tin khác

Back To Top