ĐBP - Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh, tình hình cháy nổ có diễn biến phức tạp, đặc biệt là đối với các hộ gia đình có nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh gây thiệt hại lớn. Trước thực trạng này, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì người dân cần nâng cao ý thức về phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Theo thống kê, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh xảy ra gần 40 vụ cháy, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Phần lớn nguyên nhân xảy ra cháy là do những bất cẩn của con người, như: Sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt không đúng cách, câu mắc điện sai kỹ thuật, vận hành trang thiết bị sản xuất sai quy trình… Những vụ cháy lớn thường phát hiện không kịp thời, thời gian cháy tự do lâu, hoặc phát hiện sớm nhưng không biết cách xử lý, thiếu phương tiện, thiết bị chữa cháy tại chỗ, báo cháy chậm… Ðiển hình là vụ cháy xảy ra hồi tháng 12/2022 trên địa bàn bản Huổi Vang, xã Mường Mươn, huyện Mường Chà đã thiêu rụi toàn bộ ngôi nhà sàn 4 gian và nhiều đồ dùng sinh hoạt, hàng tạp hóa của gia đình ông Lò Văn Thắng. Nguyên nhân dẫn đến vụ cháy là do gia đình bất cẩn trong lúc vừa nấu ăn vừa tranh thủ làm việc khác, không để ý nên ngọn lửa bùng phát và cháy lan ra nhà. Trong khi đó, ngôi nhà được thiết kế chủ yếu bằng gỗ, mái lợp ngói, phía trước ngôi nhà bố trí gian hàng tạp hóa. Gần đây nhất là vụ cháy tại cơ sở kinh doanh Quà Tây Bắc, đường Nguyễn Hữu Thọ, tổ 5, phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ, xảy ra vào rạng sáng ngày 15/9/2023. Vụ cháy không gây thiệt hại về người nhưng thiệt hại nặng nề về tài sản. Toàn bộ hàng hóa, thiết bị trong cửa hàng đều bị thiêu rụi, ước tính thiệt hại khoảng 3 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy, loại hình nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh rất phổ biến ở các khu dân cư. Thế nhưng, đa phần các chủ hộ đều ít quan tâm đến công tác PCCC; hoặc thiếu kiến thức, kỹ năng PCCC và thoát nạn; không trang bị các thiết bị chữa cháy. Ðiều dễ nhận thấy là nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh có diện tích nhỏ, hẹp nên hàng hóa được sắp xếp thiếu ngăn nắp, tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy, nổ, gây khó khăn công tác tiếp cận chữa cháy và cứu nạn cứu hộ khi sự cố xảy ra.
Nhằm nâng cao trách nhiệm và ý thức của người dân; trang bị kiến thức cơ bản về cháy, nổ, và các biện pháp phòng ngừa, xử lý kịp thời các tình huống cháy, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (Công an tỉnh) luôn chú trọng tuyên truyền, phổ biến. Ðồng thời, vận động mỗi hộ gia đình, cửa hàng kinh doanh có ít nhất 1 người được tập huấn kỹ năng chữa cháy và cứu nạn cứu hộ; mỗi hộ gia đình trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy. Ðối với các thôn, bản, tổ dân phố được hướng dẫn thành lập các mô hình PCCC, nhằm phát hiện kịp thời và xử lý hiệu quả, hạn chế thấp nhất thiệt hại. Ðến thời điểm đầu tháng 9/2023, toàn tỉnh đã thành lập và đưa vào hoạt động gần 160 mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC”; gần 100 điểm chữa cháy công cộng và hơn 880 tổ dân phố, thôn, bản xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an toàn PCCC”.
Ông Lò Văn Pánh, Trưởng bản Tâu 1, xã Hua Thanh, huyện Ðiện Biên cho biết: Thực hiện phương châm toàn dân phòng cháy chữa cháy tại chỗ, bản đã xây dựng mô hình “Tiếng kẻng an toàn PCCC”. Khi có cháy chỉ cần gõ kẻng sẽ huy động được lực lượng PCCC tại chỗ và người dân kịp thời có mặt để chữa cháy, giảm tối đa thiệt hại về người và của.
Thời gian tới, để làm tốt công tác PCCC, hạn chế thấp nhất nguy cơ xảy ra cháy, nổ tại nhà ở, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh, các cấp, ngành chức năng triển khai thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, kiểm tra an toàn về PCCC. Ðẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCC đến người dân; hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng ngừa, thoát nạn khi có cháy, nổ xảy ra. Củng cố và duy trì hoạt động của lực lượng dân phòng; tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ PCCC cho lực lượng dân phòng.
Bên cạnh sự vào cuộc của lực lượng chức năng, người dân cần nâng cao ý thức tuân thủ các quy định về PCCC; chủ động trang bị đầy đủ các phương tiện PCCC theo phương châm “4 tại chỗ”. Mỗi người dân hãy là một nhân tố PCCC tại cơ sở.