Sửa luật nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng

16:53 - Thứ Năm, 23/11/2023 Lượt xem: 3558 In bài viết

Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định.

Chiều 23-11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

So với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5, nhiều nội dung đã được các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý tại dự thảo Luật.

Việc rà soát, hoàn thiện được tiến hành một cách cẩn trọng, kỹ lưỡng, bám sát các đường lối, chủ trương nêu tại Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội cũng như chiến lược phát triển ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Cùng với đó là nhiệm vụ trọng tâm về cơ cấu lại hệ thống tổ chức tín dụng tại Nghị quyết số 31 của Quốc hội về cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021–2025.

Đồng thời, tạo chuyển biến trong quản trị của tổ chức tín dụng, gia tăng sức chống chịu của các tổ chức tín dụng trước những cú sốc từ bên ngoài.

Các giải pháp được xem xét trên cơ sở nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của tổ chức tín dụng, bảo đảm phù hợp với nguyên tắc thị trường, phù hợp với thông lệ quốc tế, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh.

Báo cáo một số vấn đề lớn tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, dự thảo luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý gồm 15 chương và 203 điều. Qua đó tăng 2 chương và 8 điều, trong đó sửa đổi, chỉnh lý 158 điều so với dự thảo luật trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 5.

Về một số nội dung cụ thể, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, dự thảo luật chỉnh lý quy định liên quan đến hạn chế thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.

Đồng thời, trong quá trình tiếp thu, hoàn thiện dự thảo luật, các quy định về can thiệp sớm, kiểm soát đặc biệt, cho vay đặc biệt tổ chức tín dụng là những quy định còn có nhiều ý kiến khác nhau.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).

Về hỗ trợ chi trả tiền gửi cho người gửi tiền trong trường hợp ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt, hiện Luật Bảo hiểm tiền gửi chưa có quy định. Vì thế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho hay, đa số ý kiến đồng thuận bổ sung quy định về việc các ngân hàng được vay đặc biệt tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng đây là dự án luật rất khó, phức tạp, có tính chất nhạy cảm, liên quan đến an ninh tài chính quốc gia, an ninh an toàn của hệ thống các tổ chức tín dụng, ảnh hưởng sâu rộng đến hoạt động kinh tế - xã hội.

Với vai trò rất quan trọng của Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đối với nền tài chính quốc gia, chất lượng của dự án luật là vấn đề phải được đặt lên hàng đầu.

Do đó, đòi hỏi phải nghiên cứu kỹ lưỡng, thận trọng trên cơ sở khoa học và thực tiễn để tránh trường hợp luật sau khi ban hành nếu có bất cập sẽ gây nhiều tác động, nhất là đối với an ninh, an toàn hệ thống ngân hàng và hoạt động kinh tế - xã hội.

Vì vậy, việc Quốc hội xem xét, chưa thông qua dự thảo luật tại kỳ họp thứ 6 mà sẽ xem xét, thông qua tại kỳ họp sau là hết sức cần thiết để các cơ quan có đủ thời gian nghiên cứu rà soát, kỹ lưỡng, thận trọng dự thảo luật.

Sau kỳ họp thứ 6, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp tục chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan hữu quan rà soát, hoàn thiện dự thảo luật.

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top