Cần bảo đảm quyền rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động

08:59 - Thứ Sáu, 24/11/2023 Lượt xem: 3929 In bài viết

Đa số đại biểu Quốc hội cho rằng, cần bảo đảm thỏa đáng nhất quyền rút bảo hiểm xã hội một lần của người lao động khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội.

Sáng 23-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thảo luận tại hội trường dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp.

Hai phương án hưởng bảo hiểm xã hội một lần vẫn chưa khả thi

Nội dung về hưởng bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) được các đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận. Trong đó, việc người lao động hưởng BHXH một lần có xu hướng gia tăng trong thời gian qua là một thực tế đáng lo ngại đối với việc thực hiện mục tiêu an sinh xã hội cho toàn dân.

Đại biểu Sùng A Lềnh (Đoàn Lào Cai) tán thành sự cần thiết phải sửa đổi quy định về BHXH một lần trong dự thảo luật để đạt được mục tiêu mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân.

Tuy nhiên, để có thể khắc phục được tình trạng số lượng người nhận BHXH một lần tăng lên hằng năm như thời gian gần đây, đại biểu cho rằng, cần phải phân tích, đánh giá kỹ lưỡng để xác định nguyên nhân cơ bản của tình trạng này, nhằm có giải pháp căn cơ và có chính sách đồng bộ về BHXH.

Hai phương án hưởng BHXH một lần Chính phủ đề xuất trong dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi):

- Phương án 1: Quy định việc hưởng BHXH một lần đối với hai nhóm lao động khác nhau.

+ Nhóm 1: Đối với người lao động đã tham gia BHXH trước khi Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng BHXH, có nhu cầu thì được nhận BHXH một lần.

+ Nhóm 2: Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ ngày Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) có hiệu lực trở đi (dự kiến 1-7-2025) thì không được nhận BHXH một lần..

- Phương án 2: Sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia BHXH tự nguyện và có thời gian đóng BHXH chưa đủ 20 năm mà người lao động có yêu cầu thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để người lao động tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Tranh luận về nội dung này, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm (Đoàn Tiền Giang) cho rằng cả hai phương án đều không thực hiện được mục tiêu xây dựng luật là mở rộng gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn để thu hút người lao động tham gia BHXH. Từ đó, đại biểu kiến nghị ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu và lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động trực tiếp, có xem xét dưới góc độ giới để có được một phương án thấu đáo, đáp ứng được quyền lợi thực chất và nguyện vọng của người lao động về việc hưởng BHXH một lần.

“Tôi ủng hộ phương án người lao động vẫn được rút BHXH một lần và được rút một cách thỏa đáng nhất có thể. Ngoài ra, cần có các hình thức hỗ trợ song song như tín dụng vốn vay ưu đãi cho người lao động kèm theo công tác vận động truyền thông để thay đổi nhận thức, hành vi giúp mọi người nhận diện được lợi ích lâu dài của việc tham gia BHXH, từ đó tự nguyện cam kết thực hiện”, đại biểu Nguyễn Thanh Cầm nói.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) tranh luận.

Cùng phát biểu tranh luận, đại biểu Phạm Văn Thịnh (Đoàn Bắc Giang) cho rằng, quan điểm là nhà nước chỉ nên giữ chân người lao động bằng các lợi ích chứ không nên đặt ra các hạn chế trong hưởng BHXH một lần. Đại biểu Phạm Văn Thịnh đề xuất giải pháp cho phép người lao động rút BHXH một lần nhưng thông qua trung gian là Ngân hàng Chính sách xã hội.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Nga (Đoàn Quảng Bình) cho rằng cần có một giải pháp đồng bộ để bảo vệ người lao động và để người lao động không muốn rút BHXH lần. Đại biểu cho rằng phương án linh hoạt nhất là không cấm người lao động rút BHXH một lần. Tuy nhiên, phải quy định hết sức chặt chẽ, khắt khe điều kiện được rút BHXH một lần.

Đại biểu Tô Văn Tám (Đoàn Kon Tum) đề nghị cần tôn trọng, ghi nhận quyền của người đóng BHXH khi họ không còn điều kiện tham gia. Đồng thời nên quy định theo hướng là người lao động được lựa chọn hưởng BHXH một lần và khi đó chỉ được rút phần mình đã đóng, còn phần mà người sử dụng lao động đóng thì được Nhà nước bảo lưu để người lao động tiếp tục đóng hoặc hưởng khi hết độ tuổi lao động.

Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) thảo luận về mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc.

Cân nhắc mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc

Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã mở rộng 5 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Đại biểu Trần Thị Thanh Hương (Đoàn An Giang) cho rằng, vấn đề cần quan tâm là trong nhóm đối tượng dự kiến được mở rộng, như: Nhóm người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; nhóm người làm việc không trọn thời gian; nhóm người quản lý, điều hành hợp tác xã đều là những người có thu nhập thấp, chính vì vậy, đề nghị cần tiếp tục rà soát và đánh giá kỹ hơn các tác động của các chính sách liên quan về bảo hiểm y tế, BHXH một lần, xác định rõ chủ thể sử dụng lao động và việc bảo đảm kinh phí để đóng bảo hiểm xã hội… Để qua đó các chính sách thực sự khả thi và thuận tiện cho quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (Đoàn Hưng Yên) nhấn mạnh, theo báo cáo đánh giá tác động chính sách trong dự án luật, có gần 2 triệu hộ đăng ký kinh doanh, khoảng 270.000 người hoạt động không chuyên trách ở thôn tổ dân phố, chưa kể ba nhóm đối tượng còn lại chưa có thống kê cụ thể.

“Thực tiễn vừa qua cho thấy, tình trạng trốn, nợ đóng BHXH đối với các đối tượng dễ quản lý và dễ xử lý hơn vẫn chưa được giải quyết triệt để. Do đó, nếu mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như dự thảo luật, cần phải có chế tài quy định kiểm soát và thực hiện nghiêm xử lý, xử phạt, để bảo đảm tính hiệu lực, hiệu quả của các quy định”, đại biểu Đoàn Hưng Yên nói.

Đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) thảo luận.

Nêu thực tế hiện nay, đại biểu Nguyễn Hoàng Uyên (Đoàn Long An) cho rằng có rất nhiều trường hợp lao động đặc thù mà không có giao kết hợp đồng lao động, không xác định được tiền lương, tiền công ổn định hằng tháng để làm cơ sở cho việc đóng BHXH bắt buộc hay tự nguyện. Do đó, cần có quy định chặt chẽ hơn về nhóm đối tượng này khi đưa vào đối tượng đóng BHXH bắt buộc, để có thể bảo vệ tối đa quyền lợi của người lao động.

Đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (Đoàn thành phố Hồ Chí Minh) đề xuất đưa đối tượng tài xế xe công nghệ hoặc nhóm lao động trên nền tảng công nghệ thuộc nhóm đối tượng bổ sung tham gia BHXH bắt buộc.

“Hiện nay, nền kinh tế việc làm tự do đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam, tài xế xe công nghệ hoặc giao hàng công nghệ là lực lượng lao động quan trọng trong lĩnh vực này và không ngừng tăng về số lượng. Theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nhóm đối tượng này về bản chất là tồn tại quan hệ lao động”, đại biểu nêu rõ.

Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung phát biểu làm rõ một số ý kiến.

Phát biểu làm rõ một số ý kiến đại biểu Quốc hội nêu, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung nêu rõ quy định hưởng BHXH một lần là vấn đề lớn, quan trọng, nhạy cảm, vừa có tính chất chính trị - xã hội nhưng cũng có tính chất chuyên môn rất cao. Do đó, Ban soạn thảo và Chính phủ sẽ tiếp tục cân nhắc thấu đáo, nghiên cứu, lấy thêm ý kiến của các đối tượng thụ hưởng, của người sử dụng lao động.

“Để đưa ra phương án hưởng BHXH một lần cần hướng tới hai mục tiêu cơ bản. Thứ nhất là đáp ứng được nhu cầu chính đáng của người tham gia BHXH là vẫn có quyền để giúp BHXH. Thứ hai là phải phấn đấu để giữ chân người lao động trong hệ thống, bảo đảm an sinh xã hội và chăm lo cho người dân khi về già là có lương hưu bảo đảm cuộc sống”, Bộ trưởng cho rằng hiện khó có thể đưa ra một phương án tối ưu mà sẽ đi theo phương án nhiều ưu điểm hơn.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top