Hạn chế số người rút bảo hiểm xã hội 1 lần:

Cần có giải pháp tín dụng cho người lao động

15:02 - Thứ Sáu, 24/11/2023 Lượt xem: 4100 In bài viết

Cứ 2 người mới tham gia, lại có 1 người rời khỏi hệ thống bảo hiểm xã hội (BHXH). Đây là thực trạng đáng báo động cho hệ thống an sinh xã hội. Câu chuyện số người rút BHXH 1 lần tăng nhanh thời gian qua cũng đang là vấn đề nóng trên nghị trường Quốc hội.

Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt nhiều chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp liên quan đến vấn đề này.

Xây dựng hệ thống tín dụng cho công nhân lao động là biện pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng rút bảo hiểm xã hội 1 lần. Ảnh minh họa.

Con số đáng báo động

Theo số liệu của BHXH Việt Nam, hiện số người tham gia BHXH 1 lần khoảng 17,5 triệu người (số người tham gia BHXH bắt buộc khoảng hơn 16 triệu người, số người tham gia BHXH tự nguyện gần 1,5 triệu người). Giai đoạn 2016 - 2022, cả nước có hơn 4,9 triệu lượt người lao động đề nghị và được giải quyết hưởng BHXH 1 lần. Số người hưởng BHXH 1 lần năm sau luôn cao hơn năm trước với tốc độ tăng trung bình mỗi năm khoảng 10%/năm. Riêng trong năm 2022, số trường hợp được giải quyết chế độ hưởng BHXH 1 lần là gần 1 triệu người. Từ đầu năm 2023 đến nay, số người nhận BHXH 1 lần tiếp tục tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại.

Theo Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam Đào Việt Ánh, trong 2 năm vừa qua, số người rút BHXH 1 lần tăng 18 - 20% so với cùng kỳ. Tỷ lệ lao động trẻ rút BHXH 1 lần ngày càng nhiều bởi có tâm lý chỉ quan tâm đến nhu cầu trước mắt hơn là nhu cầu hưởng lương hưu khi về già. Chính vì thế trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đã thiết kế 2 phương án để điều chỉnh. "Trong 2 phương án này vẫn có phương án cho người lao động sẽ tiếp tục nhận BHXH 1 lần. Tuy nhiên, thực tế BHXH 1 lần chỉ giải quyết được nhu cầu trước mắt, vì vậy rất mong người dân hiểu rõ bản chất của BHXH để ở lại hệ thống, sau này hưởng chế độ hưu trí khi về già", ông Ánh cho hay.

Mất cơ hội được hưởng lương hưu khi về già không được hưởng quyền lợi cấp thẻ BHYT miễn phí để chăm sóc sức khoẻ, trong khi đây là độ tuổi thường xuyên đau ốm, mất đi chế độ tử tuất như tiền mai táng phí, trợ cấp tuất một lần, thậm chí là các suất tuất hàng tháng (cho con dưới 18 tuổi, vợ/chồng, bố mẹ hết tuổi lao động theo quy định). Đây là những thiệt thòi khi người lao động rời khỏi hệ thống BHXH, chính vì thế mọi người cần cân nhắc thật kỹ trước khi quyết định rút BHXH 1 lần, đó là lời khuyên của TS Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội.

"Không những thế khi người lao động rút BHXH 1 lần còn thiệt cả về kinh tế. Với mức 22% tiền lương tháng đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất thì một năm tổng mức đóng là 2,64 tháng lương. Trong khi mức hưởng BHXH 1 lần cho mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014 và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH 1 lần, người lao động sẽ bị thiệt khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014 và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014", TS Nguyễn Thị Lan Hương phân tích.

Xây dựng hệ thống tín dụng cho công nhân lao động là biện pháp hữu hiệu hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần.

Giải pháp nào cho vấn đề nóng?

Trước vấn đề đang khá "nóng" này, ngày 13/11, Văn phòng Chính phủ đã có công văn truyền đạt nhiều chỉ đạo quan trọng của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến tình trạng này. Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội chủ trì phối hợp với BHXH Việt Nam và các bộ, cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất giải pháp để hạn chế tình trạng nợ lương, nợ BHXH, tự ý cắt giảm lao động, người lao động đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH 1 lần.

Trước làn sóng rút BHXH 1 lần tăng mạnh, Thủ tướng yêu cầu nghiên cứu, đề xuất giải pháp hạn chế tình trạng rút BHXH 1 lần, đồng thời tạo điều kiện cho người đã rút BHXH 1 lần quay trở lại đóng tiếp. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi đưa ra 2 phương án về vấn đề này, phương án 1 cho phép rút với một số điều kiện, phương án 2 chỉ cho phép người lao động được rút tối đa không quá 50%. Các phương án này cũng đang nhận được nhiều ý kiến trái chiều. Vậy đâu là giải pháp cho vấn đề đang được dư luận hết sức quan tâm này?

Theo TS Doãn Mậu Diệp, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, thực trạng người lao động lựa chọn hưởng BHXH 1 lần với mỗi năm khoảng 600 - 700 nghìn người rút đã diễn ra trong những năm qua và pháp luật về BHXH cũng đã có những quy định nhằm hạn chế và định hướng người lao động trong việc quyết định lựa chọn hình thức bảo lưu thời gian đóng để hướng tới chế độ hưu trí lâu dài, nhằm tối ưu hóa quyền lợi BHXH. Tuy nhiên, trong bối cảnh thực tiễn hiện nay, khi mà điều kiện về việc làm, thu nhập còn thiếu ổn định, đời sống của người lao động còn gặp nhiều khó khăn nên số lượng lao động rút BHXH 1 lần vẫn cao như thế.

"Do đó, để giải quyết thực trạng này cần thực hiện một cách đồng bộ các giải pháp mà Nghị quyết số 28-NQ/TW cũng đã đề cập tới. Giải pháp căn cơ là có các giải pháp kinh tế vĩ mô nhằm tạo sự ổn định về môi trường kinh doanh, việc làm và thu nhập cho người lao động. Đây có thể nói là giải pháp căn cơ nhất để giúp duy trì việc làm, ổn định thu nhập và khả năng đóng góp của người lao động. Một giải pháp nữa là phải sửa đổi chính sách BHXH theo hướng tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian, giảm quyền lợi nếu hưởng BHXH 1 lần. Cùng với đó, là các giải pháp như nghiên cứu sửa đổi chính sách bảo hiểm thất nghiệp theo hướng chú trọng các giải pháp phòng ngừa, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm thay vì chỉ tập trung các giải pháp xử lý hậu quả", TS Doãn Mậu Diệp cho hay.

Một giải pháp khác theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Ngọ Duy Hiểu là cần xây dựng một hệ thống tín dụng dành cho công nhân lao động. "Hệ thống tín dụng dành cho công nhân hiện nay chưa có, họ muốn vay vốn theo diện hộ nghèo cũng rất khó tiếp cận. Để đảm bảo quyền lợi của người lao động thì hỗ trợ tài chính trong lúc cấp bách là biện pháp hữu hiệu để họ khoan nghĩ đến rút BHXH 1 lần và không thành nạn nhân của tín dụng đen", ông Hiểu nói và cho biết, tình trạng hiện nay cứ 2 người mới gia nhập thì 1 người rời hệ thống BHXH là tình trạng đáng lo ngại cho an sinh xã hội trong tương lai, do đó về lâu dài cần có biện pháp kỹ thuật, hỗ trợ tài chính để giảm thiểu tình trạng rút BHXH 1 lần mà không làm suy giảm quyền lợi của lao động.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam luôn theo đuổi đề xuất khi sửa luật là không suy giảm quyền lợi của người lao động. Do đó, 2 phương án đưa ra trong dự thảo Luật BHXH sửa đổi nhằm hạn chế số người rút BHXH 1 lần thì cần có sự hỗ trợ về tài chính cho những người đang rất khó khăn bởi việc làm và thu nhập với lao động ở một số nhóm ngành nghề hiện đang rất căng thẳng.

Theo CAND
Bình luận

Tin khác

Back To Top