Phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới: Nhân rộng những mô hình hiệu quả

09:01 - Thứ Tư, 06/12/2023 Lượt xem: 4359 In bài viết

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các nước khu vực ASEAN góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “cùng nhau hành động để tạo ra một nền văn hóa không khoan nhượng với bạo lực trên cơ sở giới”.

Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các nước khu vực ASEAN do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UN Women) tại Việt Nam đồng tổ chức ngày 5-12 tại Hà Nội góp phần thực hiện hiệu quả mục tiêu “cùng nhau hành động để tạo ra một nền văn hóa không khoan nhượng với bạo lực trên cơ sở giới”.

Các diễn giả tại Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm triển khai các mô hình phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới tại Việt Nam và các nước khu vực ASEAN, ngày 5-12.

Nhiều cách làm thiết thực

Hàng loạt cách làm, mô hình hay trong công tác phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới đã được chia sẻ tại hội thảo. Đó là các mô hình: “Thành phố an toàn, thân thiện với trẻ em gái”, “Nam giới tiên phong phòng, ngừa bạo lực phụ nữ và trẻ em”, “Người cha trách nhiệm”, “Huy động cộng đồng phòng ngừa bạo lực với phụ nữ”, “Ngôi nhà bình yên”, “Ngôi nhà Ánh Dương”, “Trung tâm một cửa hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại”…

Chia sẻ về hiệu quả công tác huy động cộng đồng tham gia phòng, ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ thành phố Đà Nẵng Lương Thị Đạo cho biết, điểm nổi bật trong xây dựng mô hình và huy động lực lượng nam giới tại cộng đồng tham gia phòng, ngừa, ứng phó với bạo lực phụ nữ và trẻ em chính là Câu lạc bộ “Nam giới tiên phong phòng, ngừa bạo lực phụ nữ và trẻ em”. Được thành lập thí điểm từ năm 2014 từ dự án “Huy động cộng đồng phòng, ngừa, ứng phó bạo lực với phụ nữ và trẻ em” do UN Women hỗ trợ kỹ thuật, đến nay, mô hình này đã được nhân rộng tại cơ quan Công an thành phố và các quận, huyện, nâng tổng số lên 21 câu lạc bộ. Nhờ đó, vai trò nam giới trong phòng, ngừa bạo lực phụ nữ và trẻ em được tăng cường...

Một trong những mô hình được duy trì hiệu quả, lâu dài là mô hình “Ngôi nhà bình yên”. Phó Giám đốc Trung tâm Phụ nữ và Phát triển, Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thúy Hiền cho biết, mô hình “Ngôi nhà bình yên” tại Việt Nam chính thức ra đời năm 2007, nhằm hỗ trợ kịp thời, khẩn cấp và toàn diện cho nạn nhân, giúp phục hồi sức khỏe thể chất và tinh thần, bảo vệ quyền lợi hợp pháp, tạo điều kiện để tái hòa nhập an toàn và bền vững. Khi đến với “Ngôi nhà bình yên”, người tạm trú được cung cấp gói dịch vụ hỗ trợ toàn diện, bao gồm: Nơi ăn, ở an toàn; khám và điều trị, phục hồi sức khỏe thể chất; tư vấn ổn định, phục hồi sức khỏe tâm thần; tư vấn, hỗ trợ pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích; hỗ trợ văn hóa và học nghề, giới thiệu việc làm; hướng dẫn, tập huấn kỹ năng sống. Nạn nhân bị bạo lực gia đình và xâm hại tình dục sẽ được hỗ trợ trong 3 tháng và nạn nhân bị mua bán trở về sẽ được hỗ trợ trong 6 tháng...

Sau 16 năm hoạt động, “Ngôi nhà bình yên” đã tiếp nhận và hỗ trợ 1.644 người đến từ 56 tỉnh, thành phố và 17 vùng dân tộc thiểu số. Các trường hợp đến với “Ngôi nhà bình yên” thường bị bạo lực nặng nề, lâu dài, bị ảnh hưởng tâm lý nghiêm trọng nên 100% nạn nhân đều được hỗ trợ tham vấn tâm lý xã hội (trung bình 16 lượt/người); tiếp đến là dịch vụ hỗ trợ pháp lý (trung bình 7 lượt/người) nhằm bảo đảm các quyền lợi về nuôi con, phân chia tài sản, làm lại các giấy tờ pháp lý…

Chung tay xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới

Khẳng định cam kết cùng hành động để xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới, Quyền Trưởng đại diện UN Women tại Việt Nam Caroline Nyamayemombe cho biết: “Năm nay, Chiến dịch đoàn kết toàn cầu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đầu tư tài chính cho phòng, ngừa bạo lực trên cơ sở giới. Trên toàn cầu, ước tính việc thực hiện các chương trình phòng, ngừa và ứng phó nhằm chấm dứt bạo lực trên cơ sở giới ở 132 quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vào năm 2030 sẽ cần tới 42 tỷ USD. Việc đầu tư cho các hoạt động phòng ngừa bạo lực từ sớm không chỉ tốt hơn cho phụ nữ, trẻ em và hộ gia đình, mà còn mang lại những lợi ích bền vững cho nền kinh tế”.

Thừa nhận tình trạng bạo lực trên cơ sở giới ở Việt Nam vẫn tồn tại, cả trong gia đình và ngoài cộng đồng, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) Lê Khánh Lương nhấn mạnh: “Một trong các giải pháp hữu hiệu là phải duy trì, nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả, vận hành hiệu quả mạng lưới đối tác hành động phòng, ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới, đồng thời, xây dựng và phát hành danh bạ các cơ quan, tổ chức cung cấp dịch vụ hỗ trợ phụ nữ và trẻ em bị bạo lực, xâm hại; xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về cơ sở cung cấp dịch vụ...”.

Tin tưởng rằng, trong thời gian tới, trên cơ sở đúc rút bài học của các mô hình, công tác phòng, ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới hứa hẹn sẽ có những bước chuyển mới.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top