Nâng cao, cải thiện đời sống cho lao động đặc thù

08:53 - Thứ Bảy, 09/12/2023 Lượt xem: 4709 In bài viết

ĐBP - Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, những năm qua, tỉnh Ðiện Biên đã giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động. Trong đó, các chính sách hỗ trợ giải quyết việc làm cho đối tượng đặc thù, gồm: Người chấp hành xong án phạt tù, người khuyết tật, quân nhân xuất ngũ... đã được cấp ủy, chính quyền địa phương, ngành chức năng quan tâm triển khai, góp phần ổn định cuộc sống cho những đối tượng theo quy định.

Sau thời gian chấp hành án phạt tù, tháng 9/2021, Lê Văn Công, bản Xóm Trợ, xã Mùn Chung (huyện Tuần Giáo) trở về địa phương. Dù luôn ý thức phải cố gắng, nỗ lực vươn lên để thay đổi cuộc sống nhưng anh Công gặp không ít khó khăn. Tiền công làm thuê bấp bênh không đủ lo toan chi phí sinh hoạt trong gia đình. Anh Công cho biết: Lúc đó tôi chỉ nghĩ phải tập trung phát triển chăn nuôi, sản xuất thì mới bền vững được. Chứ cứ làm thuê khắp nơi sẽ không thể ổn định. Nhưng kiếm đâu ra vốn để làm lại khiến tôi chùn bước. Ðang lúc khó khăn thì tôi may mắn được hỗ trợ của tổ chức chính trị xã hội nhận ủy thác cho vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất thấp. Nguồn vốn 100 triệu đồng tôi đầu tư mua trâu để phát triển chăn nuôi.

Nhằm hỗ trợ cho những người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng và làm lại cuộc đời, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh đã và đang phối hợp với cơ quan công an, chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác thực hiện rà soát, tìm hiểu nhu cầu vay vốn của đối tượng này. Theo khảo sát, từ nay đến cuối năm 2023, trên địa bàn tỉnh có 14 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương được vay vốn với số tiền 1,4 tỷ đồng từ nguồn vốn Trung ương.

Toàn tỉnh hiện có hơn 6.000 người khuyết tật, trong đó 2.647 người khuyết tật nặng, gần 1.000 người khuyết tật đặc biệt nặng. Ðối với đối tượng người khuyết tật, việc làm là chìa khóa quyết định để ổn định cuộc sống, được bình đẳng với lao động khác. Ðể bảo đảm quyền có việc làm của người khuyết tật, Nhà nước đang nỗ lực tạo những điều kiện cần thiết, hỗ trợ tài chính, cho vay vốn hoặc miễn, giảm thuế và áp dụng các biện pháp khuyến khích để người lao động có khả năng tự giải quyết việc làm. Cùng với đó, các cơ quan chức năng liên quan đã thực hiện một số giải pháp trọng điểm nhằm hỗ trợ người khuyết tật, như nâng cao nhận thức, khả năng tiếp cận cơ chế, chính sách việc làm, sinh kế cho người khuyết tật.

Kết quả từ năm 2022 đến 31/10/2023, trên địa bàn tỉnh có 184 lao động là người khuyết tật được vay vốn hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm. Hoạt động vay vốn giải quyết việc làm đã tạo thêm động lực giúp người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống, giảm bớt gánh nặng cho xã hội.

Thực hiện chính sách hỗ trợ việc làm cho đối tượng đặc thù, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ đạo các phòng chuyên môn, đơn vị trực thuộc chủ động liên hệ, có kế hoạch tổ chức công tác hỗ trợ việc làm kịp thời cho các đối tượng trên. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, công tác giải quyết việc làm cho đối tượng đặc thù được xây dựng kế hoạch và phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các buổi tư vấn, định hướng nghề nghiệp trực tiếp.

Tháng 6/2023, 2 hội nghị tuyên truyền, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm, học nghề cho các phạm nhân đã được tổ chức tại Trại giam Nà Tấu (Bộ Công an) và Trại tạm giam Công an tỉnh. Hơn 260 phạm nhân chấp hành xong án phạt tù và người chuẩn bị chấp hành xong án phạt tù được tư vấn, cung cấp thông tin về đào tạo nghề, kỹ năng tiếp cận việc làm, thông tin về tuyển dụng và dự báo những ngành nghề trong thời gian tới. Ðồng thời, tìm hiểu các quy định liên quan tới vấn đề vay vốn, giải quyết việc làm cho phạm nhân sau khi được đặc xá trở về địa phương. Thị trường xuất khẩu lao động tại các nước, các ngành nghề xuất khẩu lao động; các chính sách, hỗ trợ cho vay khi tham gia xuất khẩu lao động của tỉnh.

Phạm nhân Vàng A Tính, tại Trại giam Nà Tấu cho biết: Sau khi tìm hiểu các thông tin về việc làm, tôi đã suy nghĩ lựa chọn công việc, ngành nghề phù hợp với trình độ học vấn, khả năng, tay nghề của bản thân sau khi chấp hành xong án phạt tù. Tôi sẽ phấn đấu, tích cực học tập, lao động, cải tạo, nghiêm túc chấp hành án để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật, sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành công dân có ích cho xã hội.

Cùng với đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm còn phối hợp với Trung tâm huấn luyện - Phòng tổ chức cán bộ Công an tỉnh tổ chức tư vấn, tuyên truyền, định hướng nghề nghiệp, giới thiệu việc làm cho 173 chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ chuẩn bị xuất ngũ. Sau buổi tư vấn, 43 chiến sĩ đã đăng ký tìm hiểu thông tin thị trường xuất khẩu lao động Nhật Bản.

Bà Nguyễn Thị Thủy, Quyền Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh cho biết: Lực lượng quân nhân xuất ngũ là một trong những đối tượng được Trung tâm ưu tiên tư vấn, giới thiệu việc làm. Các đơn vị tuyển dụng luôn mong muốn có được nguồn lao động là bộ đội xuất ngũ, vì lực lượng này có ưu điểm về kiến thức, tác phong nền nếp, sinh hoạt, sức khỏe tốt. Sự quan tâm truyền thông, định hướng sớm của các đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chính quyền địa phương nhằm tạo cơ hội việc làm, ổn định cuộc sống cho quân nhân xuất ngũ.

Có thể thấy, các chương trình hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho đối tượng đặc thù đang được ngành liên quan triển khai, thực hiện tại các địa phương trong tỉnh với các chính sách phù hợp, đúng đối tượng. Việc thực hiện đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu thay đổi nhận thức, khơi gợi sự tự tin, ý thức vươn lên của những đối tượng đặc thù, góp phần nâng cao và cải thiện đời sống.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top