Góc nhìn – Tiêu điểm

Lao động tự phát

09:45 - Thứ Năm, 14/12/2023 Lượt xem: 4487 In bài viết

ĐBP - Những năm qua, phong trào người lao động trên địa bàn tỉnh đi làm thuê tại các tỉnh, thành phố khác khá sôi động. Có thời điểm, trên những chuyến xe khách chạy đêm, hầu hết hành khách là người đi làm thuê. Phần lớn trong đó là lao động người dân tộc thiểu số.

Không ít lao động nông thôn đã tìm được việc làm tốt, thu nhập cao, có tiền gửi về xây dựng nhà cửa, mua sắm đồ đạc sinh hoạt. Song những trường hợp này hầu hết là lao động trong liên kết đào tạo - việc làm, kết nối việc làm giữa chính quyền địa phương với các cụm, khu công nghiệp hoặc với các tổ chức, đơn vị được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực lao động - việc làm.

Còn phần lớn lao động nông thôn trên địa bàn tỉnh đi làm ăn xa theo hình thức tự phát.

Khu vực vùng cao đất canh tác ít, chủ yếu là đất dốc, nhanh bạc màu, lao động vất vả cũng chỉ đủ ăn. Chưa kể, gặp thời tiết không thuận lợi thì mất mùa là điều khó tránh khỏi. Rất nhiều hộ dân phải trông chờ vào gạo cứu đói của Nhà nước. Thế nên người dân đi làm thuê kiếm sống, nuôi con ăn học cũng là nhu cầu tất yếu.

Nhưng việc đi lao động tự phát tiềm ẩn nhiều rủi ro. Những lao động nông thôn đi làm thuê theo phong trào tự phát hầu hết chưa được đào tạo nghề. Hành trang đi làm chỉ có sức lao động cơ bắp. Thiếu kiến thức chuyên môn, thiếu hiểu biết xã hội, pháp luật nên người làm thuê tự do làm việc cho người sử dụng lao động theo kiểu “thuận mua vừa bán”. Các chế độ như: Tiền lương, bảo hiểm, ăn nghỉ... là do chủ thuê và người làm thuê tự thỏa thuận với những thiệt thòi luôn thuộc về lao động vùng cao vốn hạn chế hiểu biết. Nếu chẳng may xảy ra bất trắc, hậu quả đều do người lao động tự gánh lấy.

Với hình thức “bán sức” thì công việc của lao động tự do cũng không đòi hỏi cao về kỹ thuật, tương ứng là mức lương cũng không cao. So với làm nương, làm ruộng thì đi làm thuê có thể thu nhập cao hơn. Nhưng đi làm xa nhà, chi tiêu đắt đỏ, người làm thuê phải biết tiết kiệm mới giữ được tiền gửi về giúp gia đình. Không ít trường hợp khi trở về không có đồng nào.

Đối với nhóm lao động tự do, công việc họ làm tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây tai nạn lao động. Trong khi họ chưa được đào tạo chuyên môn, không được trang bị kiến thức an toàn lao động, không có hợp đồng, không bảo hiểm. Hệ lụy là khi xảy ra sự cố, ốm đau hay tai nạn, người lao động tự gánh chịu mọi đường.

Đối với địa phương có nhiều lao động nông thôn “ly hương kiếm sống xứ người” cũng bị ảnh hưởng. Do phần lớn thanh niên khỏe mạnh đi làm ăn xa, ở lại chủ yếu là người già và trẻ em, dẫn đến việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch về nguồn nhân lực để phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sẽ gặp khó khăn.

Thế nhưng, để lao động nông thôn “ly nông bất ly hương” lại là bài toán khó. Không thể giải quyết trong một sớm một chiều mà cần những giải pháp căn cơ.

Đó là việc xây dựng chính sách, chương trình gắn kết giữa đầu tư phát triển kinh tế - xã hội với giải quyết việc làm cho người lao động tại chỗ. Quan tâm ưu tiên hộ dân có ít đất sản xuất, để người dân có việc làm, yên tâm lao động ngay tại quê mình.

Đó là việc quan tâm công tác dạy nghề cho lao động nông thôn để người lao động tự tạo việc làm. Đó là việc liên kết với các công ty, doanh nghiệp hợp đồng một số ngành nghề phù hợp với trình độ tay nghề của lao động địa phương.

Đó còn là việc thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các chính sách, quy định về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, an toàn vệ sinh lao động…

Là công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho lao động về các chính sách, chế độ an sinh xã hội để được bảo vệ và tự bảo vệ mình.

Duy Bình
Bình luận

Tin khác

Back To Top