Vấn đề kỳ này

Quan tâm hơn nữa công tác XĐGN

08:21 - Thứ Bảy, 16/12/2023 Lượt xem: 4167 In bài viết

ĐBP - Một trong những vấn đề được cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp tỉnh Điện Biên quan tâm chỉ đạo, thực hiện riết róng thời gian qua là tập trung XĐGN, đảm bảo an sinh xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đầu tư các chương trình, dự án trọng điểm, cấp bách, có tính liên kết vùng, khu vực… tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan, UBND các huyện, thị triển khai nhanh, hiệu quả 3 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 - 2025. Việc lựa chọn các hợp phần, tiểu dự án giảm nghèo đảm bảo sát thực tế, đáp ứng nguyện vọng nhân dân. Lồng ghép các nguồn vốn để triển khai các chương trình, dự án một cách hiệu quả, tập trung nhất; hạn chế đầu tư dàn trải; phát huy vai trò dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát… Nhờ đó đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên, bộ mặt nông thôn không ngừng khởi sắc.

Giai đoạn 2021 - 2023, riêng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững của tỉnh là trên 1.370 tỷ đồng (gồm vốn Trung ương và ngân sách địa phương). Năm 2023, tỉnh triển khai 7 dự án của Chương trình giảm nghèo, nguồn vốn thực hiện trên 984 tỷ đồng. Đến 30/11 đã giải ngân trên 475 tỷ đồng, đạt 48,24% so với kế hoạch.

Dù nguồn vốn năm nay Trung ương phân bổ muộn, nhưng tỉnh đã chủ động các kế hoạch chỉ đạo, xây dựng và ban hành văn bản quản lý, tổ chức thực hiện phân bổ, lồng ghép vốn, để khi có tiền là chuyển ngay cho các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, thị triển khai thực hiện. Vốn năm 2022, 2023 đến nay đã phân bổ 100% cho các cơ quan, đơn vị, tạo điều kiện đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án thuộc Chương trình.

Nhờ đó, số hộ nghèo toàn tỉnh giảm 5.412 hộ, giảm 4,32% so với năm 2022. Riêng tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo giảm xuống còn 38,07%, giảm 6,34% so với năm 2022. Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số mỗi năm giảm trên 5%. 100% huyện nghèo được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản. Đã xây dựng, nhân rộng trên 200 mô hình, dự án giảm nghèo hỗ trợ phát triển sản xuất. 100% người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo có nhu cầu được hỗ trợ kết nối, tư vấn, định hướng nghề nghiệp, cung cấp thông tin thị trường lao động, hỗ trợ tìm việc làm. Đào tạo nghề 8.300 lao động, giải quyết việc làm cho 9.100 lao động; 100% cán bộ làm công tác giảm nghèo được tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ…

Kết quả XĐGN trên địa đạt tỉnh được là rất tích cực, tuy nhiên chưa thực sự bền vững. Tỷ lệ hộ nghèo, chênh lệch thu nhập giữa các hộ, nhóm hộ, các vùng, các dân tộc còn cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố gia tăng khoảng cách giàu - nghèo. Tình trạng thiếu đất canh tác nông nghiệp còn tồn tại ở nhiều vùng. Các điều kiện khó khăn hội tụ ở người nghèo nhiều nên khó khắc phục ngay được. Một bộ phận người nghèo, hộ nghèo còn lúng túng để tự lựa chọn phương thức thoát nghèo...

Xác định XĐGN là chủ trương lớn, nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị. Với điều kiện đặc thù như tỉnh ta, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, giao thông cách trở, thiên tai, lũ lụt xảy ra nhiều… thì công tác XĐGN, đảm bảo an sinh xã hội cho người dân càng cần được quan tâm, chú trọng.

Do vậy, phải huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân tham gia chính sách giảm nghèo. Chương trình giảm nghèo phải được thực hiện đồng bộ với Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới và các chương trình hỗ trợ có mục tiêu khác. Cần tập trung hỗ trợ mở rộng sinh kế, phát triển sản xuất, tăng thu nhập và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản, thiết yếu cho người nghèo. Các chính sách hỗ trợ phải thiết kế khoa học, hợp lý để hộ nghèo, hộ cận nghèo dễ dàng tiếp cận, triển khai; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, bền vững...

Chương trình giảm nghèo triển khai chủ yếu vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, nên công tác tuyên truyền phải đặc biệt được quan tâm, chú trọng. Đa dạng hình thức tuyên truyền để làm chuyển biến nhận thức của người dân trong công tác giảm nghèo. Bà con ý thức được trách nhiệm của mình, từ đó tự vươn lên thoát nghèo, tránh tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước. Khi người dân phát huy tinh thần tự lực, tự trọng, có khát vọng và chủ động nỗ lực phấn đấu vươn lên thì công cuộc XĐGN mới đạt như kỳ vọng.

Tùng Lĩnh
Bình luận

Tin khác

Back To Top