Tự phát xây bờ rào trên đất lúa cánh đồng Mường Báng

17:11 - Thứ Năm, 28/12/2023 Lượt xem: 5262 In bài viết

ĐBP - Cánh đồng Mường Báng có diện tích lớn nhất huyện Tủa Chùa, rộng hơn 100ha. Để bảo vệ diện tích đất lúa không bị xói mòn, giữ nước, gần đây người dân ồ ạt xây dựng bờ rào kiên cố bằng xi măng xung quanh các thửa ruộng của gia đình mình.

Người dân thị trấn Tủa Chùa xây dựng bờ rào kiên cố trên diện tích đất ruộng của gia đình.

Cánh đồng Mường Báng những ngày cuối năm chỉ còn chân rạ nhưng đông vui, nhộn nhịp như ngày mùa. Nhà nhà, người người xuống đồng không phải để thu hoạch lúa hay cày bừa, làm đất, gieo mạ… mà họ xuống đồng xây dựng bờ rào. Trên khắp cánh đồng, đâu cũng thấy người trộn vữa, người chở đá, nước, xây bờ bao quanh ruộng của gia đình mình.

Gia đình ông Lò Văn Quyến, thôn Phai Tung, xã Mường Báng đang tất bật trộn vữa, đổ kè, xây những mét bờ rào cuối cùng quanh ruộng của mình. Ông Quyến chia sẻ: Nhà tôi có 1.900m2 ruộng nước gồm nhiều thửa khác nhau. Do các thửa ruộng của gia đình và các hộ dân khác chênh lệch độ cao, để chống sạt lở và đỡ công làm cỏ, gia đình tôi đã chủ động kè, xây dựng bờ rào xi măng xung quanh bờ ruộng. Mặc dù tốn kém chi phí, nhưng đầu tư một lần sử dụng lâu dài.

Gia đình ông Lò Văn Quyến xây kè chống sạt lở đất ruộng tại cánh đồng Mường Báng.

Gia đình ông Tòng Văn Trường, bản Bo Én, thị trấn Tủa Chùa vừa hoàn thành xây dựng bờ rào xi măng xung quanh diện tích ruộng lúa 1.500m2. Theo ông Trường, hầu hết người dân có ruộng trên cánh đồng Mường Báng đều xây dựng bờ ruộng bằng xi măng, mình không làm cũng không được. Gia đình tôi đã huy động nhân lực, tập trung xuống đồng, làm trong khoảng một tuần thì xong. Một phần vừa không phải làm cỏ bờ ruộng, một phần để giữ nước, bởi vụ chiêm xuân, cánh đồng thường xuyên thiếu nước.

Theo ông Tòng Văn Trường, việc xây dựng bờ rào kiên cố nhằm giữ nước, đỡ công làm cỏ.

Hầu hết hộ dân canh tác trên cánh đồng Mường Bánh đều xây bờ rào trên bờ ruộng nhằm mục đích bảo vệ đất không bị sạt lở, lấn chiếm; đồng thời, hạn chế cỏ dại mọc và giữ nước cho ruộng. Chi phí xây dựng tốn không ít tiền, gia đình nào ít thì vài triệu đồng, có gia đình nhiều ruộng mất hàng chục triệu đồng, nhưng người dân vẫn thi nhau làm.

Gia đình chị Tòng Thị Ngân, bản Bo Én, thị trấn Tủa Chùa, đầu tư hơn 10 triệu đồng để mua cát, xi măng, đá (chưa tính tiền công) kiên cố hóa bờ ruộng. Hay gia đình bà Tòng Thị Phi, thôn Phai Tung, xã Mường Báng đầu tư hơn 5 triệu đồng (chưa kể tiền đá gia đình có sẵn) xây dựng bờ ruộng…

Gia đình bà Tòng Thị Phi, thôn Phai Tung, xã Mường Báng  đầu tư khoảng 5 triệu đồng để kiên cố hóa bờ ruộng.

Được biết, việc xây dựng bờ rào trên bờ ruộng bằng xi măng, đá là do người dân tự phát, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không có chủ trương hay khuyến cáo người dân thực hiện.

Ông Lò Văn Phanh, Phó Chủ tịch UBND xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa), cho biết: Việc xây bờ ruộng lúa bằng xi măng và đá đã được người dân làm từ những năm trước, nhưng chỉ một vài hộ. Từ đầu năm 2023 đến nay, đặc biệt sau vụ chiêm xuân 2023, người dân thi nhau làm đại trà. Chính quyền xã biết, nhưng không khuyến khích người dân.

Theo quan sát, có hộ xây bờ thấp, nhưng có những hộ xây rất cao, thậm chí kè chống sạt lở… Vì vậy, hiện nay nhìn cánh đồng chuyên canh tác lúa 2 vụ như một đại công trường xây dựng. Trao đổi với lãnh đạo phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tủa Chùa được biết, trước đây một số hộ dân đã xây bờ ruộng bằng xi măng, nhưng từ năm 2023 các hộ dân mới thực hiện nhiều. Tuy nhiên, không có quy định cấm, hay xử phạt. Vì vậy, phòng thường xuyên kiểm tra, theo dõi đồng thời tuyên truyền, không khuyến khích người dân làm, bởi ảnh hưởng đến việc thẩm thấu nguồn nước.

Nhiều bờ ruộng được xây dựng rất cao so với mặt ruộng.

Trên thực tế, Nhà nước đã có các quy định về trách nhiệm của người sử dụng đất trồng lúa. Cụ thể, theo Điều 6 Nghị định 35/2015/NĐ-CP ngày 13/4/2015  của Chính phủ: Người sử dụng đất trồng lúa phải sử dụng đúng mục đích, thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. Sử dụng có hiệu quả, không bỏ đất hoang, không làm ô nhiễm, thoái hóa đất trồng lúa. Trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.

Tại Khoản 3 Điều 16 Nghị định 91/2019/NĐ-CP ngày 19/11/2019 của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai quy định: Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1 - 3 triệu đồng đối với trường hợp đưa vật liệu xây dựng hoặc các vật khác lên thửa đất của người khác hoặc thửa đất của mình mà gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác. Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với trường hợp đào bới, làm hàng rào gây cản trở hoặc thiệt hại cho việc sử dụng đất của người khác. Đồng thời buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm.

Mục đích của người dân nhằm giữ nước, chống sạt lở, xói mòn… là tốt, nhưng sẽ để lại các hệ lụy về sau như hạn chế sự thẩm thấu của nguồn nước. Đặc biệt, ngành nông nghiệp tỉnh đang tập trung tái cơ cấu, tạo các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn để áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa cơ giới vào sản xuất. Việc xây dựng bờ kiên cố bằng xi măng cao sẽ hạn chế việc đưa máy móc vào hoạt động. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tăng cường quản lý; tuyên truyền, phổ biến các quy định về quản lý, sử dụng đất; trường hợp vi phạm cần xử lý, yêu cầu khắc phục.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận

Tin khác

Back To Top