Góc nhìn mới trong tiếp cận, thụ hưởng dịch vụ chăm sóc SKSS

16:10 - Thứ Sáu, 29/12/2023 Lượt xem: 5664 In bài viết

ĐBP - Thực hiện công tác bình đẳng giới, tỉnh Điện Biên đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, thiết thực, góp phần nâng cao vị thế của nữ giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình. Đặc biệt, nhằm nâng cao nhận thức bình đẳng giới trong chăm sóc sức khoẻ sinh sản (SKSS), hướng tới đời sống hôn nhân bền vững, hạnh phúc, các hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã được ngành Dân số tỉnh tập trung đẩy mạnh.

Chăm sóc SKSS cho cả hai giới

Chăm sóc SKSS là hoạt động được thực hiện cho cả hai giới. Tuy nhiên thực tế cho thấy, hầu hết các hoạt động chăm sóc SKSS thường nghiêng về nữ giới. Nam giới ít được trực tiếp tham gia, ít được tìm hiểu về vấn đề chăm sóc SKSS, về sức khỏe tình dục. Vì thế, nam giới không chỉ hạn chế trong chăm sóc SKSS bản thân mà còn kém mặn mà trong việc hỗ trợ nữ giới thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Trước thực trạng đó, một trong hai nhóm mục tiêu cơ bản trong Kế hoạch hành động về bình đẳng giới mà Bộ Y tế đang triển khai là chăm sóc SKSS cho cả hai giới, đảm bảo bình đẳng giới trong tiếp cận và thụ hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Theo bác sĩ CKII Vũ Thị Thùy, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ), đời sống vợ chồng sẽ bền vững và hạnh phúc hơn khi cả nam và nữ đều chủ động tự nguyện kiểm tra sức khỏe trước khi đăng kí kết hôn, để biết về nhau xem có ai bị mắc các bệnh di truyền hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục không. Khi vợ, chồng có kiến thức về chăm sóc SKSS sẽ tự tin, chủ động lựa chọn và sử dụng các dịch vụ chăm sóc SKSS có lợi nhất. Nếu phụ nữ được bình đẳng với nam giới trong thực hiện kế hoạch hóa gia đình và chăm sóc SKSS sẽ có sức khỏe, sự tự tin; người chồng cũng được vợ quan tâm chăm sóc nhiều hơn. Như vậy, gia đình có điều kiện, cơ hội phát triển kinh tế và cuộc sống vợ chồng hạnh phúc.

Bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc.

Có thể thấy, việc bình đẳng tham gia chăm sóc SKSS của cả nam giới và phụ nữ sẽ góp phần quan trọng đảm bảo sức khỏe của vợ và chồng, sức khỏe của thế hệ con cái, hay nhìn rộng hơn là hạnh phúc gia đình và sự ổn định của xã hội. Tuy nhiên, để chăm sóc SKSS thực sự bình đẳng giữa nam và nữ, bên cạnh các hoạt động chăm sóc SKSS dành cho nữ giới, cần phải có các dự án, chương trình, hoạt động về chăm sóc SKSS dành cho nam giới. Có như vậy, nam giới mới dễ dàng chia sẻ trách nhiệm với vợ trong sử dụng các biện pháp tránh thai, chăm sóc, nuôi dạy con; giúp đỡ vợ trong quá trình mang thai, khi sinh và sau sinh; ủng hộ, giúp đỡ vợ sử dụng biện pháp tránh thai và bảo vệ SKSS, sức khỏe tình dục.

Đẩy mạnh truyền thông

Nội dung bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS được đội ngũ cộng tác viên dân số tuyên truyền đến từng cơ sở.

Tại tỉnh Điện Biên, các chiến dịch tuyên truyền, vận động giáo dục về bình đẳng giới, ngăn chặn  tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” khi sinh con; lồng ghép dịch vụ SKSS và kế hoạch hóa gia đình đến vùng khó khăn có số dân đông, mức sinh sản cao được tiến hành liên tục trong nhiều năm qua, mang lại nhiều kết quả quan trọng.

Năm 2023, chiến dịch Tăng cường tuyên truyền vận động, lồng ghép cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ đến vùng đông dân có mức sinh cao, vùng khó khăn được triển khai với mục tiêu: Huy động các cấp, ngành, đoàn thể tăng cường tuyên truyền vận động, nâng cao nhận thức của nhân dân về thực hiện chính sách dân số; hỗ trợ cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ tại 61 xã thuộc vùng đông dân, vùng có mức sinh cao và vùng khó khăn.

Cán bộ Trạm Y tế xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa hướng dẫn người dân sử các biện pháp tránh thai hiệu quả.

Điểm nổi bật của Chiến dịch năm nay là Chi cục DS-KHHGĐ đã tham mưu xây dựng kế hoạch, phối hợp với Ban chỉ đạo công tác Dân số và phát triển huyện Điện Biên tổ chức lễ phát động triển khai Chiến dịch và xuống đường cổ động với 150 đại biểu tham dự. Thực hiện công tác tuyên truyền, Chi cục phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Điện Biên Phủ truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng, đưa tin thông báo thời gian, địa điểm các hoạt động triển khai chiến dịch. Ngoài ra, các hoạt động truyền thông tới cơ sở được tăng cường thực hiện trước, trong và sau chiến dịch, với 1.036 lần truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề cho khoảng 31.100 người nghe, tư vấn trực tiếp cho 14.992 người, thăm 2.895 hộ gia đình, cung cấp 1.168 tờ rơi tài liệu truyền thông, phát thanh trên loa 1.658 lần, treo 87 băng rôn khẩu hiệu tuyên truyền.

Chiến dịch được triển khai tại 64/129 xã, phường; chia làm 2 đợt: Đợt 1 từ 24/3 - 31/5/2023, triển khai tại 66/61 xã, đạt 108,2% kế hoạch (TP. Điện Biên Phủ thêm 3 xã, TX. Mường Lay thêm 2 xã/phường); đợt 2 từ 6/9 - 20/11/2023, thực hiện lại tại 38 xã thuộc 7 huyện.

Nội dung tuyên truyền tư vấn về các vấn đề dân số và phát triển; các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác DS - KHHGĐ; lồng ghép tuyên truyền trong hoạt động truyền thông về bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS; giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; Ngày tránh thai thế giới; giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh, lợi ích của tư vấn khám sức khỏe trước khi kết hôn…

Hoạt động truyền thông tới cơ sở thực hiện qua tuyên truyền trực tiếp, truyền thông nhóm, nói chuyện chuyên đề.

Công tác tuyên truyền được triển khai đồng bộ, hiệu quả đã giúp Chiến dịch đạt được nhiều kết quả tích cực trong chăm sóc SKSS như: Cung cấp biện pháp tránh thai lâm sàng cho 2.529 người đạt 97,2% kế hoạch; khám phụ khoa 6.074 lượt, điều trị phụ khoa 1.717 lượt, khám thai 1.780 lượt, cấp viên sắt cho 664 người. Đặc biệt trong Chiến dịch năm nay, trung tâm y tế một số huyện đã bố trí được máy siêu âm phục vụ Chiến dịch và thực hiện siêu âm sản phụ khoa cho 3.466 lượt, siêu âm phụ nữ mang thai 837 lượt người.

Bác sĩ CKII Vũ Thị Thùy cho biết: Việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền với nhiều hình thức đa dạng, phù hợp với từng địa phương đã giúp nhiều người dân thay đổi nhận thức, hành vi, xóa bỏ được tâm lý e ngại khi thực hiện các gói dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ gia đình, tự nguyện sử dụng các biện pháp kế hoạch hóa gia đình để sinh đủ 2 con và nuôi dạy con tốt. Tạo sự chuyển biến tích cực trong nhân dân về thực hiện bình đẳng giới trong chăm sóc SKSS và chính sách dân số, góp phần nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Minh Thảo
Bình luận

Tin khác

Back To Top