Hai ngôi nhà đặc biệt ở Hua Rốm

10:21 - Thứ Bảy, 30/12/2023 Lượt xem: 5862 In bài viết

ĐBP - Bất chấp làn sương mù dày đặc, chiếc xe máy rú ga đưa chúng tôi vượt qua con dốc cao rồi dừng lại trước một ngôi nhà ven đường. Nhác thấy chúng tôi, đám trẻ con đang chơi ven đường bỗng túa ra. Vừa chạy, chúng vừa hét lên “Thủ trưởng Kiên… bộ đội Kiên…về bản…” bằng cả tiếng Mông và tiếng Kinh.

Thấy vậy, Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Chu Văn Kiên, nhân viên thống kê – quân lực Ban CHQS TP. Điện Biên Phủ, nhìn tôi cười rồi nói nhỏ: “Bọn trẻ ở bản này đã quá quen với tiếng xe máy của tớ. Chỉ cần đi qua là chúng đã nhận ra chứ chưa nói dừng lại…”.

Tôi vẫn chưa hết ngạc nhiên, thì lũ trẻ con đã ùa tới tíu tít. Một bé gái trong nhóm túm lấy tay tôi như sợ những đứa khác giành mất rồi lắp bắp nói bằng chất giọng phổ thông vẫn chưa sõi: “Chú Kiên… Hai chú vào nhà cháu trước. Bố cháu nhắc các chú suốt đấy!”. Tôi luống cuống hướng ánh mắt về phía anh Kiên chờ đợi, trong khi lũ trẻ vẫn đang tíu tít xung quanh. Rồi chả cần biết tôi có đồng ý hay không, nó cứ thế níu tay, lôi tuột vào căn nhà mới xây trước mặt. Đón chúng tôi là người đàn ông trung niên khoảng 50 tuổi, dáng vẻ hoạt bát, ánh mắt toát lên sự vui mừng, thân thiện. Sinh ra và lớn lên ở nông thôn, lại có nhiều năm tiếp xúc với đồng bào các dân tộc, nên tôi nhận ra đó là thứ tình cảm đặc trưng của người vùng cao dành cho người thân xa quê mới trở về. Người đàn ông liên tục đưa hai tay ra trước, hướng về phía chúng tôi, miệng ú ớ phát ra mấy tiếng nghèn nghẹn trong cổ họng. Thấy tôi vẫn đứng lơ ngơ chưa hiểu gì, bé gái nhanh nhảu giãi bày: “Bố cháu mời các chú vào nhà đấy! Từ hôm về nhà mới, bố con cháu vẫn chờ các chú đến chơi”. Đứa bé vừa dứt lời, anh Kiên khoát tay ra hiệu cho tôi ngồi xuống những chiếc ghế gỗ cũ kỹ được kê ngay ngắn giữa nhà.

Đại úy quân nhân chuyên nghiệp Chu Văn Kiên cùng cán bộ dân quân và bố con anh Giàng A Di bên ngôi nhà đại đoàn kết ở bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ.

Tôi rảo mắt nhìn quanh, căn nhà chỉ rộng chừng 40 mét vuông vẫn còn mùi ngai ngái của vôi vữa. Tài sản đáng giá nhất có lẽ là những bao lúa được xếp gọn ở góc nhà. Phía bên kia là một chiếc giường gỗ dành cho cả nhà. Tuy vậy, căn nhà lại nằm ở vị trí “đắc địa” ngay gữa bản, bên cạnh có những cây đào cổ thụ đang hé nụ.

Dù đã được thông báo trước về chuyến đi bản lần này, nhưng tôi vẫn ngạc nhiên bởi cách đón tiếp thân tình của người dân nơi đây dành cho anh Kiên. Sau một hồi thăm hỏi thân tình, câu chuyện lần lượt được anh Kiên chia sẻ: Khoảng đầu tháng 4/2023, anh và hai đồng đội khác là Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Nguyễn Thiện Tuyển và Thiếu tá quân nhân chuyên nghiệp Thào A Minh được chỉ huy đơn vị giao nhiệm vụ phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương làm công tác vận động quần chúng, hỗ trợ làm hai ngôi nhà cho gia đình khó khăn tại bản Hua Rốm, xã Nà Tấu, TP. Điện Biên Phủ.

Kể đến đây, giọng anh Kiên hơi chùng xuống. Anh bảo dù hai ngôi nhà chỉ có diện tích khoảng 40 mét vuông và trị giá hơn 50 triệu đồng/căn, nhưng với đồng bào vùng cao, nhất là các hộ nghèo, việc có được ngôi nhà xây là mơ ước cả đời của họ. Vì thế, khác với những lần làm công tác vận động quần chúng trước đây, lần này anh thấy trọng trách nặng nề hơn, bởi không chỉ thực hiện nhiệm vụ được giao, mà còn là nghĩa vụ, trách nhiệm với người dân.

Đến nơi, anh cùng hai đồng đội của mình phân công nhiệm vụ cho nhau rồi bắt tay thực hiện. Hằng ngày, các anh thay nhau đi chợ nấu cơm và tự đo vẽ thiết kế xây dựng. Giá cả các loại vật liệu xây dựng liên tục biến động, nên vừa thi công, các anh vừa phải tính toán kỹ lưỡng cho phù hợp với kinh phí được duyệt. Tuy nhiên, cái khó lớn nhất mà anh Kiên gặp phải là chủ nhà - anh Giàng A Di (sinh năm 1979) lại bị câm điếc bẩm sinh, mọi sinh hoạt, giao tiếp đều thực hiện bằng cử chỉ. Trong suốt thời gian gần 2 tháng làm công tác vận động quần chúng tại bản Hua Rốm, anh Kiên và đồng đội của mình đều phải nhờ con hoặc người thân của anh Di làm phiên dịch để truyền tải ý định giữa hai bên. Ngày công trình hoàn thành, anh Kiên cũng là người đặt tấm lợp cuối cùng. Vừa bước chân xuống đất, anh Di nắm chặt lấy tay anh Kiên, nước mắt giàn giụa chảy trên khuôn mặt khắc khổ. Trong lúc chủ nhà đang bày tỏ sự cảm ơn với “thợ”, thì đứa bé con anh Di khệ nệ ôm con gà tiến đến trước mặt anh Kiên và bảo: “Mẹ cháu bảo, từ hôm các chú làm nhà cho gia đình, mẹ cháu chưa có dịp nấu cơm mời các chú. Bố mẹ cháu biếu các chú con gà”. Qua ánh mắt và cái nắm tay thân mật của anh Di, anh Kiên hiểu đó là tất cả tình cảm chân thành mà họ dành cho anh và đồng đội của mình. Không thể từ chối tấm thịnh tình của bố con anh Di, anh Kiên đành miễn cưỡng nhận con gà, nhưng lấy lý do “Gửi lại nuôi cho nó đẻ nhiều con để làm giống”, rồi chỉ xin một quả bí để làm thức ăn cho anh em trong bữa cơm trưa hôm đó.

Ngày nhận bàn giao căn nhà, anh Di liên tục đưa tay lên lau những giọt nước mắt vui mừng khi được ở trong ngôi nhà mới.

Còn bà Giàng Thị Úa luôn miệng nhắc: “Cả đời làm lụng cực nhọc, mẹ con tôi nằm mơ cũng không dám nghĩ đến có được ngôi nhà đẹp đẽ thế này để ở…”.

Kể lại câu chuyện từ hơn 6 tháng trước, anh Kiên bảo: “Đồng bào vùng cao có khéo đến mấy cũng chỉ thể hiện được tình cảm như thế. Dù không khéo léo, nhưng chân tình và thật lòng”.

Hai căn nhà đại đoàn kết có tổng trị giá hơn 100 triệu đồng do cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS TP. Điện Biên Phủ vận động từ nguồn xã hội hóa và được xây dựng trong thời gian 2 tháng.

Nói về những kỷ niệm với bà con người Mông ở bản Hua Rốm, anh Kiên cho biết thêm, cả bản có 139 hộ dân với 100% là đồng bào dân tộc Mông. Do điều kiện kinh tế khó khăn nên đầu năm 2023, có 7 hộ dân với 36 người đã nghe lời kẻ xấu dụ dỗ, bán tài sản rồi vào tỉnh Đắc Nông làm ăn. Tuy nhiên, khoảng đầu tháng 5/2023, do gặp khó khăn về công việc và điều kiện sống, các hộ này lại dắt díu nhau quay về địa phương. Quá trình làm công tác vận động quần chúng tại địa bàn bản Hua Rốm, bên cạnh việc xây nhà giúp hai hộ dân, các anh còn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương nắm tình hình, tuyên truyền cho người dân về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số; tuyên truyền, làm rõ bản chất, tác hại của các tà đạo cũng như ý đồ của các đối tượng xấu, nhằm chống phá Đảng, Nhà nước và khối đại đoàn kết dân tộc; hướng dẫn nhân dân phát triển các mô hình chăn nuôi, kỹ thuật trồng rừng và chăm sóc, quản lý rừng…

Chia tay bà con dân tộc Mông ở bản Hua Rốm vào lúc chiều muộn, chúng tôi mang theo tình cảm cùng sự tin tưởng của họ vào đường lối của Đảng, đồng tình, ủng hộ thực hiện các chủ trương, chính sách của Nhà nước dành cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Trên sườn núi, hoa đào, hoa mai đang đua nhau khoe sắc như báo một năm mới bình yên, no ấm. Với bà con người Mông ở bản Hua Rốm, mùa xuân đang ngấp nghé bên hiên nhà.

Bài và ảnh: Hà Khánh
Bình luận

Tin khác

Back To Top