“Chìa khóa” hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo

09:38 - Thứ Tư, 03/01/2024 Lượt xem: 5188 In bài viết

ĐBP - Nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh ta quyết tâm thực hiện giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo mới. Để hiện thực hóa mục tiêu đề ra, mỗi địa phương phải tìm được lời giải cho bài toán trên. Đó là xác định được hướng phát triển kinh tế phù hợp, hiệu quả - là “chìa khóa” để xóa đói giảm nghèo bền vững. Sau nhiều nỗ lực, công tác này đã thu những thành quả tích cực được minh chứng bằng những con số cụ thể.

 

“Trồng cây gì? Nuôi con gì”

Trồng cây gì, nuôi con gì, vẫn luôn là trăn trở của các địa bàn bao nhiêu năm qua. Không ít nơi, sau khi mô hình giảm nghèo (chăn nuôi, trồng trọt) đi qua, người dân “nghèo vẫn hoàn nghèo”. Bởi vậy để tìm được hướng đi giảm nghèo bền vững là điều mà mỗi địa phương “đau đầu”.

Tại xã Mường Mươn, huyện Mường Chà, sau nhiều cân nhắc, nâng lên đặt xuống, năm 2022, UBND xã làm chủ đầu tư triển khai dự án trồng bí xanh. Dự án được thực hiện tại bản Púng Giắt 1, Púng Giắt 2 với 2,6ha, 10 hộ dân tham gia. Kinh phí đầu tư 260 triệu đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững.

Lần đầu tiên trồng loại cây này, người dân còn băn khoăn về hiệu quả kinh tế, nhưng chỉ sau 1 vụ thu hoạch, đến nay bí xanh đã trở thành cây giúp xóa đói giảm nghèo, được nhân rộng với diện tích tăng nhanh.

Ông Quàng A Lềnh, bản Púng Giắt 2 góp đất trồng bí xanh cho biết: “Trước trên khu vực đất này, bà con trồng 1 vụ lúa/năm nhưng do khô cằn, thiếu nước nên năng suất, chất lượng đều rất kém. Chuyển sang trồng bí xanh thì thay đổi hẳn, hiệu quả thu nhập gấp nhiều lần. Bí mỗi năm thu 2 vụ, 1 vụ cắt 10 lượt quả. Mô hình thu hơn 100 tấn quả/vụ, giá bán 5.000 – 10.000 đồng/kg tùy thời điểm, đầu mùa còn được giá cao hơn thế”.

Được biết mô hình trồng bí trên được Hợp tác xã Nam Dương (thị trấn Mường Chà) kết nối bao tiêu đầu ra, đưa bí vào các nhà máy ngoại tỉnh. Với điều kiện thuận lợi đó, từ mô hình trồng bí xanh đầu tiên 2,6ha, nhiều hộ dân đã tự bỏ tiền đầu tư trồng và liên kết với Hợp tác xã.

Đến nay diện tích bí xanh trên địa bàn xã Mường Mươn đã tăng lên hơn 20ha, toàn huyện có tổng trên 28ha bí xanh. Cây bí xanh được kỳ vọng tiếp tục phát triển hơn thế trên địa bàn Mường Chà.

Ông Trang A Lử, Chủ tịch UBND huyện Mường Chà cho biết: “Các tổ hợp tác trồng bí xanh liên kết với Hợp tác xã Nam Dương ký với doanh nghiệp cung cấp lên đến 1.000 tấn bí mỗi vụ, nhưng đến hiện tại toàn huyện mới thu 500 – 600 tấn/vụ. Cây bí xanh có giá trị kinh tế cao so với các cây trồng truyền thống trên địa bàn. Người dân chủ yếu tốn chi phí bắc giàn ban đầu, còn những năm sau có thể sử dụng lại. Vì thế huyện chủ trương tiếp tục khuyến khích người dân trồng bí xanh và liên kết với Hợp tác xã để đảm bảo đầu ra”.

Cùng với cây bí xanh, được biết thời gian qua, huyện đã chuyển đổi hơn 1.500ha đất trồng lúa kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao như: dứa, khoai tây, mắc ca, quế...

Tăng cường liên kết đảm bảo cung cầu

Tại huyện Tuần Giáo cũng vậy, nhiều năm trước đã vô số mô mình chăn nuôi gà, vịt, trâu, bò, trồng cây ngắn ngày, cây ăn quả... đi qua, nhưng không để lại nhiều chuyển biến cho cuộc sống người dân. Bởi vậy nhiệm kỳ này, câu hỏi “Trồng cây gì? Nuôi con gì?” càng thêm trăn trở.

Căn cứ vào điều kiện địa bàn, Tuần Giáo đã mạnh dạn đề ra mục tiêu “trở thành thủ phủ cây mắc ca của tỉnh và vùng Tây Bắc”. Để có tiền đề, đảm bảo chắc chắn cho việc phát triển, mở rộng diện tích cây mắc ca, Tuần Giáo đẩy mạnh liên kết, hợp tác với doanh nghiệp, tổ chức lớn, uy tín.

Đầu tháng 12 mới đây, UBND huyện Tuần Giáo đón Hiệp hội Mắc ca Việt Nam đến thăm, khảo sát. Hai bên đã ký kết “Biên bản ghi nhớ về hợp tác phát triển mắc ca trên địa bàn huyện Tuần Giáo giai đoạn 2023 – 2030, định hướng đến năm 2050”.

Rất nhiều nội dung cụ thể đối với cả 2 bên trong Biên bản ghi nhớ. Đặc biệt trong đó Hiệp hội Mắc ca Việt Nam cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả mắc ca trồng tại Tuần Giáo theo giá thị trường, nhưng tối thiểu không thấp hơn 85% giá mắc ca trên thị trường thế giới khi người dân có nhu cầu bán cho Hiệp hội và các đơn vị thành viên của hiệp hội.

Trước đó, giữa tháng 6/2023, huyện Tuần Giáo cũng đã nỗ lực kết nối và thành công ký biên bản ghi nhớ với Công ty Cổ phần Tập đoàn TH. Theo đó, UBND huyện cam kết tạo mọi điều kiện theo quy định để Tập đoàn và các đơn vị thành viên triển khai thực hiện các dự án trồng mắc ca trên địa bàn. Ðổi lại Tập đoàn TH cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm quả mắc ca trong các dự án đó, với đơn giá theo giá thị trường Úc, trong 50 năm.

Với cơ sở chắc chắn đó, năm 2023 này, Tuần Giáo đã hoàn thành trồng 980ha cây mắc ca theo hướng liên kết, cam kết tiêu thụ nông sản cho người dân. Cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đồng hành với người dân trồng và chăm sóc mắc ca. Sau 4 tháng xuống giống, đến nay tỷ lệ cây sống trong toàn huyện đạt trên 93%, đang sinh trưởng, phát triển tốt. Nâng tổng số diện tích mắc ca toàn huyện lên trên 2.550ha. Trong đó có gần 1.000ha mắc ca đã cho thu hoạch.

Tin tưởng vào hướng đi này, ông Lê Xuân Cảnh, Chủ tịch UBND huyện chia sẻ: “Thị trường quả mắc ca rộng, nhu cầu lớn và tiếp tục tăng, nguồn cung mới đáp ứng được 1/4 nhu cầu thế giới. Hơn nữa không phải ở đâu cũng trồng được. Trong khi, mắc ca Tuần Giáo có năng suất, chất lượng tốt, không thể lãng phí tiềm năng phát triển. Xác định trồng mắc ca là vất vả và lâu dài, để đảm bảo dự án đạt hiệu quả, thực sự xóa đói giảm nghèo cho người dân, huyện tiếp tục thực hiện quyết liệt, sâu sát, đồng hành cùng người dân cho đến khi cây ra quả đảm bảo”.

Kết quả hơn nửa nhiệm kỳ

Với nhiều nỗ lực, tỷ lệ hộ nghèo của 2 huyện trên đều giảm đạt và vượt mục tiêu hàng năm. Mường Chà giảm tỷ lệ hộ nghèo đa chiều bình quân 5,5%/năm. Năm 2023 giảm 6,05%, đến nay còn 42,86% hộ nghèo toàn huyện.

Tuần Giáo đề ra nghị quyết giảm tỷ lệ hộ nghèo hàng năm từ 5% trở lên. Kết quả thực tế năm 2022 giảm được 8,22%; năm 2023 giảm 7,55%, tỷ lệ hộ nghèo hiện còn 33,64%. Tuần Giáo tiếp tục đi nhanh trên con đường phấn đấu “thoát” huyện nghèo vào năm 2025.

Nhìn rộng ra toàn tỉnh, các con số giảm nghèo cũng đạt kết quả tích cực, dù giai đoạn này có nhiều thay đổi về tiêu chí hộ nghèo, tạo nhiều thách thức và cơ hội mới. Cụ thể, khi áp dụng chuẩn nghèo đa chiều mới giai đoạn 2021-2025 (theo Nghị định 07/2021/NĐ-CP với nhiều tiêu chí có cấp độ, mức độ cao hơn so với trước), tỷ lệ hộ nghèo tỉnh ta tăng từ 30,67% năm 2020 lên 34,90% năm 2021.

Để làm được điều đó, 100% các địa bàn được hỗ trợ đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội liên kết vùng, phục vụ dân sinh, sản xuất, thương mại, lưu thông hàng hóa và cung cấp các dịch vụ xã hội cơ bản; đảm bảo các chế độ, chính sách được thụ hưởng. Công tác giảm nghèo còn huy động được sự tham gia, góp sức, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội; cùng với sự nỗ lực phấn đấu vươn lên của hộ nghèo, các đối tượng yếu thế... Những kết quả đó đã góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh và giữ vững trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận

Tin khác

Back To Top