Băng giá, rét đậm bao phủ miền Bắc: Hàng ngàn học sinh nghỉ học, người nhập viện tăng

09:14 - Thứ Tư, 24/01/2024 Lượt xem: 4276 In bài viết

Ngày 23-1, rét đậm rét hại tiếp tục bao trùm diện rộng ở miền Bắc và Bắc Trung bộ. Hàng loạt địa điểm xảy ra băng giá.

Rét đậm rét hại khiến người dân khám bệnh ở Hà Nội gia tăng.

Theo dữ liệu quan trắc của Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, do không khí lạnh tăng cường mạnh nên sáng 23-1, nhiệt độ tại huyện Đồng Văn (Hà Giang) chỉ còn 2,4 độ C; tại Mẫu Sơn (Lạng Sơn) còn -1,1 độ C. Hà Nội và hàng loạt tỉnh ở đồng bằng Bắc bộ như Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình, Hưng Yên, Hòa Bình… chỉ còn 7-9 độ C. Khu vực Thanh Hóa - Nghệ An nhiệt độ còn 10-11 độ C. Trên vùng núi cao, băng giá, mưa đông kết đồng loạt xảy ra ở đỉnh Mẫu Sơn (Lộc Bình - Lạng Sơn), Phia Oắc (Nguyên Bình - Cao Bằng), các xã Xín Cái và Thượng Phùng (Mèo Vạc - Hà Giang) và khu vực chùa Đồng - Yên Tử (Uông Bí - Quảng Ninh)…

Cơ quan khí tượng cho biết, từ ngày 24-1, thời tiết miền Bắc chuyển sang hình thái rét khô, nhưng vẫn rét đậm, rét hại diện rộng, kéo dài nhiều ngày tới. Do nền nhiệt xuống quá sâu nên trong ngày 23-1, hàng loạt địa phương như Sơn La, Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Lạng Sơn, Hà Nội… đã cho học sinh mầm non, tiểu học nghỉ học. Theo Sở GD-ĐT tỉnh Lào Cai, tổng cộng có trên 11.000 học sinh ở địa phương này phải nghỉ học tránh rét trong ngày 23-1. Sở GD-ĐT tỉnh Lai Châu cũng thông tin, tại hai huyện Sìn Hồ và Phong Thổ có hơn 1.000 học sinh nghỉ học để đảm bảo an toàn sức khỏe.

Thời tiết lạnh giá đã và đang ảnh hưởng tới đời sống, sức khỏe người già và trẻ em ở miền Bắc. Ghi nhận tại một số bệnh viện lớn ở Hà Nội, số bệnh nhân nhập viện do ảnh hưởng rét đậm, rét hại đang có chiều hướng tăng cao. Hiện mỗi ngày, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Xô tiếp nhận trên 150 bệnh nhân nhập viện do bệnh lý tim mạch và hô hấp. Trong khi tại Bệnh viện Lão khoa Trung ương và Bệnh viện Châm cứu Trung ương cũng ghi nhận số bệnh nhân nhập viện tăng khoảng 30% so với trước đây, chủ yếu là bệnh nhân cao tuổi bị đột quỵ, tai biến. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, số trẻ được gia đình đưa tới khám bệnh và phải nhập viện điều trị lên tới trên 2.500 trường hợp/ngày.

Theo các bác sĩ, giá rét tạo điều kiện cho vi khuẩn, virus gây các bệnh lý về đường tiêu hóa và hô hấp phát triển, nên phần lớn trẻ tới khám có các triệu chứng như: sốt, ho, khó thở, viêm phế quản. Đặc biệt, rét đậm, rét hại không chỉ làm gia tăng bệnh nhân ở các bệnh viện tuyến cuối như Hà Nội, mà nhiều bệnh viện ở Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Quảng Ninh, Lào Cai... cũng phải tiếp nhận cấp cứu, điều trị rất nhiều người bệnh. Trong khi đó, tại huyện rẻo cao Kỳ Sơn (Nghệ An), giá rét đã tác động lớn đến cuộc sống, sinh hoạt của người dân nơi đây. Tại Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Nậm Cắn 1, trong 2 ngày 22 và 23-1, mỗi ngày có khoảng 20 em học sinh bị bệnh, cảm lạnh. Trên “cổng trời” Na Ngoi, nhiệt độ buổi sáng dưới 9 độ C, đến trưa nền nhiệt có tăng nhưng vẫn giá buốt.

Thầy Nguyễn Đình Hùng, Hiệu phó Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Na Ngoi cho biết, đã kêu gọi các nhà hảo tâm, chính quyền địa phương chung tay quyên góp để tăng thêm khẩu phần ăn cho các em nhằm đảm bảo dinh dưỡng, đủ sức chống chọi giá rét. Theo ông Thò Bá Rê, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn, trước hết là lo cho người dân, với phương châm ai cũng phải đủ ấm, đủ ăn. Các xã vận động, tuyên truyền bà con không để trâu bò trong rừng mà đưa về nhà, quây nhốt kín vào chuồng trại, cho ăn uống đầy đủ, đốt lửa sưởi ấm.

Theo ghi nhận của PV, đến ngày 23-1, chưa có tình trạng gia súc chết rét ở miền núi phía Bắc, song người dân ở khu vực Phia Đén - Phia Oắc thuộc xã Thành Công (Nguyên Bình - Cao Bằng), xã Mẫu Sơn (Lộc Bình - Lạng Sơn), các xã biên giới ở các huyện Mèo Vạc - Đồng Văn (Hà Giang)… đều lo lắng băng giá kéo dài có thể khiến trâu, bò chết rét

Theo SGGP
Bình luận

Tin khác

Back To Top