Liên kết đào tạo lao động tay nghề cao

06:35 - Thứ Bảy, 17/02/2024 Lượt xem: 5664 In bài viết

Những năm qua, nhiều đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và các trường đại học đã chủ động lên phương án liên kết đào tạo nghề chất lượng cao cho người lao động. Qua đó, các nhân viên, cán bộ kỹ thuật từng bước nâng cao tay nghề, trình độ quản lý chất lượng, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp phát triển.

Ðào tạo lao động tay nghề cao ngày càng được xã hội quan tâm.

Sau hai năm ký kết hợp tác giữa Trung tâm Thiết kế, chế tạo và Thử nghiệm (Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ) và Công ty TNHH DENSO Việt Nam, hai bên đã đạt những kết quả đáng ghi nhận trong hoạt động đào tạo nhân lực chất lượng cao, tạo dấu ấn trong cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ.

Ðiển hình như năm 2023, Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm phối hợp với Công ty TNHH DENSO Việt Nam tổ chức sáu khóa đào tạo tập trung và ba khóa đào tạo trực tiếp tại doanh nghiệp. Các khóa đào tạo nhằm từng bước giúp các nhân viên, cán bộ kỹ thuật tại doanh nghiệp nâng cao ý thức quản lý chất lượng, nắm bắt nhanh hiện trạng để tìm ra nguyên nhân và đưa ra giải pháp cải tiến phù hợp.

Các nội dung đào tạo được đúc kết từ những kinh nghiệm thực tiễn của Công ty TNHH DENSO Việt Nam, kết hợp với dữ liệu do Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm thu thập được từ doanh nghiệp trong nhiều năm thông qua hoạt động khảo sát, tư vấn doanh nghiệp.

Kết quả năm 2023, hai đơn vị đã hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ năng, kinh nghiệm trong làm việc, quản trị, quản lý công nghệ cho hơn 40 doanh nghiệp Việt Nam, với hàng trăm lượt học viên tham gia. Ngoài ra, Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm phối hợp với các chuyên gia đến từ doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tổ chức hỗ trợ một số doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình cải tiến quy trình công nghệ, đổi mới công nghệ, hợp tác thúc đẩy nghiên cứu và phát triển (R&D) trong doanh nghiệp.

Việc phối hợp đào tạo nhân lực chất lượng cao đã thể hiện rõ vai trò đồng hành với doanh nghiệp của Trung tâm Thiết kế, Chế tạo và Thử nghiệm trong nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ tư vấn, cải tiến, đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị trên cơ sở hợp tác với doanh nghiệp FDI.

Với mục tiêu trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của miền bắc, Quảng Ninh ưu tiên đầu tư, thu hút, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng. Bên cạnh những cơ chế, chính sách mang tầm chiến lược, các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp cũng đã chủ động liên kết, hợp tác, tạo môi trường học tập, thực hành đa dạng, đáp ứng nhu cầu lao động trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Theo thống kê của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, tổng số lao động đang làm việc tại tỉnh khoảng 800.000 người. Các lĩnh vực có xu hướng sẽ gia tăng nhu cầu về nguồn nhân lực gồm: Chế biến chế tạo, vận tải, kho bãi, logistics, dịch vụ du lịch... Ðây đều là những ngành, nghề mà tỉnh có định hướng đẩy mạnh phát triển.

Trước nhu cầu đó, tỉnh đã chú trọng công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo cho lao động trên địa bàn. Ðặc biệt, sự liên kết giữa "5 nhà" (Nhà nước - nhà trường - nhà khoa học - nhà tuyển dụng - nhà đầu tư) trong đào tạo gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp ngày càng trở thành yêu cầu tất yếu trong hoạt động giáo dục nghề nghiệp tại Quảng Ninh.

Một số doanh nghiệp đã hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở đào tạo nghề, bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp như Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), mỗi năm tiếp nhận tối đa 30 sinh viên các chuyên ngành ngôn ngữ Trung Quốc, môi trường, công nghệ thông tin, sư phạm, văn hóa và du lịch của Trường đại học Hạ Long tới thực tập. Ngoài ra, công ty cử chuyên gia đến Trường đại học Hạ Long để trao đổi kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên ở những lĩnh vực đơn vị có thế mạnh; hợp tác trong triển khai các dự án, chương trình, hội thảo về vấn đề việc làm, cung cấp học bổng cho sinh viên...

Bên cạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, cùng với đổi mới trong công tác tuyển dụng, tỉnh Quảng Ninh không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường làm việc, xây dựng chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại tỉnh.

Ðồng thời, tỉnh ký kết thỏa thuận hợp tác đào tạo với các trường đại học hàng đầu Việt Nam và quốc tế, như: Trường đại học Kinh tế Quốc dân; Ðại học Quốc gia Hà Nội; Trường đại học Ngoại thương..., đặc biệt là Trường đại học Công nghệ Auckland (New Zealand), nhằm liên kết đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh, tăng cường đào tạo đối với các ngành, lĩnh vực quản trị kinh doanh, tài chính, ngân hàng, kinh tế, luật kinh doanh, thương mại quốc tế, du lịch, chuyên gia về quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp, đào tạo trình độ sau đại học.

Ông Hoàng Ðức Thảo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp khoa học và Công nghệ Việt Nam cho biết: Hiện nay, hiệp hội cũng như các doanh nghiệp đang nỗ lực hợp tác với các trường đại học để đào tạo sinh viên theo nhu cầu đặt hàng. Phương thức này giúp doanh nghiệp chủ động nguồn nhân lực được đào tạo bài bản theo đúng yêu cầu, phục vụ cho chiến lược phát triển bền vững và hội nhập quốc tế; đồng thời, giúp nhà trường thu hút thêm sinh viên, tăng cường mối quan hệ với doanh nghiệp trong việc đổi mới chương trình đào tạo theo hướng cập nhật các công nghệ tiên tiến, hiện đại, nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ áp dụng trong các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, chia sẻ về khó khăn trong việc hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, Tiến sĩ Phạm Xuân Khánh, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cho rằng: Hiện nay, vẫn thiếu văn bản hướng dẫn cho phép các doanh nghiệp đầu tư cơ sở vật chất vào nhà trường để phục vụ công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Do đó, các chính sách về vấn đề này cần thay đổi theo hướng mở, tạo điều kiện xã hội hóa cho các doanh nghiệp có nhiều thuận lợi hơn trong việc đầu tư giúp nhà trường có thêm nguồn lực về trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hồng Quân, Bí thư Ðảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Trường đại học Công nghiệp Hà Nội đề xuất các trường đại học cần đẩy mạnh công tác dự báo nhu cầu thị trường nhân lực trong tương lai gần và xa hơn để mở ngành đào tạo phù hợp; thường xuyên mời các chuyên gia từ doanh nghiệp đến nhà trường chia sẻ nghề nghiệp, kết hợp giảng dạy chính khóa với các hoạt động ngoại khóa ở các doanh nghiệp; đẩy mạnh kết hợp ba nhà: Nhà trường - nhà khoa học - doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Ðối với các doanh nghiệp, cần tham gia đào tạo bằng cách góp ý về xây dựng, đánh giá và cải tiến chương trình đào tạo để nhà trường có những chỉnh sửa phù hợp nhu cầu thực tế của doanh nghiệp.

Theo Nhân dân
Bình luận

Tin khác

Back To Top