Thực hiện hệ thống hưu trí đa tầng: Người cao tuổi hưởng lợi

09:03 - Thứ Ba, 20/02/2024 Lượt xem: 4627 In bài viết

Năm 2024, các cơ quan chức năng tập trung nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng. Hệ thống này được thực hiện, vận hành thông suốt sẽ giúp số đông người cao tuổi hưởng lợi.

Chi trả lương hưu cho người thụ hưởng tại phường Nguyễn Trãi (quận Hà Đông).

Tính đến thời điểm hết năm 2023, cả nước có 3,28 triệu người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng. Cùng với đó là gần 2,1 triệu người cao tuổi hưởng trợ cấp xã hội. Tính chung, cả nước mới có gần 5,4 triệu người nhận về khoản tiền lương đều đặn hằng tháng.

Khi có lương hưu, dù mức lương không cao, thì cuộc sống của người cao tuổi vẫn khá ổn định. Bà Phạm Thị Dịu (68 tuổi), trú tại tổ dân phố 2, thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) cho biết: “Mức lương hưu của tôi hiện đạt gần 3 triệu đồng/tháng, đủ trang trải cho các nhu cầu thường nhật. Mỗi lần nhận lương, tôi rất vui vì bản thân không phải sống phụ thuộc vào con cháu”.

Nhìn trên bình diện rộng hơn, chất lượng sống của người cao tuổi nhận về khoản tiền đều đặn hằng tháng cao hơn nhóm đứng ngoài các chính sách. Cụ thể, theo thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, những năm gần đây, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam khoảng 73,6 tuổi, trong khi tuổi thọ trung bình của người hưởng lương hưu khoảng 78,3 tuổi (cao hơn khoảng 4,7 tuổi so với tuổi thọ trung bình). Bởi, đa số người có lương hưu ít phải lo lắng cho cuộc sống hơn, ít phải tham gia lao động để mang lại thu nhập, lại được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí để có điều kiện chăm sóc sức khỏe…

Tuy vậy, so với quy mô dân số là người cao tuổi (hiện có khoảng 14 triệu người từ 60 tuổi trở lên), thì số đông người cao tuổi ở nước ta vẫn chưa có điểm tựa an sinh vững chắc. Nguyên nhân được chỉ rõ là do, một bộ phận không nhỏ người dân chưa chủ động tham gia bảo hiểm xã hội khi còn trẻ, để hưởng chế độ hưu trí lúc tuổi già. Về mặt chính sách, hệ thống hưu trí được thiết kế chưa toàn diện, còn những khoảng trống, khiến một bộ phận người cao tuổi “lọt lưới” an sinh.

Theo đánh giá của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, hệ thống hưu trí ở Việt Nam hiện nay tương đối phát triển, nhưng mới thực hiện theo hệ thống đơn tầng, chủ yếu phụ thuộc vào hệ thống hưu trí có đóng góp (người dân cần tham gia bảo hiểm xã hội), nên vẫn còn những hạn chế nhất định. Để chính sách hưu trí bao phủ số đông dân số là người cao tuổi, Việt Nam cần xóa bỏ những rào cản, tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho người dân tham gia, thụ hưởng chính sách.

Góp phần tạo điểm tựa an sinh cho người cao tuổi, cùng với hoạt động tuyên truyền, vận động người dân chủ động tham gia bảo hiểm xã hội khi còn trẻ, năm 2024, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hệ thống hưu trí đa tầng. Thiết kế của hệ thống hưu trí đa tầng thể hiện rõ tại dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), dự kiến được Quốc hội thông qua năm 2024, có hiệu lực thi hành kể từ tháng 7-2025.

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội mới nhất, công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên mà không có lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, trợ cấp xã hội hằng tháng khác, thì họ sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội do ngân sách nhà nước bảo đảm. Đây chính là tầng hưu trí xã hội.

Cùng với tầng hưu trí xã hội là tầng bảo hiểm xã hội cơ bản (bao gồm bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm thất nghiệp như hiện nay). Tuy nhiên, thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu chỉ còn 15 năm (hiện nay là 20 năm). Việc giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu cũng mang lại cơ hội thụ hưởng lương hưu cho khoảng hàng triệu người trong tương lai gần.

Đáng chú ý, chính sách liên kết giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội và tầng bảo hiểm xã hội cơ bản cũng được xây dựng chặt chẽ, linh hoạt. Với các phương án thiết kế đa dạng, kín kẽ, linh hoạt, Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam tin tưởng, khi hệ thống hưu trí đa tầng được triển khai, vận hành thông suốt sẽ mang đến cơ hội hưởng lợi cho hàng triệu người cao tuổi. Đó cũng là giải pháp để người cao tuổi nâng cao, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top