Việt Nam đối mặt với thực trạng dân số đang trong thời kỳ già hóa nhanh

14:55 - Thứ Năm, 22/02/2024 Lượt xem: 5123 In bài viết

Theo kết quả nghiên cứu, dân số lao động tạo ra thu nhập để bù đắp các khoản chi tiêu của mình và “gánh đỡ” nhóm dân số phụ thuộc trong nền kinh tế Việt Nam thực chất là nhóm những người trong độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi, không phải nhóm dân số trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 64. Đây không phải là một lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam khi dân số đang trong thời kỳ già hóa nhanh với số người từ 60 tuổi trở lên tăng mạnh qua các năm.

Báo cáo tài khoản chuyển nhượng quốc gia Tổng cục Thống kê công bố cuối năm 2023 nêu rõ, biến đổi cơ cấu tuổi của dân số không còn đem lại lợi thế cho tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Ở Việt Nam, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc nhưng Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế - xã hội để tăng năng suất lao động, khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai (Ảnh: PV) 

Trong năm 2023, Tổng cục Thống kê đã phối hợp với Quỹ Dân số Liên hợp quốc nghiên cứu và công bố báo cáo Tổng quan Tài khoản chuyển nhượng quốc gia của Việt Nam. Tài khoản chuyển nhượng quốc gia là một phương pháp toàn diện và có hệ thống được sử dụng để mô tả chi tiết nền kinh tế thông qua đặc điểm thu nhập và chi tiêu của dân số và sự tái phân bổ nguồn lực kinh tế giữa các thế hệ. Phương pháp này giúp các quốc gia nâng cao hiểu biết về nền kinh tế theo cấu trúc tuổi của dân số cũng như cách dân số ở các nhóm tuổi khác nhau ảnh hưởng đến tăng trưởng và phát triển kinh tế.

Đến nay, nghiên cứu về Tài khoản chuyển nhượng quốc gia đã được hơn 80 quốc gia trên thế giới thực hiện và công bố. Phương pháp này không chỉ chứng minh được sự ưu việt trong phân tích các chỉ số kinh tế thông qua tuổi của dân số mà còn cho phép trả lời nhiều câu hỏi chính sách vĩ mô quan trọng mà ở đó dân số là trung tâm.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, dân số lao động tạo ra thu nhập để bù đắp các khoản chi tiêu của mình và “gánh đỡ” nhóm dân số phụ thuộc trong nền kinh tế Việt Nam thực chất là nhóm những người trong độ tuổi từ 22 đến 53 tuổi, không phải nhóm dân số trong độ tuổi lao động, từ 15 đến 64 tuổi. Đây không phải là một lợi thế cho nền kinh tế Việt Nam khi dân số đang trong thời kỳ già hóa nhanh với số người từ 60 tuổi trở lên tăng mạnh qua các năm. 

Như vậy, trên quan điểm của tài khoản chuyển nhượng quốc gia, những thay đổi trong cơ cấu tuổi của dân số Việt Nam hiện nay không còn đem lại lợi thế cho quá trình tăng trưởng kinh tế của đất nước. Nói cách khác, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc ở Việt Nam.

Điều này không có nghĩa là chúng ta đã kết thúc “thời kỳ dân số vàng”. Xét về cấu trúc tuổi thuần túy, Việt Nam vẫn đang ở trong thời kỳ dân số vàng với tỷ trọng dân số từ 15-64 tuổi của Việt Nam khoảng 67,4%, tỷ trọng dân số dưới 15 tuổi và từ 65 tuổi trở lên đạt khoảng 32,6%. Tuy nhiên, càng ngày lợi thế do “cơ cấu dân số vàng” đem lại càng giảm đi, đồng thời mức thâm hụt vòng đời kinh tế do tình trạng già hóa dân số ngày càng cao.

Tuy nhiên, lợi tức nhân khẩu học không chỉ xảy ra một lần. Dân số có thể có lợi tức nhân khẩu học lần thứ nhất, lần thứ hai, và thậm chí lần thứ ba. Ở Việt Nam, thời kỳ lợi tức nhân khẩu học thứ nhất đã kết thúc nhưng Việt Nam có thể triển khai đồng bộ các giải pháp kinh tế - xã hội để tăng năng suất lao động, khuyến khích gia tăng tỷ lệ tham gia lao động để đạt được lợi tức nhân khẩu học thứ hai. Đặc biệt nếu thực hiện tốt các chiến lược, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo đúng tinh thần của Quyết định số 1305/QĐ-TTg ngày 08 tháng 11 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ, Việt Nam sẽ có mức tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2023-2030 là 6,5%/năm, cao hơn mức tăng của năm 2022 là 1,7 điểm phần trăm. Mức tăng năng suất này sẽ giúp Việt Nam đạt lợi tức nhân khẩu học thứ hai đến những năm 2040.

Ngoài ra, mặc dù Việt Nam không còn lợi thế về cơ cấu tuổi, đất nước ta vẫn đang ở trong “thời kỳ cơ cấu dân số vàng” với lực lượng lao động trẻ dồi dào. Dự báo thời kỳ này sẽ kéo dài ít nhất 10 năm nữa. Do đó, các chính sách để tận dụng “thời kỳ cơ cấu dân số vàng”, đặc biệt là chính sách tạo việc làm và việc làm thỏa đáng cho người lao động vẫn còn nguyên giá trị và cần phải tiếp tục triển khai thực hiện tốt đảm bảo hiệu quả kinh tế và ổn định xã hội.

Bên cạnh đó, cần tích cực thực hiện tốt các giải pháp tăng năng suất lao động kết hợp với các chính sách khuyến khích tăng tỷ lệ tham gia lao động, đặc biệt là tỷ lệ tham gia lao động ở nhóm người cao tuổi, góp phần tạo thêm thu nhập, giúp giảm thiểu “thâm hụt vòng đời kinh tế” nhằm tận dụng lợi tức nhân khẩu học thứ hai cho quá trình tăng trưởng và phát triển bền vững.

Tỷ lệ người cao tuổi ở nước ta đang gia tăng theo các năm (Ảnh: PV) 

Phân tích cụ thể hơn về những điểm tích cực và hạn chế của thị trường lao động Việt Nam năm 2023, Tổng cục Thống kê nêu rõ, về mặt tích cực, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên năm 2023, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên đạt 52,4 triệu người, cao hơn 0,7 triệu người so với năm trước. Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm năm 2023 đạt 51,3 triệu người, tăng 683,0 nghìn người (tương ứng tăng 1,35%) so với năm 2022. Số lao động có việc làm ghi nhận tăng ở cả khu vực thành thị và nông thôn cũng như ở nam giới và nữ giới. Tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ năm 2023 là 27,0%, tăng so với năm trước. Thu nhập bình quân tháng của người lao động là 7,1 triệu đồng, tăng 6,9%, tương ứng tăng 459 nghìn đồng so với năm 2022. So với năm trước, tình hình thất nghiệp và thiếu việc làm có cải thiện.

Tuy nhiên, Tổng cục Thống kê cũng thẳng thắn nhìn nhận một số điểm hạn chế, trong đó phải kể đến: chất lượng cung lao động còn nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng cho cầu lao động của một thị trường lao động hiện đại, linh hoạt, bền vững và hội nhập (khoảng 38 triệu người lao động chưa qua đào tạo từ sơ cấp trở lên). Số người lao động đang làm việc có xu hướng tăng nhưng thị trường lao động chưa có sự cải thiện về chất lượng lao động khi số lao động phi chính thức làm các công việc bấp bênh, thiếu tính ổn định vẫn chiếm tỷ trọng lớn, khoảng ba phần năm tổng số lao động có việc làm của cả nước. So sánh các năm từ 2020 đến nay (trừ năm 2021 do ảnh hưởng của dịch COVID-19), sự chuyển dịch cơ cấu ngành giữa khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản và hai khu vực còn lại năm nay dường như chậm lại. Nếu các năm 2020 và 2022, tỷ trọng lao động trong ngành nông nghiệp giảm lần lượt là 1,0 điểm phần trăm và 1,6 điểm phần trăm và tăng lên tương ứng ở hai khu vực còn lại thì đến năm 2023 thì tỷ trọng lao động trong ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản giảm chậm hơn, chỉ giảm 0,6 điểm phần trăm. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên còn cao (năm 2023 là 7,63%). Số lao động không sử dụng hết tiềm năng là 2,3 triệu người. Tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng 2023 là 4,3%.

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top