Chung tay chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân

14:35 - Thứ Hai, 26/02/2024 Lượt xem: 4827 In bài viết

Sức khỏe là “tài sản” vô giá, cần được quan tâm, chăm sóc đều đặn, bắt đầu từ sự chủ động của mỗi người. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện, cơ hội chăm lo sức khỏe cho bản thân, nhất là những người có hoàn cảnh khó khăn. Thấu hiểu điều này, các cấp Hội Chữ thập đỏ tập trung huy động nguồn lực xã hội, cùng cơ quan chức năng chung tay chăm sóc sức khỏe cho người dân, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Hội Chữ thập đỏ thành phố Hà Nội phối hợp với các đơn vị chức năng khám bệnh miễn phí cho người có hoàn cảnh khó khăn tại huyện Phú Xuyên.

Nhiều mô hình hiệu quả

Những năm gần đây, các cấp Hội Chữ thập đỏ triển khai nhiều mô hình chăm sóc sức khỏe cho người dân từ gia đình, cộng đồng, dựa vào nguồn lực cộng đồng.

Mô hình được triển khai trên phạm vi rộng là điểm sơ cấp cứu cộng đồng. Hiện cả nước có hàng trăm điểm sơ cấp cứu, đặt tại những vị trí tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, góp phần hỗ trợ kịp thời cho nhiều người không may gặp nạn. Lực lượng cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ vận hành mô hình này cũng là những hạt nhân tiến hành tuyên truyền, tập huấn sơ cấp cứu cho người dân.

Riêng năm 2023, các cấp Hội Chữ thập đỏ tập huấn, phổ biến kiến thức sơ cấp cứu cho gần 600.000 lượt người. Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Đình Xuyên (huyện Gia Lâm) Nguyễn Thị Xuân cho biết: “Nhờ nắm vững kỹ năng sơ cấp cứu, đội ngũ giáo viên sẵn sàng ứng phó, xử lý kịp thời với những tình huống không may xảy ra, qua đó góp phần xây dựng trường học an toàn”.

Ngoài những điểm sơ cấp cứu, nhiều mô hình hỗ trợ chăm sóc sức khỏe người dân dựa vào cộng đồng được mạng lưới Hội Chữ thập đỏ quan tâm phát triển như khám bệnh lưu động, tư vấn chăm sóc sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho nhóm người yếu thế.

Theo Chủ tịch UBND xã Tri Thủy (huyện Phú Xuyên) Lại Văn Quyết: “Việc hỗ trợ chăm sóc sức khỏe cho người gặp khó tại cộng đồng là hình thức trợ giúp thiết thực, mang lại giá trị bền vững cho người thụ hưởng”.

Hiệu quả của việc chăm sóc sức khỏe người dân bằng nguồn lực cộng đồng còn thể hiện rõ hơn thông qua phong trào vận động hiến máu tình nguyện, hiến mô, bộ phận cơ thể người. Minh chứng là năm qua, toàn quốc tiếp nhận hơn 1,55 triệu đơn vị máu, trong đó 99% lượng máu tiếp nhận từ người hiến máu tình nguyện, cơ bản đáp ứng nhu cầu cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Đặc biệt, mô hình “Hỗ trợ dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” mới triển khai đã có hơn 1,14 triệu trẻ em được hưởng lợi.

Tiếp tục không để ai bị bỏ lại phía sau

Kết quả đạt được thông qua những mô hình chăm sóc sức khỏe người dân từ nguồn lực xã hội là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, số lượng có nhu cầu cần trợ giúp trên thực tế lớn hơn nhiều so với khả năng “cung ứng”.

Thống kê của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho thấy, cả nước hiện có khoảng 14 triệu người cao tuổi, khoảng 7 triệu người khuyết tật, cùng hàng trăm nghìn thành viên thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo. Dù nhận được sự quan tâm từ các cơ quan chức năng nhưng do già yếu, đi lại khó khăn, kinh tế eo hẹp nên những trường hợp này luôn cần được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe thường xuyên tại nơi cư trú.

Ngoài ra, mô hình mang đến cơ hội tái sinh cho những người mắc các loại bệnh không thể hồi phục (suy thận, gan, tim, tủy, hỏng giác mạc...) là hiến mô, bộ phận cơ thể người còn chưa nhận được nhiều sự quan tâm từ cộng đồng.

Phó Giám đốc Trung tâm Điều phối ghép tạng quốc gia (Bộ Y tế) Nguyễn Hoàng Phúc cho hay, số lượng người bệnh cần ghép tạng ở nước ta ngày càng tăng nhưng số người đăng ký làm việc nghĩa chưa nhiều. Đến hết năm 2023, cả nước mới có khoảng 86.000 người đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người.

Khẳng định các mô hình do Hội Chữ thập đỏ triển khai là “cái nôi” nuôi dưỡng những hạt mầm nhân ái, lan tỏa giá trị nhân văn cao cả, ông Nguyễn Hoàng Phúc tin tưởng, việc lồng ghép tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến mô, bộ phận cơ thể người thông qua mạng lưới Chữ thập đỏ sẽ mang lại hiệu quả thiết thực.

Chia sẻ về công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết, những chương trình, mô hình phát huy hiệu quả tiếp tục được toàn hội quan tâm nhân rộng, thu hút thêm nhiều tổ chức, cá nhân tham gia. Ngoài ra, hội đang nghiên cứu để triển khai mô hình “Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn dựa vào cộng đồng”.

Góp phần mở rộng danh sách người dân đăng ký hiến mô, tạng nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã ký kết hợp tác truyền thông về mô hình ý nghĩa này với các đơn vị liên quan (Bộ Y tế; Hội Vận động hiến mô, tạng Việt Nam...). Trước mắt, hoạt động tuyên truyền, vận động hiến mô, tạng nhân đạo sẽ diễn ra liên tục trên quy mô toàn quốc thông qua chuỗi sự kiện hưởng ứng Tháng Nhân đạo năm 2024 (tháng 5-2024) do các cấp Hội Chữ thập đỏ phát động, triển khai.

Kêu gọi cả xã hội cùng cộng đồng trách nhiệm, năm 2024, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đặt mục tiêu mở rộng đối tượng, gia tăng số lượng người dân được hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, cố gắng không để ai bị bỏ lại phía sau.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top