Để tăng lương thực sự ý nghĩa!

10:18 - Thứ Hai, 11/03/2024 Lượt xem: 4522 In bài viết

Tăng lương tối thiểu vùng, cải cách tiền lương là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều công chức, viên chức xin ra khỏi ngành vì mức lương quá thấp. Tuy nhiên, việc tăng lương chỉ thực sự có ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và luôn sẵn sàng các phương án can thiệp, bình ổn thị trường phù hợp...

Ảnh minh họa. 

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, trong đó có nội dung về thực hiện chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Theo đó, từ ngày 1/7/2024, thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội đang gắn với lương cơ sở.

Cũng từ ngày 1/7/2024, bãi bỏ tất cả các cơ chế quản lý tài chính, thu nhập đặc thù của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước; áp dụng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập thống nhất. Không tiếp tục áp dụng cơ chế đặc thù hiện hành đối với phần kinh phí thường xuyên theo cơ chế quản lý tài chính đặc thù (chi hoạt động, tăng cường năng lực, hiện đại hóa, đảm bảo hoạt động chuyên môn...) của các cơ quan, đơn vị hành chính Nhà nước…

Cuối tháng 12/2023, Hội đồng Tiền lương Quốc gia đã họp và thống nhất khuyến nghị Chính phủ phương án điều chỉnh lương tối thiểu áp dụng từ ngày 1/7/2024 tăng bình quân 6%, tương ứng tăng từ 200.000 đồng đến 280.000 đồng. Như vậy, nếu được Chính phủ đồng ý, lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ ngày 1/7/2024, cùng thời điểm cải cách tiền lương khu vực công.

Và với mức tăng 6%, lương tối thiểu tháng áp dụng từ 1/7 của vùng I tăng từ 4,68 triệu đồng/tháng lên 4,96 triệu đồng/tháng. Vùng II tăng từ 4,16 triệu đồng/tháng lên 4,41 triệu đồng/tháng. Vùng III tăng từ 3,64 triệu đồng/tháng lên 3,86 triệu đồng/tháng. Vùng IV tăng từ 3,25 triệu đồng/tháng lên 3,45 triệu đồng/tháng.

Còn theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 5/1/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024 thì trong tháng 5 tới, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải hoàn thiện Nghị định quy định mức lương tối thiểu đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, theo phương án cải cách tiền lương, từ ngày 1/7 tới đây, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ công chức, viên chức sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp). Mức lương này sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân hằng năm tính từ năm 2025 khoảng 7%/năm. Theo đó, chính sách tiền lương mới mở rộng quan hệ tiền lương từ hệ số lương 1 - 2,34 – 10 của hiện nay lên thành 1 - 2,68 - 12.

Mục đích của việc tăng lương nhằm bù trượt giá, bảo đảm mức sống cho người lao động. Đây sẽ là niềm vui lớn với hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Bởi theo khảo sát của Viện Công nhân công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) hồi tháng 4/2023 đối với gần 3.000 người lao động thuộc các ngành và tại các loại hình doanh nghiệp khác nhau cho thấy, thu nhập trung bình của người lao động bao gồm cả tiền làm thêm giờ và các khoản phụ cấp là khoảng hơn 7,8 triệu đồng/tháng.

Với mức thu nhập này, hơn 75% người lao động cho rằng, tiền lương và thu nhập không đáp ứng nhu cầu chi phí sinh hoạt cơ bản hàng tháng, nhiều người phải vay để trang trải các chi phí. Cụ thể, có khoảng 17% lao động phải vay tiền; hơn 11% lao động cho biết phải làm thêm các công việc khác để có thêm thu nhập. Thậm chí, hơn 12% người lao động được khảo sát cho biết phải rút bảo hiểm xã hội một lần để trang trải chi tiêu.

Chính vì vậy, việc điều chỉnh lương lần này được đánh giá là một sự động viên đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước và cũng là sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ.

Tăng lương tối thiểu vùng, cải cách tiền lương là rất cần thiết trong bối cảnh nhiều công chức, viên chức xin ra khỏi ngành vì mức lương quá thấp. Tuy nhiên, việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và luôn sẵn sàng các phương án can thiệp, biện pháp bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có biến động.

Vậy nên, vấn đề đặt ra ở đây là phải làm gì để hạn chế tình trạng lương chưa tăng nhưng giá các mặt hàng thiết yếu đã tăng? Bởi thực tế, giá và lương có mối quan hệ mật thiết với nhau. Vì thế khi lương được điều chỉnh tăng, thì giá cả các mặt hàng thiết yếu cũng sẽ mượn cớ “tát nước theo mưa”. Và lần này không ngoại lệ, trước thời điểm lương chính thức tăng, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu đã gia tăng. Cho nên, vấn đề là phải kiểm soát được lạm phát, điều tiết thị trường, nhất là giá cả các mặt hàng thiết yếu.

Một số chuyên gia trong lĩnh vực này cho rằng, nguyên nhân khiến mỗi lần Nhà nước điều chỉnh lương thì giá cả lại tăng, là do hiện tượng độc quyền trong mua bán vẫn xảy ra; hệ thống phân phối còn yếu và nhiều trung gian; quan hệ giữa người sản xuất và người bán lẻ còn không công bằng…

Do đó, nhiều chuyên gia kiến nghị, Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát giá, bình ổn thị trường, dự báo để điều chỉnh phù hợp, góp phần bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu. Chú trọng xây dựng, tính toán "liều lượng" và thời điểm điều chỉnh giá các mặt hàng, dịch vụ do Nhà nước quản lý, tiến tới xóa bỏ độc quyền trong kinh doanh các mặt hàng năng lượng, điện, phân bón, than…

Điều quan trọng để giữ được giá cả ổn định, chúng ta phải có giải pháp để phát triển sản xuất, ứng dụng công nghệ cao, cải thiện năng suất lao động để hạ giá thành sản phẩm. Đẩy mạnh phát triển thị trường lao động, tạo ra nhiều việc làm chất lượng, thu nhập cao cho người lao động. Mặt khác, thực hiện tốt sự sự bình đẳng trước pháp luật của các doanh nghiệp.

Cùng với đó, bảo đảm hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ đầy đủ, không bị đứt gãy, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược có khả năng bị ảnh hưởng do sự đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu… Tổ chức hệ thống phân phối đủ mạnh tại các vùng miền. Bổ sung chính sách để phát triển sản xuất, giảm chi phí dịch vụ logistics, giải quyết điểm nghẽn cơ sở hạ tầng như đường giao thông, kho dự trữ, bến bãi; đẩy mạnh công tác chống hàng giả, gian lận thương mại, trốn thuế, cạnh tranh không bình đẳng. Đồng thời, thiết lập hệ thống các chợ đầu mối nông sản thực phẩm, thực hiện mua bán công khai, minh bạch trên thị trường nội địa...

Theo ĐCSVN
Bình luận

Tin khác

Back To Top