Nhiều đại biểu nhất trí phương án quy định nồng độ cồn “bằng 0” khi lái xe

15:22 - Thứ Tư, 27/03/2024 Lượt xem: 4306 In bài viết

Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội đề nghị, khi đã hình thành ý thức, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”, sẽ có đề xuất ngưỡng nồng độ cồn phù hợp.

Sáng 27-3, hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, nhiệm kỳ khóa XV tiến hành thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Quang cảnh hội nghị.

Báo cáo một số vấn đề lớn của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ cho biết, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh nhất trí với đề xuất của Chính phủ là cấm tuyệt đối nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Tuy nhiên, theo ý kiến đề xuất của một số đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đã thiết kế thêm phương án quy định như Luật Giao thông đường bộ năm 2008 là: Cấm “Điều khiển xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng trên đường mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn. Điều khiển xe mô tô, xe gắn máy mà trong máu có nồng độ cồn vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở”. Đồng thời, phải sửa đổi quy định liên quan tại Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019.

Tại phiên họp thứ 31, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến và nhất trí đề nghị lựa chọn phương án nồng độ cồn “bằng 0” khi tham gia giao thông. Do đó, Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh đề nghị các đại biểu thống nhất với phương án này để báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy. Sau quá trình thực hiện, khi đã hình thành ý thức, văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe”, các cơ quan sẽ tiến hành tổng kết quy định này để có đề xuất cho phù hợp.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) thảo luận.

Thảo luận về quy định này, đại biểu Nguyễn Đại Thắng (Đoàn Hưng Yên) cho rằng, việc quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn bảo đảm tính khả thi hơn so với quy định cho phép nồng độ cồn ở ngưỡng nhất định. Với quy định cấm như vậy thì người dân không uống rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Còn nếu quy định có ngưỡng nhất định thì chính người dân khó xác định uống bao nhiêu, uống thế nào cho thấp hơn ngưỡng đó.

“Cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ là cần thiết, đáp ứng yêu cầu thực tiễn, có lợi cho chính người tham gia giao thông và gia đình họ”, đại biểu Nguyễn Đại Thắng nói.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Đoàn Bình Định) cho rằng, cần tăng mức xử phạt với mức vi phạm cao, còn với mức vi phạm thấp, như dưới 0,1mg/ lít khí thở thì đối với người điều khiển xe máy cá nhân chỉ áp dụng hình thức xử phạt hành chính, không tước giấy phép lái xe. Tuy nhiên, quy định không tước giấy phép lái xe này không nên áp dụng với người lái xe máy hoạt động dịch vụ chở người và chở hàng.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) phát biểu thảo luận.

Thảo luận tại phiên họp, đồng tình với quy định nồng độ cồn “bằng 0” khi tham gia giao thông, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cũng gợi mở vấn đề, việc quy định cấm tuyệt đối sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông sẽ làm giảm lớn mức tiêu thụ rượu, bia và có tác động nhất định đến đời sống văn hóa, nguồn thu của ngân sách và thu nhập của người lao động.

“Do đó, để thuyết phục hơn, đề nghị Chính phủ cần tiếp tục đánh giá tác động sâu hơn, toàn diện hơn đối với chính sách này. Đồng thời, nghiên cứu để đưa ra các số liệu minh chứng việc đưa ra “ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép” để kiểm soát rượu, bia khi tham gia giao thông như trong thời gian qua là không khả thi, không làm giảm số vụ tai nạn giao thông và khó kiểm soát tình hình tai nạn giao thông”, đại biểu Đoàn Quảng Bình nói.

Đại biểu Lý Thị Lan (Đoàn Hà Giang) cũng đề nghị rà soát, xem xét, cân nhắc mức xử phạt, hình thức xử phạt vi phạm nồng độ cồn sao cho phù hợp và có lộ trình cụ thể để người dân dần dần hình thành văn hóa khi tham gia giao thông, đáp ứng được yêu cầu thực hiện các quy định của pháp luật.

Theo HNM
Bình luận

Tin khác

Back To Top