ĐBP - 60 năm xây dựng và trưởng thành, Báo Điện Biên Phủ không chỉ thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị, là cơ quan ngôn luận của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc Điện Biên mà còn luôn trăn trở vì người nghèo, vì vùng cao gian khó tỉnh nhà. Hòa cùng “nhịp đập” thăng trầm, phát triển của mảnh đất quê hương, Báo đã tích cực trong công tác an sinh xã hội, từ thiện nhân đạo, đồng hành và góp sức để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân vùng cao.
Chúng tôi trở lại thăm điểm trường bản Pọng, xã Mường Đăng, huyện Mường Ảng sau gần 4 năm. Tại đây đầu năm 2020, Báo Điện Biên Phủ kết nối, vận động tài trợ xây dựng lớp học 3 gian, rộng 77m2 (trị giá 250 triệu đồng) khang trang, sạch đẹp cho học sinh. Khi công trình hoàn thiện đi vào sử dụng, giáo viên, học sinh và phụ huynh đều rạng rỡ mừng vui. Bởi từ đó, con em địa bàn không phải chen chúc trong phòng học chật chội và lớp học bằng gỗ đã xuống cấp, không đảm bảo an toàn. Phòng học được khánh thành trong chương trình “Hành trình về nguồn” của tuổi trẻ báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Thủ đô Hà Nội (tháng 6/2020) do Báo Điện Biên Phủ đăng cai, nên càng thêm ý nghĩa.
Cô Ninh Thị Nhiệm, Hiệu trưởng Trường Mầm non Mường Đăng chia sẻ: “Nhờ có phòng học kiên cố do Báo Điện Biên Phủ kết nối xây dựng mà cô và trò điểm bản Pọng yên tâm học tập, phụ huynh yên tâm gửi gắm con em mình. Giờ đây, phòng học ấy được sử dụng cho lớp nhà trẻ 12 học sinh. Phòng được xây rộng rãi nên nhà trường bố trí ngăn tách bên ngoài là lớp học, bên trong làm phòng ngủ cho học sinh. Qua đó góp phần nâng cao điều kiện cơ sở vật chất, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ của điểm bản Pọng nói riêng, nhà trường nói chung. Cảm ơn tấm lòng, sự sẻ chia của Báo Điện Biên Phủ và đơn vị tài trợ”.
Đó chỉ là một trong rất nhiều công trình, chương trình an sinh xã hội mà Báo Điện Biên Phủ thực hiện trên địa bàn tỉnh. Dấu ấn đậm nhất của đơn vị là tại xã vùng sâu vùng xa Phình Giàng, huyện Điện Biên Đông - nơi Báo nhận “đỡ đầu” hỗ trợ suốt gần 20 năm qua theo chủ trương của UBND tỉnh về phân công nhiệm vụ giúp đỡ các xã đặc biệt khó khăn (năm 2005). Khi ấy, xã Phình Giàng bao gồm cả Phình Giàng và Pú Hồng bây giờ.
Thời điểm 2005, Phình Giàng vô cùng khó khăn với đường đi gian nan, đồng bào thiếu đói nhiều tháng trong năm và vẫn còn nhiều hủ tục. Ban Biên tập Báo Điện Biên Phủ đã quyết định thành lập tổ công tác giúp xã gồm 5 thành viên đại diện cho các phòng, ban, đoàn thể. Tổng Biên tập kiêm tổ trưởng, trực tiếp chỉ đạo khảo sát điều kiện thực tế, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng cán bộ, nhân dân xã Phình Giàng để có hướng hỗ trợ phù hợp. Cùng với đó, cử phóng viên thường xuyên bám xã theo từng giai đoạn. Cán bộ, phóng viên cơ quan thì không quản ngại “ngược xuôi” kêu gọi, vận động các nhà hảo tâm sẻ chia, hỗ trợ giúp xã phát triển kinh tế, bằng các công trình cấp thiết phục vụ đời sống, sản xuất, các mô hình trồng trọt, chăn nuôi...
Ông Trần Văn Toại, Phó Tổng biên tập Báo Điện Biên Phủ khi ấy là phóng viên trẻ, được Ban Biên tập cắt cử “cắm xã” trong giai đoạn 2007 - 2009, kể lại: “Nhận nhiệm vụ, hàng tháng tôi đều về xã, ở lại dài ngày cùng cán bộ, giáo viên, bà con nhân dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, tìm hiểu, cập nhật tình hình. Từ đó vừa thực hiện chuyên môn tuyên truyền vừa báo cáo, tham mưu Ban Biên tập các hoạt động, chương trình giúp xã. Thời gian ấy, Báo Điện Biên Phủ triển khai nhiều mô hình phát triển kinh tế cho người dân Phình Giàng như: Trồng tre bát độ, hỗ trợ con giống, trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi, làm công trình thủy lợi, xây trường, sửa lớp, dựng nhà văn hóa bản... Ngày lễ tết, còn chở cả máy phát điện, xây dựng chương trình văn nghệ và tổ chức chiếu phim phục vụ người dân trong xã. Cơ quan thường xuyên tổ chức cho cán bộ, phóng viên về xã, đến các bản “xắn tay áo” cùng làm với bà con, từ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn phát triển kinh tế gia đình, đến tuyên truyền ăn ở sạch sẽ, vệ sinh, phòng chống dịch bệnh...”.
Thông qua các hoạt động hỗ trợ, Báo đã góp phần nâng cao nhận thức người dân, dần thay đổi diện mạo xã Phình Giàng. Chỉ tính trong giai đoạn 5 năm đầu giúp xã, Báo Điện Biên Phủ đã vận động được gần 10 tỷ đồng làm các công trình phục vụ đời sống văn hóa, sản xuất và giáo dục cho người dân nơi đây, trao hàng nghìn phần quà tặng người nghèo... Tình cảm gắn bó cùng những hoạt động ý nghĩa hướng về Phình Giàng vẫn được Báo Điện Biên Phủ duy trì suốt những năm qua.
Ông Thào A Ký, Phó Bí thư Đảng ủy xã Phình Giàng chia sẻ: “Người dân rất phấn khởi với tình cảm, các phần quà, chương trình ý nghĩa Báo Điện Biên Phủ dành cho Phình Giàng hàng năm. Nhiều hộ nghèo, học sinh hoàn cảnh khó khăn của xã đã được trợ lực, tiếp sức vươn lên từ các hoạt động thiện nguyện ấy. Những năm qua, Báo Điện Biên Phủ đã góp phần tích cực thúc đẩy xã ngày càng phát triển”.
Hoạt động báo chí ở địa bàn tỉnh miền núi còn vô vàn khó khăn, mỗi cán bộ, phóng viên Báo Điện Biên Phủ đều nhận thức rõ trách nhiệm xã hội của mình. Phát huy những phần việc đã làm được, mỗi năm Báo kết nối, kêu gọi các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và nhà hảo tâm quyên góp hàng tỉ đồng hỗ trợ người nghèo Điện Biên; đầu tư làm nhà nội trú cho học sinh, nhà công vụ giáo viên, nhà ở cho người nghèo biên giới; tổ chức khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho đồng bào dân tộc thiểu số; trao học bổng cho học sinh nghèo vượt khó... khắp các huyện, thị, thành phố trong tỉnh. Đây sẽ luôn là một trong những nhiệm vụ - trách nhiệm xã hội mà Báo Điện Biên Phủ xác định tiếp tục quan tâm thực hiện trên chặng đường tiếp theo.