Tiền thu từ các dịch vụ đối với một chuyến của máy bay A320/321 khoảng 3 triệu đồng là rất nhỏ trong chi phí cho một chuyến bay, trung bình 15.000 đồng/khách.
Trước thông tin giá vé máy bay tăng cao do thuế phí tại sân bay, ngày 7/5, đại diện Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) lý giải các loại phí trong vé máy bay bao gồm mức phí nộp cho Nhà nước và giá dịch vụ sân bay.
Theo ACV: Hành khách đi máy bay phải chịu giá dịch vụ hạ cất cánh. Đây là loại giá do Nhà nước quy định, đảm bảo khai thác tài sản kết cấu hạ tầng hàng không do Nhà nước đầu tư, quản lý và nộp lại ngân sách. Mức giá áp theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải từ năm 2017, các hãng thực hiện chuyến bay phải nộp chi phí này.
Dịch vụ sân bay như sân đậu tàu bay, cho thuê cầu dẫn khách, thuê quầy làm thủ tục hành khách, thuê băng chuyền hành lý và xử lý hành lý tự động, dịch vụ phục vụ mặt đất trọn gói được thu theo khung giá quy định. Theo ACV, tiền thu từ các dịch vụ được áp dụng đối với một chuyến của máy bay A320/321 khoảng 3 triệu đồng là rất nhỏ trong chi phí cho một chuyến bay, trung bình 15.000 đồng một khách.
ACV đang cung cấp dịch vụ kỹ thuật thương mại mặt đất tại các cảng hàng không (trừ 4 sân bay: Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh) cho các hãng hàng không và thu tiền theo chuyến. Mức thu được ACV ký hợp đồng với các hãng bay từ năm 2012 đến nay và chỉ điều chỉnh một lần vào năm 2019 với mức tăng 5%. Số tiền thu từ dịch vụ chia đều cho hành khách trên tàu bay A320/321 khoảng 30.000 đồng một người.
Vé máy bay còn chịu mức phí phục vụ hành khách và bảo đảm an ninh hành khách, hành lý. Ví dụ, trên đường bay Hà Nội - TP HCM, phần thu là 120.000 đồng mỗi khách, gồm phí phục vụ hành khách 100.000 đồng và phí an ninh 20.000 đồng. Hiện các hãng bay thu hộ ACV và được hưởng hoa hồng 1,5% doanh thu. Thực tế, đơn vị quản lý sân bay cho biết các hãng bay đang chiếm dụng khoản thu này và chưa trả đầy đủ cho ACV.
Ngoài các loại phí tại sân bay, trong cơ cấu giá vé còn có các chi phí khác như quản trị hệ thống, duy trì vận hành, nhiên liệu...
ACV là doanh nghiệp vốn nhà nước chiếm 95%, đang quản lý khai thác 22 sân bay tại Việt Nam.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, 5 nguyên nhân khiến giá vé tăng gồm: giá nhiên liệu lên cao; chênh lệnh tỷ giá; nhà sản xuất Pratt&Whitney triệu hồi động cơ, khiến số lượng máy bay bị cắt giảm; giá thuê tàu bay tăng cao; tình hình cung cầu vận tải hàng không vào dịp cao điểm. Cục Hàng không Việt Nam cũng đưa ra dự báo tình trạng lệch cung cầu sẽ tiếp tục xảy ra trong giai đoạn cao điểm hè năm nay.