Để việc tăng lương thật sự ý nghĩa

06:34 - Chủ Nhật, 12/05/2024 Lượt xem: 5268 In bài viết

Việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và Nhà nước luôn sẵn sàng các phương án can thiệp bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có biến động về giá. Bởi thực tế đã thành vòng luẩn quẩn lặp đi lặp lại nhiều năm nay, cứ hễ tăng lương là giá cả hàng hóa lại mượn cớ “té nước” theo lương.

Việc tăng lương chỉ thực sự ý nghĩa khi lạm phát được kiểm soát và Nhà nước luôn sẵn sàng các phương án can thiệp bình ổn thị trường phù hợp, kịp thời khi có biến động về giá.

Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định về tăng lương tối thiểu vùng từ 1/7/2024. Nếu phương án này được triển khai, việc tăng lương tối thiểu vùng và cải cách tiền lương ở khu vực công sẽ cùng được triển khai từ thời điểm 1/7/2024. Như vậy, từ ngày 1/7, dự kiến, mức lương của công chức, viên chức sẽ tăng khá cao so với hiện nay.

Mục đích của việc tăng lương nhằm bù trượt giá, bảo đảm mức sống cho người lao động. Đây sẽ là niềm vui lớn của hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Tuy nhiên, người lao động chưa được hưởng niềm vui tăng lương thì Bộ Công Thương cho biết, chỉ số giá tiêu dùng trong nước có thể tăng sau khi thực hiện cải cách tiền lương từ ngày 1/7 và điều chỉnh giá điện theo cơ chế mới. 

Trong khi đó, việc tăng lương chỉ thật sự có ý nghĩa nếu giá cả được giữ ổn định ở mức tương đối. Những mặt hàng thiết yếu như điện, nước, xăng dầu, lương thực, thực phẩm... phải kiểm soát được giá cả hoặc điều tiết hợp lý. Đây là vấn đề nhiều người tiêu dùng quan tâm.

Thực tế nhiều năm nay, đã có tình trạng cứ tăng lương là giá hàng hóa lại “té nước” tăng theo. Điều này khiến giá trị của việc tăng lương bị suy giảm, khiến người lao động mừng ít, lo nhiều vì lo sợ lương tăng không đuổi kịp giá hàng hóa tăng.

Một số chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân khiến mỗi lần Nhà nước điều chỉnh lương thì giá cả lại tăng là do hiện tượng độc quyền trong mua bán vẫn xảy ra; hệ thống phân phối còn yếu và nhiều trung gian; quan hệ giữa người sản xuất và người bán lẻ chưa công bằng…Do đó, các bộ, ngành, địa phương phải chuẩn bị đầy đủ nguồn hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để đáp ứng kịp thời nhu cầu của người dân, nhất là nhóm hàng lương thực - thực phẩm, khi nhu cầu trong 6 tháng cuối năm dự báo tăng cao hơn 6 tháng đầu năm.

Trong khi đó, Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, công tác quản lý, điều hành giá quý I/2024 tiếp tục đối mặt với nhiều áp lực do biến động nhanh, phức tạp từ bối cảnh thế giới và khu vực. Xung đột quân sự, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn tiếp tục diễn biến phức tạp, gia tăng các rủi ro về an ninh năng lượng, an ninh lương thực, lạm phát, gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu; giá xăng dầu, các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất biến động khó lường.

Trước áp lực lạm phát gia tăng, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo điều hành giá đã chỉ đạo các bộ, ngành địa phương tổ chức triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm thông suốt hoạt động cung ứng, lưu thông, phân phối hàng hóa, dịch vụ, nhất là đối với các mặt hàng chiến lược.

Tại cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 19/3 mới đây, Ban Dân nguyện kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm chỉ đạo một số nội dung cử tri quan tâm hiện nay. Cụ thể, tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương có giải pháp hiệu quả để kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường... "tránh tình trạng mức điều chỉnh tăng lương không theo kịp lạm phát, tăng giá các mặt hàng trên thị trường".

Chưa hết, cũng tại cuộc họp thường kỳ Chính phủ tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường quản lý giá cả, thị trường, có lộ trình phù hợp điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, các dịch vụ công; "không tăng giá đột ngột, không tăng giá nhiều mặt hàng trong cùng một thời điểm, không tăng giá vào thời điểm tăng lương".

Được biết, để khắc phục những bất cập về chế độ tiền lương hiện nay, nhằm cải thiện đời sống của đại đa số cán bộ, công chức, viên chức và những người hưởng lương, mặt khác, theo chức năng được Chính phủ phân công, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan báo cáo Chính phủ thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp để kiểm soát lạm phát, bình ổn giá cả hàng hóa thị trường, nhằm bảo đảm giá trị thực của tiền lương mới khi cải cách tiền lương. Từ đó, nâng cao đời sống cán bộ, công chức, viên chức và người hưởng lương khi thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết số 27-NQ/TW.

Tuy nhiên, để những nhiệm vụ, giải pháp đó đi vào cuộc sống, thiết nghĩ, các bộ, cơ quan, địa phương theo chức năng nhiệm vụ được giao chủ động có biện pháp, giải pháp quản lý phù hợp, kịp thời theo thẩm quyền, điều hành linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết giá theo quy định của pháp luật về giá để kiểm soát, bình ổn thị trường.

Các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với những hàng hóa, dịch vụ thiết yếu một cách chủ động hơn. Phải thường xuyên theo dõi, kịp thời có giải pháp bảo đảm cân đối cung - cầu trong nước; tránh tình trạng thiếu hàng, găm hàng, đầu cơ, tăng giá bất hợp lý. Việc kiểm soát kê khai, niêm yết giá là rất cần thiết và cần thực hiện thường xuyên, quyết liệt nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, bất cập, xử lý nghiêm hành vi vi phạm...

Ngoài ra, cơ quan quản lý cần sử dụng linh hoạt, hiệu quả các công cụ, biện pháp điều tiết để kiềm chế nguy cơ tăng giá, bình ổn thị trường. Giám sát chặt chẽ biến động giá của các mặt hàng thiết yếu để có giải pháp quản lý, điều hành, bình ổn kịp thời, phù hợp...

Chúng ta có quyền hi vọng, với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống, sự quyết tâm của các cấp, các ngành, việc tăng lương cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tới đây sẽ thật sự có ý nghĩa đúng như mục tiêu tăng lương đã đề ra để khi cầm đồng lương, người lao động cảm thấy thật sự có ý nghĩa...

Theo ĐCSVN
Bình luận
Back To Top