Tạo cảm hứng tìm hiểu lịch sử

18:16 - Thứ Hai, 13/05/2024 Lượt xem: 5680 In bài viết

ĐBP - Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ đã trôi qua, song khí thế ngày đại lễ vẫn để lại nhiều dư âm, lắng đọng lòng người dân Điện Biên nói riêng và đồng bào cả nước nói chung cũng như bạn bè quốc tế. Trong những ngày gần đây, nhiều phụ huynh, giáo viên và người dân khá quan tâm đến số Báo Nhân Dân ra ngày 7/5/2024; trong đó có in toàn bộ bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Với công nghệ thực tế tăng cường, bức tranh kích thích người xem trải nghiệm bức tranh panorama động trong chiều không gian vật lý. Sự tương tác đó đã khơi dậy niềm đam mê, khám phá, tìm tòi và tạo hứng thú tìm hiểu về lịch sử cho học sinh và thế hệ trẻ.

Học sinh Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ tự tay cắt, ghép tranh.

Cách đây hơn 1 tuần, Báo Nhân Dân đã phối hợp Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và Báo Điện Biên Phủ tổ chức triển lãm tương tác tranh panorama kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2024). Thông tin đặc biệt về Chiến thắng Điện Biên Phủ, số Báo Nhân Dân ngày 7/5/2024 tăng thêm 12 trang thông tin, gồm: 4 trang nội dung, 4 trang tóm tắt diễn tiến 56 ngày đêm chiến dịch dưới dạng nhật ký bằng tiếng Việt và tiếng Anh, 4 trang in toàn bộ bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Với 4 trang in bức tranh, bạn đọc có thể cắt, ghép thành bức tranh panorama dài tới 3,21m và tương tác với tranh thông qua công nghệ thực tế ảo tăng cường (AR) hoặc quét mã QR. Nhờ việc áp dụng công nghệ, giờ đây, các trang báo Nhân Dân số đặc biệt 7/5/2024 được nhiều người tìm kiếm. Phần phục vụ cho công tác giảng dạy lịch sử, phần muốn thu thập tài liệu để con em tìm hiểu, nghiên cứu lịch sử thông qua bức tranh sử dụng công nghệ.

Đáp ứng yêu cầu đứa con nhỏ, những ngày gần đây, chị Trịnh Thị Ngọc, phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ đang tìm kiếm số báo Nhân Dân đặc biệt ngày 7/5 giúp con được trải nghiệm và tương tác với bức tranh panorama qua công nghệ thực tế ảo tăng cường. Chị Ngọc chia sẻ: “Tôi đã dẫn các con đến chiêm ngưỡng bức tranh panorama tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ rồi, nhưng chưa được trải nghiệm bức tranh thông qua công nghệ thực tế ảo. Vì vậy, tôi đã cố gắng tìm kiếm và sưu tầm số báo đặc biệt để cắt ghép bức tranh cho các con hiểu hơn về chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhờ có bức tranh mà các con tôi không chỉ thỏa mãn sự tò mò, mà còn hiểu hơn về Chiến dịch Điện Biên Phủ…”.

Các phần bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” được cắt từ ấn phẩm Báo Nhân Dân ngày 7/5/2024.

Cùng suy nghĩ với chị Ngọc, anh Vũ Đình Hệ, phường Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) bày tỏ: “Hiện nay, nhiều bạn trẻ và học sinh thờ ơ với môn lịch sử. Nhằm giáo dục truyền thống cho các con, gia đình tôi thường dẫn con tham gia các trải nghiệm thực tế, đặc biệt là tìm hiểu lịch sử thông qua các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh. Gần đây, Báo Nhân Dân phát hành số báo đặc biệt có in bức tranh panorama, tôi cũng tìm kiếm được 1 tờ và hướng dẫn các con tìm hiểu lịch sử thông qua chiêm ngưỡng bức tranh qua công nghệ thực tế ảo. Qua đó, các con rất hào hứng và thêm yêu thích môn lịch sử”.

Để nhân dân, du khách có thêm trải nghiệm, chiêm ngưỡng bức tranh panorama trên nền tảng công nghệ, Báo Nhân Dân đã trao tặng 1.000 phụ trang về bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” cho Sở Giáo dục và Đào tạo, Tỉnh đoàn Điện Biên và Báo Điện Biên Phủ để gửi tặng nhân dân, học sinh trên địa bàn. Trên cơ sở đó, nhiều giáo viên đã đưa phụ trang về bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ” vào giảng dạy.

Các em học sinh hào hứng khi trải nghiệm tương tác xem hình ảnh chuyển động thông qua công nghệ thực tế tăng cường.

Trong buổi học hoạt động trải nghiệm, cô giáo Nguyễn Thị Thanh Huyền, Trường Tiểu học Hà Nội - Điện Biên Phủ đã cho học sinh cắt ghép và tìm hiểu bức tranh panorama “Chiến dịch Điện Biên Phủ”. Cô giáo Huyền cho biết: “Đa số các em đều được phụ huynh đưa đến xem bức tranh panorama thực tế tại Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Nhưng khi tiếp cận bức tranh với công nghệ thực tế ảo, các bạn nhỏ lại cảm thấy hào hứng và vui vẻ hơn. Bởi các em đã tự tay cắt ghép bức tranh và còn tìm hiểu kỹ thông tin đằng sau bức tranh. Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn và giới thiệu thêm của giáo viên về Chiến dịch Điện Biên Phủ, các em càng thêm hứng thú với buổi học… Đây là một tư liệu rất ý nghĩa, góp phần giáo dục truyền thống lịch sử cho học sinh; vì vậy chúng tôi sẽ giữ gìn thật cẩn thận để sử dụng cho các buổi học lịch sử trong thời gian tới”.

Để giá trị của bức tranh lan tỏa rộng rãi, Sở đã gửi các tờ báo có phụ trang bức tranh panorama đến 34 đơn vị trực thuộc và yêu cầu tập trung tuyên truyền, phổ biến tới cán bộ quản lý giáo dục, công chức, viên chức, người lao động, học sinh, sinh viên về nội dung, ý nghĩa của bức tranh. Hướng dẫn cắt, ghép thành bức tranh panorama; tương tác với tranh thông qua quét mã QR trên tranh hoặc tải ứng dụng xem hình ảnh chuyển động bằng công nghệ thực tế tăng cường (AR) các nội dung thông tin của tranh. Có thể thấy, thông qua công nghệ thực tế tăng cường, phụ huynh, học sinh và du khách được trải nghiệm tương tác xem hình ảnh chuyển động, tạo cảm hứng tìm hiểu về lịch sử và góp phần quan trọng vào việc giáo dục truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ hôm nay.

 

Bài, ảnh, video: Phạm Quang
Bình luận

Tin khác

Back To Top